menu

Mua xe ô tô thanh lý từ công ty, người dùng cần nắm rõ những thủ tục và mức thuế nào?

13:30 - 14/12/2019

Bên cạnh một số mức thuế cần nộp, khi mua lại ô tô thanh lý từ công ty hoặc Nhà nước, người dùng sẽ cần phải chuẩn bị thật kỹ và đầy đủ các giấy tờ cần thiết. Đôi khi giá thanh lý tưởng chừng rẻ, nhưng khi hoàn tất thủ tục để mua xe, lại không rẻ chút nào.

Khi không đủ tiềm lực tài chính để “đập hộp” một chiến bốn bánh mới cứng, những chiếc ô tô đã qua sử dụng luôn được người dùng quan tâm, nhất là trong dịp mua sắm cuối năm như hiện nay. Chính vì lẽ đó, loạt xe công được các cơ quan Nhà nước chào bán, thanh lý trong mấy ngày vừa qua không khỏi thu hút được nhiều sự chú ý.

Một chiếc Toyota Camry 2001 vừa được Đảng ủy khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế rao bán lại với giá từ 186 triệu đồng (Ảnh minh họa)

Một chiếc Toyota Camry 2001 vừa được Đảng ủy khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế rao bán lại với giá từ 186 triệu đồng (Ảnh minh họa)

Tất nhiên một chiếc xe ô tô thuộc sở hữu của công ty hay cơ quan Nhà nước thường không được bảo dưỡng, chăm sóc kỹ lưỡng như những chiếc xe thuộc diện sở hữu cá nhân, thế nhưng mức giá siêu rẻ vẫn không khỏi khiến người dùng “động tâm”. Vậy khi mua xe ô tô thanh lý thuộc sở hữu của công ty hoặc xe công được Nhà nước thanh lý, có những thủ tục và mức thuế nào người dùng cần phải nắm rõ?

Đối với xe ô tô của công ty, doanh nghiệp

Theo Điều 10, Điều 11 thuộc Thông tư 15/2014/TT-BCA ngày 4/4/2014 quy định về đăng ký xe, hồ sơ mua bán xe của doanh nghiệp sẽ bao gồm các loại giấy tờ sau:

  • Biên bản họp của hội đồng thành viên công ty về việc thanh lý xe
  • Quyết định của Giám đốc về việc thanh lý xe
  • Hợp đồng mua xe ô tô thanh lý giữa bên bán và bên mua
  • Xuất hóa đơn Giá trị gia tăng theo giá trên hợp đồng
  • Giấy khai đăng ký được bên bán ký và đóng dấu để bên mua làm thủ tục sang tên

Đối về xe công được thanh lý bởi các cơ quan Nhà nước

Khác với xe ô tô thuộc sở hữu của công ty, theo quy định tại Điều 43 Luật quản lý, sử dụng tài sản công 2017, ô tô thuộc sở hữu Nhà nước chỉ được thanh lý dưới hình thức đấu giá. Sau khi mua ô tô thanh lý, người mua cần hoàn tất các thủ tục cần thiết trong đó các loại giấy tờ sau đây phải sẵn sàng, đầy đủ:

  • Đăng ký xe, sổ kiểm định
  • Văn bản của cấp có thẩm quyền đồng ý mua xe ô tô thanh lý của nhà nước theo quy định
  • Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá
  • Biên bản đấu giá tài sản Hóa đơn bán tài sản tịch thu, sung quỹ Nhà nước do Bộ Tài chính phát hành (trường hợp tài sản xử lý theo hình thức thanh lý)

Các loại thuế, phí cần phải nộp

Dù là ô tô thuộc sở hữu của công ty hay Nhà nước, khi mua lại người dùng sẽ cần phải nộp một số loại phí giống như xe cũ thuộc diện cá nhân, bao gồm phí trước bạ và lệ phí đổi biển số, bên cạnh đó, cần lưu ý là thuế VAT theo giá trên hợp đồng, do mua lại từ công ty. 

Phí trước bạ ô tô cũ được tính dựa trên 3 yếu tố: Giá trị ô tô mới 100%, mức lệ phí trước bạ đối với xe cũ và giá trị sử dụng còn lại của xe. Trong đó, mức lệ phí trước bạ đối với xe cũ nằm ở mức 2% áp dụng trên toàn quốc. Giá trị ô tô mới 100% là mức giá lúc mua mới, áp một mức chung cho cả xe nhập khẩu và xe lắp ráp trong nước. Giá trị sử dụng còn lại của xe được tính dựa trên thời gian sử dụng của xe, tức là giá xe lúc mua mới nhân với tỷ lệ giá trị được quy định theo Thông tư 301/2016/TT-BTC như sau:

Thời gian đã sử dụng Tỷ lệ giá trị
1 năm 85%
1 - 3 năm 70%
3 - 6 năm 50%
6 - 10 năm 30%
Trên 10 năm  20%

Giá trị tính thuế trước bạ đối với những mẫu xe ô tô đã qua sử dụng

Như vậy, phí trước bạ người dùng phải đóng khi mua lại những mẫu xe cũ sẽ = lệ phí trước bạ đối với xe cũ x Giá trị còn lại của xe = 2% x Tỷ lệ giá trị x Giá xe lúc mua mới.

Lấy ví dụ: giả sử lựa chọn mua lại một chiếc Toyota Camry đời 2009 có giá 889,4 triệu đồng lúc mua mới với thời gian đã sử dụng kể từ thời điểm kê khai lệ phí trước bạ là trên 10 năm. Như vậy theo công thức và bảng tham chiếu trên ta có được lệ phí trước bạ phải nộp khi mua lại mẫu xe này:

Lệ phí trước bạ = 2% x 20% x 889.400.000 = 3.557.600 (đồng)

Lệ phí đổi biển số và làm lại giấy đăng ký trong trường hợp thay biến số mới đối với ô tô (trừ loại dưới 10 chỗ ngồi và không kinh doanh vận tải) là 500.000 đồng và 20 triệu đồng đối với ô tô dưới 10 chỗ không kinh doanh vận tải.

Bên cạnh đó, người dùng sẽ cần phải trả thêm các khoản phí bao gồm: VAT theo giá trị trên hợp đồng (10%), chi phí lập hợp đồng mua bán xe, giấy di chuyển xe của chủ cũ hoặc người đang sử dụng xe có xác nhận của chính quyền địa phương,…

Thủ tục, giấy tờ sang tên đổi chủ

Khi người mua xe hoàn thành thủ tục mua xe ô tô thanh lý, và mang xe đi đăng ký mới, sang tên đổi chủ cho xe thành sở hữu của mình, cần các giấy tờ sau:

- Giấy khai đăng ký xe (theo mẫu).

- Giấy chứng nhận đăng ký xe, sổ đăng kiểm xe ô tô.

- Chứng từ chuyển quyền sở hữu xe (giấy tờ hoặc hợp đồng mua bán, tặng, cho xe ô tô/ Quyết định thanh lý xe ô tô của hội đồng công ty) được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật.

- Chứng từ lệ phí trước bạ: là biên lai hoặc giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước bằng tiền mặt hoặc séc qua kho bạc nhà nước (có xác nhận của kho bạc nhà nước đã nhận tiền) hoặc giấy ủy nhiệm chi qua ngân hàng nộp lệ phí trước bạ theo quy định của Bộ Tài chính.

- Hóa đơn Giá trị gia tăng (VAT) do công ty bán xe ô tô xuất.

- Hồ sơ gốc của xe

Bên cạnh đó, khi tiến hành thủ tục sang tên xe ô tô của công ty, cả hai bên phải xuất trình giấy tờ tùy thân (Chứng minh nhân dân/ Căn cước công dân/ Đăng ký kinh doanh kèm chứng nhận mẫu dấu của công ty/ Giấy ủy quyền/ Giấy tờ khác có giá trị tương đương) và Sổ hộ khẩu để được xác nhận và nộp hồ sơ.

Lan Châm

Đánh giá: