Mách tài xế cách chọn mua những phụ kiện chống nắng cho ô tô "hot hit" nhất mùa hè
12:42 - 11/07/2022
Ô tô là tài sản có giá trị lớn, không chỉ xe ô tô phổ thông mà ngay cả các chủ xe sang có nhiều tiền thì vẫn xót xe như bình thường. Việc đậu xe dưới trời nắng nóng không chỉ khiến lớp sơn bong tróc, ngoại thất nhanh xuống cấp mà còn tác động xấu đến nội thất bên trong. Chưa hết, khi mới ngồi vào xe, cái nóng hầm hập sẽ khiến bạn cảm thấy vô cùng khó chịu.
Vậy làm thế nào để giúp xe mát mẻ hơn, giữ được "nhan sắc" bền bỉ? Tinxe sẽ giới thiệu về những phụ kiện chống nắng được "săn đón" nhất cho ô tô trong mùa hè này. Trong đó, có những phụ kiện bạn nên cân nhắc sử dụng, còn có những loại thì không nên chút nào.
Bạt phủ ô tô
Bạt phủ ô tô thông thường có 2 loại gồm bạt phủ thường và bạt phủ chống nóng cách nhiệt. Trong đó, bạt phủ chống nóng cách nhiệt sẽ có tác dụng che nắng, che mưa, đồng thời chống cả nóng và bụi cho ô tô; Loại bạt phủ thường thì có tác dụng chính là chống bụi, che nắng/mưa. Ngoài ra, cả 2 loại còn giúp bảo vệ xe khỏi những tác động nhẹ như vết cào, va quệt từ yếu tố bên ngoài, giảm thiểu nguy cơ bị trộm vặt gương, logo, cần gạt mưa.
Giá bạt phủ sẽ tùy thuộc vào từng loại. Bạt phủ thường chỉ khoảng 200.000 đồng. Trong khi đó, bạt phủ ô tô loại 3 lớp, bạt phủ ô tô tráng nhôm phản quang lại đắt hơn với giá khoảng 270.000 - 400.000 đồng. Loại bạt phủ ô tô 5D có khả năng cách nhiệt tốt hơn thì giá dao động từ 700.000 - 1.200.000 đồng.
Tuy nhiên, việc phủ bạt này cũng gây ra một vài bất tiện, tháo ra và trùm lên xe cũng tốn khá nhiều thời gian. Do vậy, bạn chỉ nên dùng bạt phủ nếu ít sử dụng đến ô tô, hoặc bất đắc dĩ phải để xe ở dưới trời nắng (chỗ không có bóng mát) trong một khoảng thời gian dài, hoặc để xe dài ngày trong hầm hoặc bãi đỗ. Lưu ý, trước khi phủ bạt cho xe thì bạn nên rửa ô tô sạch sẽ, tránh để trường hợp làm xước sơn xe.
Dán phim cách nhiệt
Theo tư vấn của các chuyên viên nên dán phim cách nhiệt ở mặt trong của kính, điều này giúp xe tránh được các tác động của thời tiết cũng như cần gạt mưa. Song, với các gói dán phim khác nhau, bạn có thể dán cả hai bề mặt kính để đạt được hiệu quả tối đa.
Khác với bạt phủ, khi dán phim cách nhiệt bạn nên chọn màu tối vì chúng có khả năng cản ánh sáng chiếu vào bên trong xe tốt hơn, giúp nội thất xe hấp thụ nhiệt chậm hơn và ít hơn so với phim sáng màu.
Việc dán phim cách nhiệt có thể làm hỏng sấy kính ô tô nếu tay nghề của thợ kém. Do đó, khi nghĩ đến việc dán phim cách nhiệt, bạn cần tìm đến trung tâm uy tín, thợ lành nghề.
Phim cách nhiệt 3M sẽ có giá khoảng 3 - 14 triệu đồng. Trong đó, giá bán của phim cách nhiệt V-kool rơi vào khoảng 9 - 18 triệu đồng, loại này còn có khả năng ngăn được tia UV, giúp bảo vệ sức khỏe. Phim cách nhiệt Llumar có nhiều gói từ phổ thông cho đến cao cấp, đi kèm giá bán dao động từ 8 - 15 triệu đồng. Ngoài ra còn có các loại phim cách nhiệt khác như Classis khoảng 4 - 10 triệu đồng, giá phim Xpel vào khoảng 5 - 18 triệu đồng,...Dán phim cách nhiệt được coi là phương án chống nắng tối ưu nhất hiện nay.
Rèm che nắng ô tô
Có rất nhiều loại rèm che nắng ô tô khác nhau được bày bán trên thị trường. Ví dụ như tấm xốp chắn nắng ô tô (giá dao động từ 30.000 - 100.000 đồng); bộ 5 tấm chắn nắng dạng lưới (giá khoảng 70.000 - 80.000 đồng); 6 tấm chắn dạng vải PU gồm 4 tấm che kính cửa sổ, 1 tấm che kính hậu và 1 tấm che kính lái (từ 100.000 - 150.000 đồng); Rèm che nắng dạng cuộn (giá khoảng 80.000 - 100.000 đồng); Tấm chắn nắng tránh bạc cho kính lái, giá bán của loại này khá rẻ chỉ từ 90.000 - 250.000 đồng, tùy chất lượng; Rèm bằng lụa dành cho 4 cửa sổ bên sườn và có giá thành khoảng 250.000 đồng cho 1 bộ 4 chi tiết; Rèm che nắng nam châm đắt đỏ giá từ 500 - 550 ngàn đồng 1 bộ.
Nhìn chung thì những loại rèm trên có ưu điểm là giá rẻ, tiện dụng, không mất thời gian lắp đặt, phủ bọc, có tác dụng che nắng tương đối hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều loại trong số chúng lại nhanh hỏng, độ bền chưa cao và tính thẩm mỹ kém.
Với loại đắt tiền như rèm che nắng nam châm, thiết kế ôm trọn khung kính, sử dụng nam châm khiến cho việc sử dụng rèm che nắng nam châm dễ dàng và có tính thẩm mỹ hơn những loại rèm che nắng gắn kính khác trên thị trường.
Đo đạc thực tế cho thấy, trong quá trình xe chạy, rèm che nắng giúp nhiệt độ ở vùng được che thấp hơn khoảng 2 độ so với vùng bị chiếu nắng trực tiếp. Tuy nhiên, đối với ô tô đỗ dưới trời nắng, rèm che nắng này không có tác dụng chống nóng như quảng cáo. Bên cạnh đó, rèm che nắng cản khá nhiều ánh sáng từ bên ngoài vào nên vào buổi chiều tối, khi ánh sáng yếu, người lái xe sẽ rất khó quan sát xung quanh xe và khó xác định được các chướng ngại vật bên ngoài.
Với việc sử dụng nam châm để hút rèm vào khung kim loại của xe, sau một thời gian sử dụng, từ tính của nam châm sẽ yếu đi và có thể sẽ không đủ để hút dính nữa. Ngoài ra, với giá bán từ 500.000 - 550.000 đồng cho 4 rèm ở 4 cửa kính thì rèm che nắng nam châm này khá đắt so với hiệu năng sử dụng cũng như chất lượng gia công.
Ô che nắng cho ô tô
Hiện thị trường có rất nhiều loại ô che nắng cho ô tô, từ đơn giản đến phức tạp và có loại có mang tính "tự chế".
Loại ô này có thiết kế và kích thước khá tương đồng với một chiếc ô che mưa cỡ nhỏ. Khi mở ra, ô che nắng kính lái sẽ phẳng như một tấm bạt và có thể dể dàng đặt lên táp-lô để che nắng. Người lái có thể cố định ô che nắng này bằng tấm chắn nắng có sẵn trên trần xe.
Qua thực tế sử dụng, ô che nắng kính lái về cơ bản có cách sử dụng đơn giản hơn các loại bạt che nắng thông thường do sự linh hoạt khi mở ra và đóng vào. Về tác dụng thì ô chê nắng kính lái không giúp giảm nhiệt độ trong xe. Tuy nhiên, loại ô này lại chặn được phần lớn ánh sáng chiếu trực tiếp vào bên trong xe nên giúp cho các chi tiết như vô-lăng, da ghế hay mặt táp-lô không bị hấp thụ nhiệt trực tiếp, đỡ nóng rát khi người lái vào trong xe và đỡ hư hại.
Về chất liệu, ô che nắng kính lái khá mỏng manh với các đường chỉ khâu đơn sơ và các que chống mỏng manh nên chỉ sau 2-3 lần sử dụng đã có hiện tượng tuột chỉ, rách vải ở rìa. Riêng phần que chống cũng tạo cảm giác èo uột, không bền.Hiện nay, tại các cửa hàng bán phụ kiện, ô che nắng kính lái đang được bán với giá dao động từ 250 - 300 nghìn đồng.
Ô chống nắng cao cấp
Bộ sản phẩm ô che nắng, mưa điều khiển điện đang được bán trên thị trường với giá khoảng 4 triệu, được cho là hàng cao cấp trong phân khúc này.
Bộ sản phẩm ô che nắng, mưa điều khiển điện này có thể được gắn lên nóc xe thông qua bộ gá hút chân không bám vào nóc xe. Sản phẩm có dây buộc vào bên trong xe, chống mất cắp. Bộ ô này có thể hoạt động hoàn toàn tự động đóng/mở thông qua điều khiển cầm tay với hai nút bấm đóng và mở. Tuy nhiên, thao tác lắp đặt khá rườm rà và phức tạp, hứa hẹn nhiều chủ xe sẽ "bỏ xó" nếu như ngày nào cũng phải tháo lắp để sử dụng.
Xem thêm: Mua xe tiền tỷ đừng tiếc vài triệu để bảo vệ xe khỏi nắng mưa
Ô chống nắng tự chế
Có nên dùng ô che nắng cho ô tô không? Chiếc ô này mặc dù có tác dụng đáng kể trong việc làm giảm tác động của ánh nắng lên xế cưng, song chúng lại gây ra rất nhiều bất tiện khi sử dụng và điều khiển ô tô khi tham gia giao thông, và còn sai luật. Bạn chỉ nên dùng ô này khi xe dừng lại và phải đỗ ở nơi không có bóng râm che mát.
Tùy vào điều kiện kinh tế, môi trường xung quanh mà bạn có thể cân nhắc lựa chọn cho mình một giải pháp phù hợp. Trên đây là những biện pháp chống nắng tạm thời cũng như dài hạn mà chúng tôi gửi đến bạn đọc tham khảo. Hy vọng với bài viết tổng quan vừa rồi đã giúp bạn có được lựa chọn hợp lý cho xế cưng của mình.
Bài viết mới nhất
-
Thực hư tin đồn bom tấn Lamborghini Reventon chỉ 20 xe trên thế giới âm thầm đến Việt Nam tham dự Gumball 3000
Hôm qua lúc 15:38
-
Ford Everest và Explorer được ưu đãi lên đến hơn 100 triệu đồng trong tháng 9/2024
Hôm qua lúc 12:26
-
Sau trục trặc về giấy tờ, Ferrari 599 GTB cũng đã yên vị trong garage xe của "Qua" Vũ chờ tham dự Gumball 3000
Hôm qua lúc 07:57