Có mấy loại đèn xe ô tô và cần lưu ý gì khi muốn độ đèn?
09:23 - 03/02/2021
Đèn xe là trang bị không thể thiếu đối với mỗi chiếc ô tô. Chúng không chỉ làm tăng thêm tính thẩm mỹ cho ngoại hình của "xế cưng" mà còn hỗ trợ đắc lực các tài xế khi di chuyển trong điều kiện ánh sáng kém, trời tối cùng nhiều chức năng đa dạng khác.
Có những loại đèn xe ô tô nào, các loại hệ thống chiếu sáng, chức năng và công dụng của từng loại,... Tất cả sẽ được Tinxe.vn tổng hợp trong chia sẻ dưới đây.
Có mấy loại đèn trên ô tô?
Trên xe ô tô có các loại đèn chính, được đánh giá là quan trọng gồm:
- Đèn chiếu sáng pha-cốt
- Đèn định vị ban ngày, đèn xi-nhan, đèn phanh
- Đèn sương mù, đèn hậu, đèn trần, đèn soi biển số, đèn phản quang.
Đèn chiếu sáng cốt (cos) - pha (far)
Đây là hệ thống đèn quan trọng nhất của ô tô, được đặt ở đầu xe làm nhiệm vụ chiếu sáng phía trước trong điều kiện trời tối, giúp người lái quan sát được tình trạng giao thông, chướng ngại vật trên đường.
Hệ thống đèn chiếu sáng này bao gồm đèn cốt chiếu sáng ở khoảng gần trước đầu xe và đèn pha (far) chiếu sáng ở khoảng cách xa hơn. Khi di chuyển trong thành phố vào buổi tối, lái xe phải bật đèn cốt làm đèn chiếu sáng liên tục nhằm đảm bảo khả năng quan sát và không gây ảnh hưởng tới các xe đi ngược chiều cũng như cùng chiều. Đèn pha ô tô chỉ dùng khi không có phương tiện đi ngược chiều hoặc cùng chiều (phương tiện phía trước đầu xe). Ngoài ra, đèn pha cũng được dùng để hỗ trợ quan sát xa hơn trên đường trường.
Đèn định vị ban ngày DRL
Tại nhiều quốc gia, đèn định vị ban ngày trên ô tô là bắt buộc bởi hệ chúng giúp tăng khả năng nhận biết cho người điều khiển các phương tiện khác. Với các dòng ô tô đời mới, đèn định vị thường được áp dụng công nghệ LED. Một số xe đời cũ thì chỉ được trang bị đèn DRL dạng sợi đốt.
Đèn xi-nhan
Đèn xi-nhan trên các loại phương tiện đều được quy định nằm lệch về hai bên thân xe, có màu cam. Tác dụng của bóng đèn xi nhan ô tô là báo hiệu hướng di chuyển tiếp theo của mình cho các phương tiện khác biết để tránh và nhường đường. Ở các dòng xe hiện tại, đèn xi nhan được tích hợp ở đèn hậu 2 bên, và tích hợp trên gương chiếu hậu hai bên xe.
Một số dòng xe phân khối lớn và ô tô, đèn xi-nhan còn có nhiệm vụ làm đèn cảnh báo nguy hiểm khi đồng thời bật/tắt liên tục nút bấm hình tam giác trên bảng điều khiển. Nhiều chủ xe còn độ đèn gương xi-nhan tăng thêm tính thẩm mỹ cũng như khả năng cảnh báo.
Đèn hậu
Đèn hậu lắp ở đuôi xe, được quy định sử dụng màu đỏ để cảnh báo cho các phương tiện lưu thông phía sau. Đèn hậu giúp tăng khả năng nhận biết cho các xe đi phía sau, đèn sáng lên tức là người lái đạp phanh. Các dòng xe cao cấp, lực phanh càng mạnh thì đèn hậu càng sáng nên người phía sau có thể nhận biết được mức độ khẩn cấp của việc giảm tốc độ. Vậy nên đèn hậu khá quan trọng, giúp giảm thiểu được các va chạm từ phía sau.
Cụm đèn hậu còn được tích hợp một đèn màu trắng làm đèn cảnh báo xe lùi khi lái xe chuyển về số R. Đây cũng là dấu hiệu để các người phía sau biết rằng xe đang ở số lùi, từ đó có sự chuẩn bị để nhường đường, tránh va chạm.
Đèn sương mù
Đèn sương mù ô tô hay còn gọi là đèn gầm ô tô, thường có ánh sáng vàng đặc trưng, chúng được lắp ở vị trí thấp (ở dưới hoặc hai bên góc ngoài cùng của cản trước/cản sau hoặc cả cản trước và sau của xe) để làm tăng khả năng nhận biết cho các phương tiện phía trước và phía sau trong điều kiện trời nhiều sương, mưa, trời tối hoặc bụi mà không gây ảnh hưởng đến xe chạy đối diện.
Đèn phản quang
Đèn phản quang ở vị trí phía ba đờ sốc dưới đuôi xe, thường được đặt trên ống xả, chức năng chính là phản lại ánh sáng của phương tiện giao thông phía sau, giúp chủ xe phía sau nhận biết được khoảng cách giữa hai xe. Đây cũng là chức năng của đèn hậu nhưng xe ô tô vẫn được trang bị thêm loại đèn này.
Đèn soi biển số
Được lắp đặt ngay bên trên biển số phía đuôi xe, loại đèn ô tô này có tác dụng chính là soi biển số đăng ký để các cơ quan chức năng cũng như phương tiện khác có thể nhìn rõ biển số vào ban đêm. Khi người lái bật đèn pha-cốt thì đèn soi biển số sẽ được kích hoạt.
Đèn trần
Đèn trần nằm ở trên trần ô tô, có công dụng chiếu sáng toàn bộ nội thất trong xe. Chúng được kích hoạt bằng các công tắc thủ công nằm cùng với hộp đèn. Loại đèn này thường chỉ được dùng khi người ngồi trong xe muốn tăng thêm ánh sáng để đọc sách, nói chuyện,…
Công nghệ chiếu sáng trên ô tô gồm những loại nào?
Hiện đang có 4 loại đèn chiếu sáng chính trên xe ô tô là đèn halogen, xenon (HID), LED và laser. Trong đó, đèn halogen là trang bị phổ biến nhất cho các ô tô hiện nay. Một số dòng xe hơi cao cấp hơn sẽ được sử dụng đèn pha xenon hay LED, tiên tiến nhất là đèn laser. Những điểm khác biệt chính của các loại đèn ô tô trên, đó là màu sắc và cường độ ánh sáng.
- Đèn LED có màu sắc ánh sáng vào khoảng 6.000 độ K trở lên, có thể phát ra các tia sáng trắng hơn ánh sáng ban ngày.
- Đèn xenon phát ánh sáng trong khoảng 4.500 độ K.
- Các đèn pha halogen có các tia sáng màu vàng với nhiệt độ 3.200 độ K.
- Đèn Laser phát ánh sáng rất gần với ánh sáng mặt trời 6.500K
Đèn halogen
Đèn halogen là loại bóng đèn sợi đốt, phát sáng khi nhiệt độ tăng cao, bên trong đèn bao gồm một dây tóc làm từ vonfram và hỗn hợp của khí trơ cùng một lượng nhỏ chất halogen như i ốt hoặc brôm (trong bóng đèn này đã được hút hết không khí). Sự kết hợp giữa vonfram và halogen tạo ra phản ứng hóa học chu trình halogen, từ đó bổ sung vonfram cho dây tóc, giúp tăng độ bền, tuổi thọ và duy trì độ trong suốt của bóng đèn.
Ưu điểm:
- Đèn halogen có khả năng chiếu sáng cao hơn những bóng đèn sợi đốt thông thường, tuổi thọ cao, chi phí thấp.
- Bóng đèn halogen có cấu tạo đơn giản và dễ dàng tháo lắp, chúng có thể chiếu sáng 1000h với công suất 55W.
- Tính ứng dụng cao, đa dạng về mẫu mã, kích cỡ, phù hợp với rất nhiều dòng xe ô tô khác nhau.
Nhược điểm:
- Đèn halogen tiêu tốn nhiều nhiệt lượng và rất nhạy cảm với không khí ẩm nên quá trình chăm sóc, bảo dưỡng gặp nhiều khó khăn.
- Khả năng chiếu sáng kém hơn các loại đèn khác.
Đèn LED
Đèn LED (Light Emitting Diode) chỉ có một nguồn năng lương rất nhỏ nhưng có thể phát một lượng nhiệt đáng kể trên diode. Cấu tạo và cách phát sáng của đèn LED khá phức tạp, về cơ bản thì đây là loại đèn dựa trên công nghệ bán dẫn, sự chuyển động của các điện tử sinh ra bức xạ ánh sáng nhiều màu khác nhau tùy vào chất trong chíp bán dẫn.
Tuy nhiên, đèn LED lại tiềm ẩn rủi ro cho các chi tiết lắp ghép cũng như kết nối cạnh đó. Vậy nên đèn pha LED sẽ cần hệ thống làm mát giống như bộ tản nhiệt hoặc quạt để tránh hiện tượng tan chảy.
Ưu điểm:
- Tuổi thọ cao, có thể vận hành lên tới 15000h.
- Độ sáng tối đa cực nhanh (chỉ trong vài phần triệu của giây), rất phổ biến để làm đèn xi nhan, đèn hậu, đèn LED gương chiếu hậu,...
- Khả năng soi sáng, giúp tiết kiệm nhiên liệu.
Nhược điểm:
- Đèn LED rất nhạy cảm với nhiệt độ, bởi vậy nên chúng nhanh hỏng, hiệu suất chiếu sáng giảm nếu hoạt động trong môi trường có nhiệt độ cao.
- Chi phí lắp đặt, thay mới đắt hơn các loại đèn khác.
- Ánh sáng của đèn LED không liên tục mà có tình trạng nhấp nháy.
Đèn xenon
Đèn bi xenon còn được gọi là đèn pha bóng điện cường độ cao (HID). Bóng đèn ô tô siêu sáng xenon có cấu tạo gồm lớp vỏ bằng thạch anh trong suốt, điện cực vonfram và hỗn hợp khí được thúc đẩy nhờ có dòng điện cao thế chạy giữa hai đầu điện cực.
Ánh sáng của đèn xenon trắng hơn so với đèn halogen, nhiệt độ màu của bóng gần với ánh sáng ban ngày. Đèn xenon tạo ra ánh sáng màu xanh-trắng cùng cường độ sáng rất cao, gấp 2 - 3 lần đèn halogen, có thể gây lóa mắt cho các xe khác.
Ưu điểm:
- Bóng bền, tuổi thọ cao (tuổi thọ bình quân 2.000 giờ), ít tiêu thụ điện năng, đồng thời giảm lượng khí thải CO2 ra môi trường.
- Độ sáng của đèn cao gấp 2 - 3 lần so với bóng đèn halogen thường, cho khả năng quan sát khi trời tối tốt.
- Dễ quan sát vì ánh sáng trắng xanh giống như ban ngày.
Nhược điểm:
- Luồng sáng quá mạnh khiến các xe ngược chiều bị chói mắt nên dễ gây tại nạn.
- Chi phí cho đèn xenon cao hơn nhiều loại đèn thông thường.
- Cấu tạo khá phức tạp.
Đèn laser
Đèn laser là công nghệ đèn chiếu sáng mới nhất trên trong các loại đèn xe hơi, chúng mới chỉ được ứng dụng cho một số mẫu xe sang như BMW i8, Audi R8,…
Ưu điểm:
- Đèn laser cho luồng sáng mạnh gấp 1000 lần và khả năng chiếu xa gấp đôi đèn LED ở mức 600m.
- Lượng điện năng tiêu thụ chỉ bằng 1/2 so với đèn LED.
Nhược điểm:
- Đèn laser có giá thành rất cao. Ngoài ra, loại bóng đèn này là không có chế độ pha nên phải hỗ trợ thêm đèn HID hoặc LED nếu cần.
- Đèn tỏa nhiệt lớn nên cần có một hệ thống tản nhiệt phức tạp.
Lưu ý khi độ đèn ô tô là gì?
Việc độ đèn pha ô tô giúp nâng cấp chất lượng ánh sáng, tăng khả năng quan sát trong đêm, đồng thời góp phần làm mới diện mạo cho "xế cưng". Tuy nhiên, khi thực hiện độ đèn, các chủ xe cần lưu ý một số điểm sau đây để đảm bảo được an toàn, đèn trở nên sáng rõ, chất lượng hơn:
Lưu ý về độ chế: Nhiều loại đèn khi gắn lên xe cần phải chỉnh lại chế độ mới hoạt động được, đạt ánh sáng tốt hơn. Ngoài ra, bạn có thể gắn thêm các đèn trang trí, dây LED để đẹp hơn. Nếu chủ xe muốn độ đèn và có thể về nguyên bản thì chọn loại đèn LED được gia công riêng.
Cường độ sáng của đèn: Các bóng đèn LED tiêu hao ít năng lượng hơn đèn halogen nhưng lại có độ sáng rất cao. Vậy nên, khi thực hiện độ đèn pha ô tô nhiều người lựa chọn loại bóng này để có được cường độ ánh sáng hợp lý.
+ Các chủ xe cần lưu ý là với cách độ đèn LED ô tô nguyên cụm bởi cách độ này khiến xe ô tô có thể bị từ chối bảo hành cũng như gặp khó khăn khi đi đăng kiểm bởi đã thay đổi kết cấu của nhà sản xuất.
+ Lắp đèn Bi-LED để tăng cường chiếu sáng với ưu điểm đường cắt ánh sáng đẹp, mang đến vẻ hiện đại hơn cho chiếc xe. Cách này đòi hỏi thợ kỹ thuật có tay nghề tốt, tuy nhiên việc khoét chóa đèn cũng sẽ ảnh hưởng đến tính nguyên bản của cụm đèn chiếu sáng và có thể khiến chủ xe sẽ gặp khó khăn trong việc bảo hành hoặc đi đăng kiểm.
+ Lắp thêm đèn LED vào đèn pha để tăng cường khả năng chiếu sáng, chủ xe chỉ cần mua đúng loại chân đèn phù hợp với thông số của nhà sản xuất xe là chủ xe có thể dễ dàng tự lắp đặt tại nhà.
Chọn màu đèn: Đèn LED thường có cường độ từ 4300k đến 6500k sẽ cho ánh sáng màu trắng thích hợp để đi vào ban đêm. Nhưng nếu ở vùng có nhiều mưa, nhiều sương mù thì nên lựa chọn đèn có cường độ là 3000k để có ánh sáng vàng sẽ bám đường tốt hơn.
Hệ thống điện: Lưu ý đến công suất của đèn để lựa chọn ắc quy cho phù hợp, chú ý đấu đèn để không gây chập cháy, hoặc hỏa hoạn.
Muốn độ đèn pha, chủ xe cần đến các cơ sở uy tín, những người có kiến thức về xe độ lại đèn pha với ánh sáng hợp lý và đúng luật.
Trên đây là bài viết tổng hợp những thông tin về các loại đèn xe, công dụng của chúng cùng các loại công nghệ chiếu sáng phổ biến nhất trên ô tô hiện nay. Hy vọng với những chia sẻ vừa rồi, độc giả đã có thêm kiến thức bổ ích.
Tịnh Tâm
Các bài cùng chủ đề
Đèn halogen là gì và tại sao ngày càng có nhiều người muốn độ đèn Halogen thành đèn Bi Led
16:19 - 04/03/2021
Ngày càng có nhiều người sử dụng không bằng lòng với đèn Halogen nguyên bản theo xe, mà muốn nâng cấp lên đèn LED. Bài viết sẽ giúp cho bạn có những hiểu biết ...