Doanh số xe Xiaomi sụt giảm tuần thứ 3 liên tiếp sau hàng loạt vụ bê bối
21:53 - 16/05/2025
Bộ phận ô tô của Xiaomi đang đối mặt với những thách thức lớn khi doanh số bán xe điện đã giảm liên tục trong 3 tuần. Theo dữ liệu đăng ký bảo hiểm được cung cấp bởi Hiệp hội Các nhà phân phối ô tô Trung Quốc, từ tuần 16 đến tuần 19 năm 2025, doanh số của các mẫu xe Xiaomi (bao gồm SU7 và SU7 Ultra) đã giảm từ 7.200 chiếc xuống còn 5.200 chiếc. Riêng mẫu Xiaomi SU7 tiêu chuẩn chứng kiến doanh số trung bình giảm từ 6.700 chiếc mỗi tuần xuống còn 4.700 chiếc.
Sự sụt giảm này diễn ra giữa lúc nhà sáng lập Xiaomi, ông Lôi Quân, mô tả đây là “giai đoạn khó khăn nhất kể từ khi thành lập” trong một bài đăng trên mạng xã hội Weibo ngày 10/5.
Xiaomi hiện đang trải qua một cuộc khủng hoảng niềm tin nghiêm trọng do nhiều vụ tranh cãi liên tiếp, cụ thể như sau:
- Tranh cãi về nắp ca-pô bằng carbon: Tùy chọn nắp ca-pô bằng sợi carbon của Xiaomi SU7 Ultra có giá 42.000 Nhân dân tệ (khoảng 147 triệu đồng). Trang bị này được quảng bá là có “hai khe hút gió làm mát mâm xe”. Tuy nhiên, chủ xe phát hiện hai khe gió này không hề có chức năng hướng gió hay cải thiện khả năng làm mát so với nắp ca-pô nhôm tiêu chuẩn trong khi chỉ nhẹ hơn 1,3 kg.
- Hạn chế công suất xe: Một bản cập nhật phần mềm qua mạng vào hồi đầu tháng 5 đã giới hạn công suất tối đa của xe từ 1.548 mã lực xuống còn 900 mã lực. Để mở khóa toàn bộ công suất, người dùng phải đạt các thông số hiệu suất trên đường đua. Điều này trái ngược hoàn toàn với chiến dịch quảng cáo trước đó vốn nhấn mạnh tốc độ tối đa 350 km/h và định vị SU7 Ultra là "mẫu sedan 4 cửa nhanh nhất thế giới”.
- Lo ngại về an toàn: Cuối tháng 3/2025, một chiếc Xiaomi SU7 Ultra màu vàng đã gặp tai nạn ở tốc độ cao. Sau đó là một vụ tai nạn nghiêm trọng khác trên đường cao tốc khiến dư luận bàng hoàng, buộc Xiaomi phải ưu tiên các biện pháp an toàn.
Các tranh cãi liên quan đến xe Xiaomi đã châm ngòi cho làn sóng phản đối mạnh mẽ. Theo đó, hơn 30 khách hàng tiềm năng của SU7 Ultra đã biểu tình tại trung tâm giao xe ở Bắc Kinh, giăng biểu ngữ tố cáo hãng “quảng cáo sai sự thật”. Bên cạnh đó là hơn 300 chủ xe lập nhóm bảo vệ quyền lợi, yêu cầu hãng “hoàn tiền và bồi thường gấp ba”. Mới đây, một số khách hàng còn thuê luật sư để khởi kiện tập thể hãng Xiaomi.
Các nhà phân tích lưu ý rằng hơn 50% chủ sở hữu SU7 Ultra là người lần đầu mua xe ở phân khúc giá trên 500.000 Nhân dân tệ (khoảng 1,75 tỷ đồng). Điều này khiến họ đặc biệt nhạy cảm với thông số kỹ thuật và lời hứa từ nhà sản xuất.
Dù Xiaomi đã xin lỗi và tạm dừng bản cập nhật gây tranh cãi, đồng thời cung cấp gói bồi thường gồm 20.000 điểm thành viên cho khách hàng bị ảnh hưởng, nhưng nhiều người vẫn chưa hài lòng và tiếp tục yêu cầu hoàn tiền đầy đủ.
Những vụ việc trên còn thúc đẩy các biện pháp quản lý mạnh mẽ hơn trong ngành xe điện Trung Quốc. Cụ thể, vào đầu tháng 4/2025, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc đã ban hành các yêu cầu mới về an toàn pin.
Đến giữa tháng 4, Bộ này siết chặt các tuyên bố quảng cáo về lái xe tự động. Động thái này buộc nhiều nhà sản xuất phải chuyển dùng cụm "hỗ trợ lái xe" thay cho “tự lái cấp cao.
Ngày 8/5/2025 vừa qua, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc bắt đầu lấy ý kiến về tiêu chuẩn quốc gia bắt buộc đối với tay nắm cửa ô tô.
Các chuyên gia cho rằng những khó khăn hiện tại của Xiaomi phản ánh một vấn đề phổ biến trong ngành ô tô Trung Quốc, đó là ưu tiên tiếp thị thay vì công nghệ thực chất. Những tranh cãi quy mô lớn của Xiaomi đang góp phần thúc đẩy các cải cách rộng hơn trong ngành này.


Bài viết mới nhất
-
Dàn siêu xe tụ tập tại Tp.HCM: 3 chiếc McLaren đủ phiên bản cùng Ferrari 488 GTB độ đẹp mắt
18 giờ trước
-
Aventador SV Roadster của doanh nhân sở hữu nhiều xe Lamborghini bản giới hạn nhất Việt Nam tái xuất
22 giờ trước
-
Gần 600 xe Nissan Kicks bị triệu hồi tại Việt Nam vì nguy cơ lỗi đèn báo pin
Hôm qua lúc 14:10