menu

Dầu phanh ô tô và những lưu ý mà các tài xế không thể bỏ qua

00:17 - 07/06/2020

Dầu phanh ô tô đóng vai trò rất quan trọng với hệ thống phanh và ảnh hưởng lớn đến sự an toàn trong quá trình vận hành của xe. Do đó, người dùng xe hơi đừng quên kiểm tra và thay dầu phanh ô tô định kỳ theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

Nói đến các loại dầu trên ô tô, nhiều người thường nghĩ ngay tới dầu bôi trơn động cơ và ít ai để ý đến dầu phanh. Thậm chí, dầu phanh ô tô bị "lãng quên" đến mức có những tài xế còn chưa từng thay dầu phanh cho chiếc xe của mình.

Trên thực tế, dầu phanh đóng vai trò rất quan trọng với hệ thống phanh và ảnh hưởng lớn đến sự an toàn trong quá trình vận hành của xe. Trong bài viết này, Tinxe.vn sẽ giúp các bạn hiểu vì sao dầu phanh ô tô lại quan trọng đến vậy.

Dầu phanh ô tô là gì?

Nếu như dầu nhớt động cơ có tác dụng bôi trơn, làm giảm ma sát và giảm mài mòn thì dầu phanh lại có vai trò khác. Vai trò chủ yếu của dầu phanh ô tô chính là truyền lực. Vì mang đặc tính không chịu nén của chất lỏng nên dầu phanh ô tô có thể truyền lực tác động từ bàn đạp phanh đến các bộ phận trong hệ thống phanh một cách chính xác. Do vậy, dầu phanh phải có độ nhớt khá cao, chỉ số độ nhớt thấp, tính chất hóa lý ổn định, độ bay hơi thấp và đặc biệt là không có bọt.

Dầu phanh ảnh hưởng lớn đến sự an toàn trong quá trình vận hành của xe

Dầu phanh ô tô ảnh hưởng lớn đến sự an toàn trong quá trình vận hành của xe

Vì sao cần phải thay dầu phanh ô tô?

Dầu phanh có gốc glycol sẽ bắt đầu hấp thụ nước từ khi được đổ vào bình chứa. Theo thời gian, hơi nước sẽ lẫn vào dầu phanh nhiều hơn qua các lỗ hổng siêu nhỏ trên ống dẫn hay gioăng cao su.

Khi người lái đạp phanh, má phanh mài vào đĩa phanh khiến đĩa phanh nóng lên và nhiệt độ này được truyền vào dầu phanh. Hơi nước lẫn trong dầu phanh sẽ gây sự sụt giảm nhiệt độ sôi của dầu phanh. Khi dầu phanh lẫn nước sôi lên sẽ tạo ra những lỗ hổng hơi nước trong hệ thống phanh.

Những lỗ hổng hơi nước kể trên có khả năng chịu nén và phân tán dầu phanh. Nếu trong hệ thống phanh có quá nhiều lỗ hổng hơi nước, khi người lái đạp phanh có thể sẽ không tạo áp lực lên má phanh nữa mà chỉ nén hơi nước lại, dẫn đến tình trạng xe mất phanh.

Theo nghiên cứu, sau 1 năm, dầu phanh trên một chiếc xe có tần suất hoạt động bình thường sẽ chứa khoảng 2% nước. Con số này có thể tăng lên 8% sau 3 năm sử dụng trong khi chỉ cần 3% nước trong dầu phanh là có thể dẫn đến nguy cơ xe mất phanh. Thời gian dầu phanh ô tô bị nhiễm nước tại những quốc gia có độ ẩm cao như Việt Nam thậm chí còn nhanh hơn. Vì vậy, người dùng ô tô đừng quên việc kiểm tra và thay dầu phanh cho xế cưng của mình.

Khi nào cần thay dầu phanh ô tô?

Dầu phanh ô tô thường được chứa trong một bình nhựa hình trụ màu trắng đục và nằm phía trên động cơ. Trên bình chứa dầu phanh sẽ có 2 vạch, trong đó vạch trên ghi chữ "Fill to", "Full" hoặc "Maximum" và vạch dưới ghi chữ "Add" hoặc "Minimum". Người dùng có thể quan sát mực dầu phanh mà không cần phải mở nắp bình ra. Trên thực tế, người dùng cũng không nên mở nắp bình dầu phanh khi không cần thiết. Nguyên nhân là do khi bạn mở nắp bình dầu phanh, hơi ẩm có thể theo không khí lọt vào trong bình, làm giảm nhiệt độ sôi của dầu phanh.

Bình dầu phanh trên ô tô

Bình dầu phanh trên ô tô

Người dùng nên thay dầu phanh cho xe sau mỗi 40.000 km hoặc sau 2 - 3 năm sử dụng, tùy theo khuyến cáo của từng nhà sản xuất ô tô. Bên cạnh đó, người dùng cũng không nên chờ cho đến khi dầu phanh tụt xuống dưới mức tối thiểu trên bình dầu rồi mới bổ sung. Theo các chuyên gia tư vấn ô tô, bạn nên bổ sung dầu phanh sau mỗi 1 - 2 năm sử dụng.

Nên thay dầu phanh ô tô sau mỗi 40.000 km hoặc sau 2-3 năm

Nên thay dầu phanh ô tô sau mỗi 40.000 km hoặc sau 2-3 năm

Các loại dầu phanh ô tô phổ biến tại Việt Nam

Khi thay dầu phanh cho ô tô, người dùng nên sử dụng đúng loại dầu phanh theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Các dòng xe ở Việt Nam hiện nay thường sử dụng 3 loại dầu phanh là DOT 3, DOT 4 và DOT 5.

Dầu phanh DOT 3

Được tạo nên bởi hỗn hợp alcohol và glycerin, DOT 3 là loại dầu phanh có ưu điểm chính là nhiệt độ sôi cao. Loại dầu phanh này có thể chịu được nhiệt độ cao, lên đến 250 độ C mà không sôi. Khi nhiệt độ xuống mức thấp, DOT 3 cũng không bị đặc quánh. Ngoài ra, hiện tượng các bộ phận cao su bị phồng lên khi sử dụng dầu phanh DOT 3 không nhiều, giúp giảm thiểu thất thoát và rò rỉ dầu đồng thời tăng tuổi thọ cho các bộ phận.

Tuy nhiên, DOT 3 lại có đặc tính hút hơi ẩm từ không khí nên sau khi đã mở nắp hộp dầu, bạn phải nhanh chóng đóng chặt lại để tránh dầu phanh bị nhiễm hơi nước. Một lưu ý nữa là không nên trộn dầu phanh DOT 3 với các chất vô cơ, silicone hay dầu phanh DOT 5.

Dầu phanh DOT 4

So với DOT 3, dầu phanh DOT 4 có độ sôi cao hơn và ổn định hơn. Tuy nhiên, khi nhiễm hơi ẩm thì dầu DOT 4 giảm độ sôi mạnh hơn DOT 3. Nhiệt độ tối đa mà dầu phanh DOT 4 chịu được là 311 độ C.

Nếu dùng dầu phanh DOT 4, bạn nên bảo dưỡng hệ thống phanh xe khoảng 2 năm 1 lần. Dầu DOT 4 có thể hút ẩm qua ống dẫn dầu phanh và tuổi thọ của hệ thống phanh sẽ giảm nếu dầu DOT 4 bị nhiễm nước.

Dầu phanh DOT 5

Là loại dầu silicone, DOT 5 hiện được sử dụng trên nhiều dòng xe đời mới hiện nay. So với DOT 3 và DOT 4, dầu DOT 5 đắt hơn vì có độ sôi cao hơn. Độ sôi khô của DOT 5 lên đến 356 độ C. Ngoài ra, DOT 5 còn không hút ẩm và không ảnh hưởng đến lớp sơn trên bề mặt.

Tất nhiên, dầu DOT 5 cũng có một số hạn chế như nở ra nếu lẫn tạp chất, dù ở nhiệt độ bình thường. Bên cạnh đó, dầu DOT 5 cũng không phù hợp cho hệ thống phanh đã từng sử dụng dầu glycol.

Qua bài viết trên đây, chúng tôi hi vọng các bạn đã hiểu rõ hơn về dầu phanh ô tô để có thể chủ động trong việc chăm sóc, bảo dưỡng xế cưng!

Lan Quyên

Đánh giá: