Doanh số liên tục tăng trưởng nhưng phần lớn các hãng ô tô điện Trung Quốc đều đang lỗ
12:45 - 04/10/2022
Với sự khuyến khích và hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc, mảng ô tô điện tại nước này đã tăng trưởng như vũ bão trong vòng hơn 1 thập kỷ qua. Hàng trăm mẫu ô tô điện đủ chủng loại và thương hiệu hiện đang được bán tại quốc gia tỷ dân này. Các công ty sản xuất ô tô điện cũng liên tục báo cáo tăng trưởng doanh số với những tỷ lệ kỷ lục.
Tuy nhiên, không phải hãng ô tô điện Trung Quốc nào cũng thu về lợi nhuận. Trên thực tế, ngoài BYD, phần lớn các hãng ô tô điện Trung Quốc đều lỗ dù doanh số vẫn tăng trưởng mạnh.
Có thể kể đến những ví dụ điển hình như Changan và GAC. Đây đồng thời cũng là 2 hãng xe quốc doanh lớn của Trung Quốc.
Changan bắt đầu bán ô tô điện từ năm 2010. Đến năm 2018, Changan ra mắt thương hiệu Avatr và chuyên bán ô tô điện cao cấp. Trong nửa đầu năm nay, Changan lỗ đến 1,5 tỷ Nhân dân tệ (210 triệu USD) vì sản xuất và quảng bá ô tô điện. Riêng thương hiệu con Avatr EV lỗ 252 triệu Nhân dân tệ (35 triệu USD).
Trong khi đó, GAC đặt chân vào phân khúc ô tô điện hóa bằng phiên bản plug-in hybrid của các mẫu xe xăng mang thương hiệu con Trumpchi. Đến năm 2017, GAC cũng ra mắt thương hiệu ô tô điện riêng là Aion. Từ năm 2019 - 2021, doanh số hàng năm của Aion đã tăng trưởng 120% lên 120.000 xe. Thế nhưng, thương hiệu này lại lỗ đến 1,4 tỷ Nhân dân tệ (196 triệu USD).
Các công ty khởi nghiệp chuyên về ô tô điện đã mọc lên như nấm sau mưa tại Trung Quốc từ năm 2014. Tuy nhiên, nhiều công ty sau đó đã "chết yểu" vì cạn vốn. Một số vẫn còn trụ lại nhờ gọi vốn từ thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, những công ty khởi nghiệp này đều đang phải đối mặt với một thách thức chung, đó là không có lợi nhuận.
Bộ ba XPeng, Li Auto và Nio đều ra mắt cách đây 7 năm. Đây cũng là 3 trong số những công ty chuyên sản xuất ô tô điện hàng đầu của Trung Quốc hiện nay. Không chỉ tăng cường sự hiện diện tại quê nhà Trung Quốc, 3 hãng này còn vươn cánh tay sang các thị trường quốc tế.
Trong quý II năm nay, lượng xe bán ra của XPeng đã tăng đến 98% lên 34.422 chiếc. Con số tương ứng của Li Auto là 63% lên 28.687 xe. Nio cũng không thua kém với doanh số 25.059 xe, tăng 14%.
Nghe thì rất tích cực nhưng các số liệu tài chính lại cho thấy điều ngược lại. Theo tờ Automotive News, trong quý II năm nay, XPeng lỗ đến 2,7 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 376 triệu USD), tăng đến 126% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự như vậy, Nio cũng lỗ 2,8 tỷ Nhân dân tệ (393 triệu USD), tăng 370%. Trong khi đó, Li Auto - công ty hiện chỉ bán đúng 1 mẫu xe - lỗ 641 triệu Nhân dân tệ (90 triệu USD), tăng 172%. Giải thích cho tình trạng kinh doanh thua lỗ, cả 3 công ty đều đổ lỗi cho giá pin và chip bán dẫn tăng cao.
Chỉ có một công ty đi ngược lại xu hướng này, đó là BYD. Thương hiệu ô tô có sự chống lưng của tỷ phú Mỹ Warren Buffett hiện là nhà sản xuất ô tô điện hóa lớn nhất của Trung Quốc. Trong nửa đầu năm nay, BYD đã bán được tổng cộng 641.350 chiếc xe cho khách hàng. Gần một nửa trong số này đều là xe plug-in hybrid.
Quan trọng hơn, BYD có những lợi thế mà không hãng xe nội địa Trung Quốc nào có được. Theo đó, BYD chính là hãng sản xuất pin ô tô điện lớn thứ 2 của Trung Quốc, chỉ sau CATL. Ngoài ra, BYD còn tự sản xuất chip bán dẫn cho một số mẫu xe của mình. Với doanh số không ngừng tăng lên và khả năng "tự cung, tự cấp" pin, BYD đạt lợi nhuận 3,9 tỷ Nhân dân tệ (505 triệu USD) trong 6 tháng đầu năm nay, tương đương mức tăng trưởng 206%.
Để kiểm soát tình trạng kinh doanh thua lỗ, vào tháng trước, GAC đã hé lộ kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất pin riêng của mình với số tiền đầu tư lên đến 10,6 tỷ Nhân dân tệ. Những công ty sản xuất ô tô điện khác như XPeng, Li Auto và Nio lại nhắm đến việc tăng cường sản xuất để cải thiện sản lượng. Tuy nhiên, có lẽ các hãng xe này sẽ phải mất vài năm nữa mới thu về lợi nhuận từ việc bán ô tô điện.