menu

Ông Võ Quang Huệ - Phó Tổng giám đốc VinFast: "Tôi thấy mình như cầu nối giữa Đức và Việt Nam"

Hàn Quang 12:56 - 02/10/2018

Tờ Handelsblatt cho rằng Việt Nam có thể lần đầu tiên gây dựng thương hiệu ô tô riêng VinFast trong khi các công ty Đức nhận về những hợp đồng tiền tỷ một phần là nhờ ông Võ Quang Huệ.

Chỉ còn ít giờ nữa, 2 mẫu xe VinFast đặc biệt sẽ chính thức ra mắt trong triển lãm ô tô Paris 2018. Hai mẫu xe này đặc biệt vì đến từ quốc gia chưa từng nổi tiếng về sản xuất ô tô. VinFast chính là thương hiệu ô tô đầu tiên của Việt Nam. 2 mẫu sedan và SUV của VinFast cũng là những chiếc ô tô đầu tiên được sản xuất toàn toàn ở Việt Nam.

Hai mẫu xe đầu tiên của VinFast

Hai mẫu xe đầu tiên của VinFast

Tuy nhiên, đó mới chỉ là một nửa sự thật vì những chiếc ô tô VinFast được tạo ra từ máy móc của người Đức. 2 mẫu xe VinFast được phát triển dựa trên xe Đức với các linh kiện cũng do nhiều thương hiệu Đức chế tạo. Ngoài ra, 2 mẫu xe VinFast còn do các công nhân được đào tạo theo tiêu chuẩn Đức sản xuất.

Trung tâm đào tạo trong nhà máy của VinFast

Trung tâm đào tạo trong nhà máy của VinFast

Có thể nói, VinFast là một thành công lớn đối với ngành công nghiệp Đức khi nhà máy ở Hải Phòng được coi là dự án công nghiệp lớn nhất của nền kinh tế Đông Nam Á đang nổi. Tổng cộng, tập đoàn Vingroup đã đầu tư khoảng 3,5 tỷ USD cho dự án này. Theo nguồn tin của tờ Handelsblatt, phần lớn số tiền đầu tư này đều về tay các công ty Đức. Thậm chí, VinFast còn được Phòng Thương mại gọi là "dự án hải đăng" của nền kinh tế nội địa.

Nhà máy của VinFast tại đảo Cát Hải của Hải Phòng nhìn từ trên cao

Nhà máy của VinFast tại đảo Cát Hải của Hải Phòng nhìn từ trên cao

Sự thành công của người Đức đến như một bất ngờ khi phần lớn những chiếc ô tô chạy trên đường phố Việt Nam đều có nguồn gốc Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Ngay cả ở những khu công nghiệp cũng chủ yếu tập trung các công ty châu Á.

Chưa đến 3% hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam có nguồn gốc từ Đức. Trong khi đó, hơn một nửa hàng nhập khẩu về Việt Nam đều của Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Để có thể phá vỡ sự thống trị của các công ty châu Á, người Đức cần một cầu nối, đó là ông Võ Quang Huệ - người đàn ông có nụ cười tinh quái và hiện giữ chức Phó Tổng giám đốc mảng ô tô, giám sát dự án sản xuất ô tô VinFast. Đứng giữa trụ sở chính được xây dựng hoàn toàn mới của VinFast ở đảo Cát Hải của thành phố Hải Phòng, ông Huệ hỏi: "Anh có biết ai phát triển tòa nhà này không? Đó là công ty kiến trúc Henn cũng đến từ Đức".

Chân dung ông Võ Quang Huệ - Phó Tổng giám đốc mảng ô tô, giám sát dự án sản xuất ô tô VinFast

Chân dung ông Võ Quang Huệ - Phó Tổng giám đốc mảng ô tô, giám sát dự án sản xuất ô tô VinFast

Sau đó, cựu giám đốc Bosch Việt Nam mở điện thoại và cho thấy những dự án khác mà Henn từng phát triển, bao gồm Trung tâm sáng tạo của BMW ở Munich hay Trung tâm thiết kế của Porsche ở Weissach. "Tôi chỉ chuyển giao những gì tôi biết rõ", ông Huệ nói.

Trên thực tế, ông Huệ đã chuyển giao rất nhiều. Hàng loạt kỹ sư Đức hiện đang dựng nhà máy sản xuất cho VinFast như máy ép của Schuler, dây chuyền lắp ráp của Eisenmann, dây chuyền động cơ của Grob, xưởng sơn Durr, rô-bốt ABB và mạng lưới Siemens. "Dây chuyền sản xuất gần như 100% là của Đức", ông Huệ cho biết.

Rô-bốt trong nhà máy VinFast

Rô-bốt trong nhà máy VinFast

Phản ứng dây chuyền từ thập niên '70

Không chỉ dừng ở máy móc và trang thiết bị Đức, nhà máy VinFast còn có trung tâm đào tạo ngay với hơn 200 kỹ sư được Phòng Thương mại Đức cấp chứng chỉ. Ở cấp độ cao nhất, chứng chỉ này tương đương với kỹ sư công nghiệp hay kỹ sư cơ điện tử ô tô Đức.

Sức mạnh của ngành công nghiệp ô tô Đức đã giải thích vì sao các công ty nước này được "chọn mặt gửi vàng" nhiều đến thế. Tuy nhiên, thành công của người Đức là kết quả từ phản ứng dây chuyền đã ăn sâu vào ngành công nghiệp ô tô. Đứng đầu chuỗi phản ứng dây chuyền này là ông Huệ. "Tôi thấy mình như cầu nối giữa Đức và Việt Nam", ông Huệ nói.

Ông Huệ là cầu nối giữa Đức và Việt Nam

Ông Huệ là cầu nối giữa Đức và Việt Nam

Được gửi sang Đức từ đầu thập niên '70, ông Huệ đã học tập ở Cologne và Aachen rồi trở thành một kỹ sư trước khi đầu quân cho BMW. Sau khi trở thành công dân Đức, ông Huệ đã làm việc cho các nhà máy BMW ở khắp nơi trên thế giới như Hy Lạp, Mexico và tất nhiên cả Việt Nam. Người đàn ông 66 tuổi này còn từng giữ chức giám đốc của Bosch Việt Nam ở quê nhà. Sau khi nhận một cuộc gọi của tỷ phú Phạm Nhật Vượng - chủ tịch Vingroup, ông Huệ đã đầu quân cho VinFast.

Là một trong những người giàu nhất Việt Nam hiện nay, ông Vượng từng thành công ở Ukraine với sản phẩm mỳ ăn liền. Vào năm 2002, ông Vượng quay trở về Việt Nam và xây dựng đế chế Vingroup với hàng loạt trung tâm thương mại, bệnh viện và trường học. Không dừng ở đó, tỷ phú này còn muốn gây dựng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam và đi tìm người làm cùng mình, một trong số đó có ông Huệ.

Tại VinFast, ban lãnh đạo đã xác định rõ ràng ngay từ ban đầu là phải mua nhiều thứ, từ thiết kế ô tô do công ty Ý Pininfarina phát triển đến công nghệ Đức trên xe. Ông Huệ đã thương thuyết với một vài nhãn hiệu ô tô Đức và "mái nhà cũ" BMW đã đồng ý. Thương hiệu ô tô Bavaria đã bán bản quyền động cơ cũng như cấu trúc cơ bản của BMW 5-Series cũ cho VinFast để phát triển 2 mẫu xe LUX A2.0 và LUX SA2.0.

Ông David Lyon - giám đốc thiết kế của VinFast - đang ngắm phần đầu xe SUV LUX SA2.0

Ông David Lyon - giám đốc thiết kế của VinFast - đang ngắm phần đầu xe SUV LUX SA2.0

45% bộ phận của xe VinFast đến từ các công ty Đức

Trong ngành công nghiệp ô tô, cách thực hiện của VinFast khá hiếm gặp. "Chúng tôi đang tạo ra một nền tảng mới", ông James DeLuca, giám đốc VinFast đồng thời là cựu Phó Chủ tịch General Motors, phát biểu. Nguyên nhân là do không chỉ được phát triển dựa trên nền tảng BMW và dưới tay các kỹ sư Đức, xe VinFast còn có sự tham gia của các nhà cung cấp linh kiện Đức.

Ông James DeLuca - giám đốc VinFast

Ông James DeLuca - giám đốc VinFast

Theo ông DeLuca, có đến 45% các bộ phận trên xe VinFast đều đến từ những công ty Đức. Ngay cạnh nhà máy chính của VinFast ở Hải Phòng, nhà cung cấp ZF đang xây dựng một nhà máy với số tiền đầu tư khoảng 18 triệu Euro. Đây là nhà máy đầu tiên của ZF tại Việt Nam và dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ tháng 12 năm nay.

Lịch trình của toàn bộ dự án VinFast rất gấp khi vào mùa hè năm sau, những chiếc ô tô đầu tiên sẽ xuất xưởng. Tuy nhiên, VinFast cũng rất nhanh khi chỉ 1 năm trước đây, nơi xây dựng nhà máy vẫn còn là biển.

Nhà máy của VinFast được xây dựng với tốc độ thần tốc

Nhà máy của VinFast được xây dựng với tốc độ "thần tốc"

Trong tương lai, VinFast không chỉ muốn chế tạo xe máy xăng. Công ty này đã ký kết với Siemens để mua bản quyền bộ truyền động điện dành cho xe buýt. Trong khi đó, nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật Edag đang phát triển nguyên mẫu cho xe điện đầu tiên của VinFast, dự kiến sẽ ra mắt vào năm sau.

Các chuyên gia trong ngành tin rằng VinFast có thể thành công, đặc biệt nhờ các đối tác quốc tế. "Với sự hợp tác chặt chẽ cùng BMW, VinFast có lợi thế lớn nếu so với Proton", ông Titikorn Lertsirirungsun, giám đốc khu vực Đông Nam Á của công ty tư vấn LMC Automotive, nhận định. Proton, hãng ô tô nội địa của Malaysia, chưa bao giờ tìm kiếm sự giúp đỡ của các đối tác quốc tế.

Trong thời gian tới, VinFast còn muốn bán ô tô ra thị trường quốc tế. Đây là một điều kiện cần cho thành công của VinFast khi nhà máy tại Hải Phòng có công suất thiết kế 250.000 xe/năm, gần bằng toàn doanh số ô tô của toàn thị trường Việt Nam hàng năm. Vào năm 2025, nhà máy của VinFast có thể sản xuất nửa triệu xe/năm.

Với công suất tối đa ít nhất 175 mã lực, xe VinFast được kỳ vọng sẽ có giá phù hợp cho đại bộ phận người Việt Nam. Ông DeLuca muốn giới thiệu xe tại Paris của Pháp - một trong những thị trường xuất khẩu mà VinFast nhắm tới. Theo ông DeLuca, hai mẫu xe này sẽ được quảng bá là ô tô Việt Nam. "Tuy nhiên, chúng tôi cũng không ngại ngần gì trong việc công bố sự thật là xe VinFast có rất nhiều công nghệ Đức", ông DeLuca khẳng định.

Lược dịch từ Handelsblatt 

Hàn Quang
Đánh giá: