menu

Hệ thống an toàn chủ động trên ô tô: Cuộc chạy đua giữa các hãng xe hay nhu cầu thực tế của thị trường?

20:44 - 19/02/2021

Chỉ trong khoảng hơn 1 năm ngắn ngủi, từ 2019 đến 2020, đã có hơn 5 mẫu xe phổ thông được trang bị công nghệ an toàn chủ động ra mắt tại Việt Nam khiến cho nhiều khách hàng cũng lờ mờ nhận ra cuộc chay đua của các hãng ô tô trong nước.

Thủa sơ khai của công nghệ an toàn chủ động tại Việt Nam

Cách đây vài năm, hệ thống an toàn trên ô tô vẫn là một thứ công nghệ xa xỉ mà khách hàng Việt Nam chỉ có thể nhìn thấy trên những mẫu xe sang đắt tiền có giá vài tỷ đồng như Volvo XC90 hay XC60. Các mẫu xe bình dân giá rẻ thường chỉ có những trang bị thiết yếu như túi khí ô tô, dây an toàn,... Nhớ lại năm 2011, chỉ có Ford Việt Nam là mạnh tay đưa những công nghệ an toàn chủ động cao cấp vào các mẫu xe phổ thông của mình như Focus hay Ranger Wildtrak. Các hệ thống an toàn trên ô tô Ford Focus từng khiến khách hàng Việt Nam ngỡ ngàng vì vào thời điểm đó, những công nghệ như hỗ trợ tự động lùi chuồng, kiểm soát hành trình, hỗ trợ đổ đèo, cảnh báo áp suất lốp ô tô,... thực sự vẫn còn là một khái niệm xa lạ với đại bộ phận người dùng.

Ford có thể được xem như là hãng xe tiên phong khi mang những công nghệ an toàn chủ động về Việt Nam.

Ford có thể được xem như là hãng xe tiên phong khi mang những công nghệ an toàn chủ động về Việt Nam.

Thế nhưng, vì mang nhiều công nghệ khiến giá bị đẩy cao nên Ford Focus thế hệ thứ 3 đã "chết yểu" tại thị trường Việt Nam. Ngoài ra, hàng loạt những lỗi liên quan đến khả năng vận hành cũng khiến Ford Focus nhanh chóng rơi vào top những mẫu xe bán chậm nhất tại Việt Nam. Đến quý III năm 2019, Ford Việt Nam chính thức khai tử mẫu xe hạng C này để tập trung cho dòng xe bán tải và SUV gầm cao đang trên đà phát triển của mình.

Ngay cả Subaru cũng đã đưa công nghệ an toàn chủ động EyeSight của mình vào Việt Nam từ những năm 2017. Tuy nhiên, do giá bán quá cao cùng chiến lược marketing chưa phù hợp đã khiến những mẫu xe như Subaru Forester hay Outback có doanh số khá èo uột và không gây được tiếng vang trên thị trường ô tô Việt Nam.

2019 - 2020: Giai đoạn "phổ cập" công nghệ an toàn chủ động tại Việt Nam

Nếu chú ý tới thị trường xe hơi Việt Nam, có thể thấy rằng các hãng xe phổ thông đang bước vào cuộc chạy đua mới với hàng loạt mẫu ô tô được trang bị công nghệ an toàn chủ động. Đầu tiên có lẽ phải nhắc đến Mazda với hàng loạt mẫu xe mới ra mắt được tích hợp sẵn hệ thống an toàn chủ động i-ActivSense như CX-8, CX-5 và Mazda3. Hệ thống này bao gồm những tính năng như kiểm soát hành trình chủ động ACC, phanh tự động khẩn cấp, cảnh báo lệch làn đường và hỗ trợ kiểm soát làn đường, hệ thống chống bó cứng phanh ABS, hệ thống phân phối lực phanh điện tử EBD, hệ thống cân bằng điện tử DSC, hệ thống kiểm soát lực kéo TCS,  khởi hành ngang dốc HLA, camera 360, cảm biến đỗ xe,  hệ thống hỗ trợ phanh khẩn cấp BA,... 

Mazda CX-8 là mẫu xe được xem là tiên phong trong cuộc đua đưa công nghệ an toàn chủ động về Việt Nam.

Mazda CX-8 được xem là mẫu xe tiên phong trong cuộc đua mới để đưa công nghệ an toàn chủ động về Việt Nam.

Không đứng ngoài cuộc, Subaru cũng quay trở lại với chiến dịch marketing bài bản hơn cho mẫu xe chiến lược Forester. Công nghệ EyeSight của Subaru cùng với động cơ boxer và hệ dẫn động bốn bánh S-AWD đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm của nhiều khách hàng Việt Nam. Tất nhiên, không thể bỏ qua việc Subaru Forester được nhập khẩu từ Thái Lan khiến cho mức giá trở nên dễ chịu hơn và dễ tiếp cận khách hàng hơn trước đây.

Subaru Outback sở hữu chiều dài xe ấn tướng khiến cho chiếc xe này trở thành độc nhất vô nhị tại thị trường Việt Nam.

Hệ thống EyeSight của Subaru gây ấn tượng với chiến lược marketing phù hợp hơn.

Đứng trước bối cảnh đó, Honda Việt Nam không chịu kém cạnh khi ra mắt CR-V với công nghệ an toàn chủ động Honda Sensing, đi kèm đầy đủ các tính năng an toàn hỗ trợ người lái. Ngay cả đến Mitsubishi cũng đã đưa một số công nghệ an toàn chủ động như cảnh báo va chạm ô tô sớm và phanh chủ động khẩn cấp lên mẫu xe bán tải Triton tại Việt Nam để có thể cạnh tranh với "vua doanh số" Ford Ranger.

Honda CR-V 2020 với Honda Sensing cũng vừa được ra mắt cuối tháng 7/2020.

Honda CR-V mới nhất với Honda Sensing vừa được ra mắt Việt Nam vào cuối tháng 7/2020.

Ngay cả một hãng xe lớn như Toyota cũng không thể ngồi yên và phải nhanh chóng cho ra mắt ngay mẫu xe Corolla Cross với hàng loạt trang bị an toàn chủ động nằm trong gói Safety Sensing.

Qua đó, có thể thấy rằng, chỉ trong hơn một năm ngắn ngủi mà hàng loạt mẫu xe tầm trung tại Việt Nam đã được bổ sung các công nghệ an toàn chủ động với giá bán tăng không đáng kể. Vậy lý do gì đã khiến các hãng xe quyết định tăng cường công nghệ cho sản phẩm của mình?

Vì sao các hãng xe lại phổ thông hoá công nghệ an toàn chủ động tại Việt Nam?

Có nhiều nguyên nhân để nhiều hãng xe quyết định đưa các công nghệ an toàn chủ động về Việt Nam. Trước tiên, có lẽ phải nói đến thực trạng giao thông hiện nay của nhiều thành phố đã tốt hơn trước với đường cao tốc nối các tỉnh thành trên khắp cả nước. Bên cạnh đó, nhu cầu mua ô tô của khách hàng Việt Nam cũng không còn dừng ở mức chỉ cần "thùng tôn di động, che nắng, che mưa" nữa. Thay vào đó, khách hàng Việt Nam hiện đòi hỏi xe phải đẹp, nhiều trang bị tiện nghi và công nghệ an toàn.

Công nghệ an toàn chủ động đang được các hãng xe đẩy mạnh tại Việt Nam do cơ sở hạ tầng giao thông đã phát triển hơn và nhu cầu của khách hàng Việt Nam ngày càng khắt khe hơn,.

Công nghệ an toàn chủ động đang được các hãng xe đẩy mạnh tại Việt Nam do cơ sở hạ tầng giao thông đã phát triển hơn và nhu cầu của khách hàng Việt Nam ngày càng khắt khe hơn.

Có thể nhận thấy rằng chính bản thân những mẫu xe mới của các hãng cũng cần yếu tố công nghệ để có thể vượt qua chính cái bóng của mình ở các thế hệ trước. Bên cạnh đó, trong cuộc chạy đua về công nghệ an toàn chủ động, hãng xe nào càng sớm đưa về nước thì càng nhanh chóng chiếm được sự quan tâm của khách hàng hơn. Quan trọng hơn cả người dùng Việt hiện ngày càng hiểu biết hơn về xe và có khả năng tài chính tốt hơn. 

Người dùng Việt được lợi trong cuộc chạy đua công nghệ an toàn

Không thể phủ nhận việc các hãng xe liên tiếp đưa các công nghệ an toàn chủ động của mình về Việt Nam sẽ làm lợi nhiều nhất cho khách hàng bởi yếu tố an toàn trong quá trình vận hành đã và đang được đưa lên hàng đầu. Bên cạnh đó, về mặt giá bán, những mẫu xe được trang bị công nghệ an toàn chủ động tuy có đắt hơn trước nhưng không phải quá nhiều, trừ một số tân binh tại thị trường Việt Nam như Mazda CX-8 hay Toyota Corolla Cross.

Trong tương lai, người tiêu dùng Việt hoàn toàn có thể kỳ vọng vào việc các hãng xe sẽ phổ thông hoá những trang bị cao cấp trên xe bình dân mà vẫn giữ mức giá phù hợp với túi tiền của phần đông khách hàng trong nước.

Hoàng Hiển

Đánh giá: