Hướng dẫn dán thẻ ETC để đi qua trạm "bách phát bách trúng" và cách chạy qua làn an toàn không bị barie hạ vỡ kính
08:51 - 08/08/2022
Hiện tại, cả 2 loại thẻ VETC và ePass đều hết miễn phí dán lần đầu. Từ ngày 6/8, VETC áp dụng thu phí dán thẻ là 120.000 đồng/xe đối với phương tiện mới dán hoặc dán lại. Việc thu phí được trừ qua tài khoản ETC của khách hàng.
Trước đó, thẻ ePass của VDTC đã triển khai thu phí dán thẻ lần đầu với mức phí 120.000 đồng từ ngày 25/7. Các lần sau đó, nếu muốn dán lại thẻ, chủ phương tiện cũng phải trả 120.000 đồng. Như vậy từ 6/8, lái xe sẽ phải trả tiền khi dán thẻ lần đầu, dù mua của bất kỳ đơn vị cung cấp nào.
Dán thẻ ở đâu là hợp lý, không bị bong tróc, đỡ tốn tiền dán lại mà vẫn đảm bảo hệ thống nhận diện được nhanh chóng? Cách đi qua làn ETC để tránh bị barie hạ phải kính lái? Mời độc giả cùng tìm hiểu trong phần chia sẻ cụ thể sau.
Cách dán thẻ ETC "một phát ăn ngay"
Thông thường, thẻ định danh ETC sẽ được dán ở kính lái (trước ghế phụ) hoặc chóa đèn pha. Vị trí dán thẻ cũng là một trong những nguyên nhân khiến thẻ không được nhận diện khi đi qua trạm BOT. Do đó, các chủ xe cần cân nhắc vị trí dán thích hợp cho xe của mình.
Dán ở mặt trong của kính lái (phía trước ghế phụ)
Vị trí này sẽ giúp thẻ bền hơn, tránh được mưa gió, nắng, cát, bụi bẩn,... Tuy nhiên, bạn cần lưu ý chỉ áp dụng được khi xe không dán phim cách nhiệt hoặc loại dán không chứa kim loại. Để kiểm tra độ nhạy của thẻ, nhân viên dán sẽ dùng thiết bị để đo đạc cẩn thận.
Các loại phim cách nhiệt phi kim loại với chất lượng tốt đã khắc phục tốt tình trạng cản sóng, vậy nên việc dán phim cách nhiệt hiện nay hầu như không gây ảnh hưởng đến truyền sóng điện tử. Nói cách khác phim cách nhiệt hoàn toàn không ảnh hưởng đến việc quét mã ePass hay VETC khi đi qua trạm thu phí tự động.
Nếu kính lái ô tô có dán phim cách nhiệt kim loại thì hệ thống đầu đọc sẽ không quét được thông tin trên thẻ, lúc này bạn sẽ phải chọn cách dán trên đèn xe. Ngoài ra, cần lưu ý thêm rằng, thẻ đã dán thì không thể bóc ra dán lại bởi làm thế sẽ ảnh hưởng đến chip của thẻ làm máy đọc không nhận diện được.
Nhiều người dán thẻ định danh ETC ở ngoài mặt của kính, vị trí dán này dễ nhận diện hơn nhưng sẽ nhanh hỏng, bị trầy xước,... dẫn đến tình trạng hệ thống không nhận và báo lỗi khi xe đi qua trạm BOT, chủ xe sẽ lại tốn thêm tiền dán lại. Khuyến cáo người dùng không nên dán ở vị trí này.
Dán ở chóa đèn
Vị trí này sẽ giúp kính lái thông thoáng, đảm bảo độ nhạy của thẻ khi đi qua trạm. Tuy nhiên, thẻ dán ở vị trí này dễ bị bong ra do tác động của thời tiết và cả nhiệt độ từ đèn. Chưa kể, thẻ có thể bị rơi nếu xảy ra va chạm hoặc lúc rửa xe.
Lời khuyên là không nên dán thẻ ETC ở phía bên ngoài, trừ trường hợp kính lái dán phim cách nhiệt kim loại. Nếu thẻ bị hỏng hoặc mất thì bạn sẽ phải dán lại, mà mỗi lần dán lại sẽ tốn thêm 120.000 đồng. Dán bên trong kính lái là tốt nhất.
Trong trường hợp tự dán thẻ tại nhà thì bạn thực hiện những bước sau:
- Lau sạch vị trí dán thẻ bằng khăn ẩm, sau đó lau lại bằng khăn khô.
- Xác định vị trí dán, dán vào giữa đèn (đèn bên ghế phụ), cách các cạnh đèn tối thiểu 2 - 3 cm.
- Bóc lớp keo dính ở góc thẻ, từ từ dán lên và miết nhẹ để thẻ bám vào bề mặt.
Sau khi đăng kí online, trên website, bạn sẽ được nhận thẻ theo địa chỉ đã ghi. Thẻ định danh gửi đến khách hàng là loại dán ở chóa đèn chứ không phải ở kính lái, bởi vì dán ở chóa đèn đơn giản hơn và không cần thiết bị đo khả năng truyền sóng. Do đó, người dùng cần lưu ý ở điểm này trước khi đăng kí online và tự dán.
Tấm thẻ định danh được chia thành 2 phần, bạn chỉ cần dán phần có dấu chấm đen vào đèn. Phần còn lại có mã vạch không cần thiết dán. Lưu ý, thẻ phải được dán song song với mặt đất và đúng chiều hướng lên.
Cách đi qua làn ETC an toàn, không bị barie hạ trúng kính
Đảm bảo tốc độ
Để an toàn, các tài xế nên đảm bảo lưu thông với tốc độ tối đa 30 km/h khi qua làn ETC. Có trường hợp lái xe chạy tốc độ 40 km/h vẫn có thể qua được nhưng như vậy sẽ không đảm bảo, dễ xảy ra tình huống barie chặn đột ngột, không tránh kịp dẫn đến vỡ kính.
Đảm bảo khoảng cách
Không nối đuôi nhau, đảm bảo khoảng cách 8 mét trước khi đi qua trạm, đây là vấn đề cực kỳ quan trọng. Hành động bám đuôi xe khác quá gần sẽ khiến hệ thống không nhận định được thông tin của thẻ (đặc biệt là thẻ dán ở chóa đèn), thanh chắn không mở hoặc đóng lại khi xe đang chạy, gây mất an toàn cho cả chủ xe và phương tiện khác.
Quan sát bảng điện tử hiển thị
Khi hệ thống nhận diện được xe ô tô đủ điều kiện qua trạm, bảng điều khiển sẽ hiển thị biển số xe và chi phí, chuyển sang màu xanh, lúc này barie sẽ mở.
Vì vậy, bạn cần chú ý quan sát bảng hiển thị trên trạm, đèn tín hiệu giao thông trong đảo thu phí chuyển màu xanh, barie mở lên thì mới cho xe qua làn.
"Bắt bài" barie
Rất nhiều tình huống, tài xế thấy xe phía trước đi qua rồi mà barie chưa hạ xuống, nên tức tốc "phi" lên để cố qua. Nhưng thật không may là barie đột ngột hạ xuống, đập trúng kính xe hoặc nắp capo. Do đó, khi xe phía trước đi qua, hãy đợi barie hạ xuống hẳn rồi mới đi vào. Đợi bảng trên hệ thống báo xanh (an toàn) thì mới cho xe chạy.