Những người giàu nhất trong thế giới ô tô (P1)
Duy Thành 20:58 - 09/06/2019
Hiện tại là thời điểm trong năm khi kế toán của những người giàu đang bận rộn tính toán xem ai là người giàu nhất thế giới. Năm nay, trang Autocar của Anh cũng quyết định công bố những tính toán của họ, nhưng là để sản xuất một danh sách tất cả những cá nhân hoặc gia đình giàu có nhất mà phần lớn hoặc đại đa số gia sản của họ đến từ thế giới ngành công nghiệp sản xuất và phụ trợ ô tô.
Tất cả dữ liệu ở đây là được thu thập từ các trang Forbes, The Sunday Times, Bloomberg và nhiều nguồn uy tín khác, tính giá trị tài sản tính bằng đơn vị USD theo tỉ giá hối đoái hiện tại. Chúng ta sẽ bắt đầu ở mức 1,6 tỷ USD, và tiến dần đến tên những người cực kỳ giàu có trong thế giới ô tô.
Roger Penske – 1,6 tỷ USD
Penske đến từ bang Ohio, Mỹ đã có một sự nghiệp đua xe thành công trước khi xây dựng hai đội xe IndyCar và Nascar của riêng ông vào cuối những năm 1960.
Sau đó, ông đã thành lập Penske Automotive Group, điều hành một chuỗi các đại lý xe ô tô lớn trên thế giới bao gồm ở Mỹ, Đức và Úc, cũng như cho thuê xe tải màu vàng nổi tiếng, và các hoạt động khác.
Trong những thứ họ sở hữu ở thị trường Anh Quốc, công ty sở hữu nhóm đại lý lớn nhất là Sytner. Công ty Penske Automotive hiện đang có 26.000 nhân công và đã đạt doanh thu 22,8 tỷ USD vào năm 2018.
Hiện ở tuổi 82, Roger Penske vẫn tích cực tham gia quản lý công ty với vai trò chủ tịch, và thường xuyên cập nhật các hoạt động điều hành của công ty từ xa, với sự trợ giúp của máy bay phản lực tư nhân Gulfstream G550.
Gia đình Ford – 3 tỷ USD
Dù gia đình Ford hiện chỉ đang sở hữu 2% cổ phần của công ty, trị giá khoảng 740 triệu USD, nhưng cả gia đình vẫn đang hưởng lợi từ cổ tức của công ty trong nhiều thế hệ.
Thực tế đó cộng với việc có quá nhiều thành viên gia đình khiến cho chuyện ước tính tổng giá trị tài sản gia đình này là thực sự khó khăn. Hơn thế, cổ phiếu của Ford vẫn vượt qua quyền biểu quyết, đem đến cho họ 40% số phiếu bầu và kiểm soát hiệu quả công ty.
Chắt của Henry Ford, William Clay Ford Jr, là chủ tịch hiện tại của công ty. Cha của ông, William Clay Ford Sr đã từng là cháu trai cuối cùng sống sót của Henry Ford, và đã mất vào năm 2014; người ta tin rằng William Clay Ford Jr đã là thành viên độc thân giàu có nhất trong gia đình, với tài sản ròng khoảng 1,4 tỷ USD.
Forbes đã đánh giá khối tài sản tập thể của gia đình Ford ở mức 2 tỷ USD theo một khảo sát năm 2015; căn cứ vào những tăng trưởng của thị trường chứng khoán được đưa ra kể từ đó, chúng ta có thể tin rằng giá trị tài sản ngày nay thậm chí còn cao hơn nữa.
Don Hankey – 3,1 tỷ USD
Don Hankey sinh ra ở thành phố Los Angeles, Mỹ vào năm 1943, và đã được thừa kế đại lý phân phối xe Ford của cha ông trong thành phố vào năm 1972.
Điều hành doanh nghiệp trên, ông đã nhận ra một rào cản đáng kể với quyền sở hữu xe ô tô là tiếp cận tín dụng, và ông đã bắt đầu một doanh nghiệp vào năm 1978 gọi là Westlake Financial Services, tập trung vào những khoản vay mua ô tô thứ cấp và hiện vận hành ở tất cả các bang tại Mỹ.
Công ty này hiện nay tuyên bố là công ty tài chính tư nhân lớn nhất ở Mỹ, với 8,33 tỷ USD tài sản được quản lý trong năm 2018. Tờ Business Journal định giá tài sản của Hankey ở mức 3,1 tỷ USD vào năm 2018.
Bernie Ecclestone và gia đình – 3,25 tỷ USD
Bernie Ecclestone, con trai của một ngư dân, đã rời trường học vào năm 16 tuổi và trở thành một tay đua. Ông đã tiếp quản đội đua Công Thức 1 Brabham vào năm 1972, đội đã giành được hai chức vô địch trong 15 năm tiếp theo.
Quan trọng hơn, ông đã nhận ra tiềm năng đối với việc thể thao đua xe có thể trở thành môi trường marketing chuyên nghiệp dành cho những nhà tài trợ và các công ty xe đi đường phố mà đang vận hành phần lớn các đội đua, và đã thúc đẩy điều này ngay sau khi ông ở trở thành giám đốc điều hành của Formula One Constructors Association vào năm 1978, đàm phán những bản quyền truyền hình ngày càng sinh lời cho các giải đua xe.
Ecclestone cũng nhận ra mặc dù nguy hiểm là một phần không thể tránh khỏi của đua xe ô tô, nhưng có thể làm nhiều thứ để cải thiện sự an toàn cho cả các tay đua và khán giả, và đã hợp tác chặt chẽ với Max Mosley, người cộng tác viên lâu năm và sau này trở thành giám đốc của Liên đoàn Ô tô Quốc tế (FIA), để đạt được mục tiêu này.
Cuối cùng, Ecclestone đã rời khỏi vị trí quản lý F1 vào năm 2017 khi Formula One Group, đơn vị giữ bản quyền quảng cáo của môn thể thao này, đã được mua lại bởi công ty khổng lồ từ Mỹ, Liberty Media, công ty điều hành kênh Discovery Channel và nhiều kênh khác.
Tờ The Sunday Times đã liệt kê tài sản của Ecclestone ở mức 2,5 tỷ Bảng (tương đương 3,25 tỷ USD) vào năm 2019.
Pawan Munjal và gia đình – 3,5 tỷ USD
Pawan Munjal là CEO của công ty Hero Motocorp, nhà sản xuất xe 2 bánh lớn nhất tại Ấn Độ và trên cả thế giới.
Công ty được thành lập bởi cha ông, Brijmohan Lall Munjal, trong vai trò một liên doanh với Honda vào năm 1984, và công ty đã phát triển song song với nhu cầu vận tải đang lên của Ấn Độ ở thời điểm mà sở hữu một chiếc xe ô tô là bất khả thi về mặt tài chính với phần lớn người dân.
Honda đã mang đến sức mạnh sản xuất và kỹ thuật, trong khi Hero cung cấp sự thấu hiểu thị trường địa phương, nhưng căng thẳng đã tăng lên do thanh toán tiền bản quyền cho Honda cùng việc chia sẻ công nghệ, và thực tế là công ty Hero Honda đã bị cấm xuất khẩu đến nhiều thị trường.
Liên minh này đã bị chia cắt vào năm 2011, nhưng Hero đã phát triển thịnh vượng với một loạt xe 2 bánh hướng đến mọi phân khúc thu nhập; công ty đã bán được 7,2 triệu mẫu xe vào năm 2017, mang loại doanh thu 4,4 tỷ USD.
Ngụy Kiến Quân và gia đình – 3,8 tỷ USD
Công ty Great Wall Motors đã được thành lập vào năm 1984 với vai trò là nhà sản xuất xe tải và bán tải, và ông Ngụy đã tiếp quản công ty vào năm 1990.
Với việc tìm cách tận dụng nhu cầu xe ô tô du lịch đang tăng nhanh ở Trung Quốc, công ty bắt đầu sản xuất các mẫu SUV và sedan sau năm 2010. Công ty đã ra mắt xe ô tô điện có tên gọi là C30EV vào năm 2017, trong khi một thương hiệu SUV hạng sang mới là WEY cũng ra mắt trong năm đó.
Vào năm 2018, công ty này đã thông báo rằng họ và BMW sẽ sản xuất phiên bản Mini chạy điện tại Trung Quốc, nhắm đến sản lượng hàng năm là 160.000 xe. Great Wall đã có doanh thu 14,4 tỷ USD trong năm 2018, với tổng cộng 1,05 triệu xe được bán ra.
Các xưởng sản xuất phụ tùng xe của Great Wall có ở nhiều nơi khác nhau, nhưng các nhà máy nước ngoài chính thức đã được mở tại Bulgaria và Nga. Ông Ngụy sở hữu 85% công ty, 3,8 tỷ USD là tài sản được ước tính bởi Forbes.
Lương Ổn Căn – 3,9 tỷ USD
Ông Lương đang điều hành công ty Sany Heavy Industry, nhà sản xuất trang thiết bị xây dựng lớn thứ 8 trên thế giới với doanh số tổng cộng đạt 5,9 tỷ USD vào năm 2017, đứng trước cả những công ty nổi tiếng như John Deere.
Các dòng sản phẩm trọng tâm của công ty là xe trộn bê tông, xe cần cẩu và máy xúc. Công ty Sany đã khởi đầu như một công ty vật liệu hàn vào năm 1989. Ông Lương và gia đình ông sở hữu 20% công ty.
Dan Friedkin và gia đình – 4,1 tỷ USD
Công ty Gulf States Toyota (GST) có trụ sở tại bang Houston, Mỹ đã được thành lập vào năm 1969 bởi ông Tom Friedkin, bạn của tay đua huyền thoại Carroll Shelby.
Ông Shelby đã từ chối cơ hội trở thành nhà phân phối cho những hoạt động còn mới tại Mỹ của Toyota khi đó, và đề nghị Friedkin thay thế. Friedkin qua đời vào năm 2017 và GST hiện tại được điều hành bởi con trai của ông là Dan. Hiện nay, GST là công ty nhượng quyền thương mại lớn thứ hai của Toyota tại Mỹ, điều hành 154 đại lý ở các bang Arkansas, Louisiana, Mississippi, Oklahoma, và Texas.
Cứ 8 xe Toyota được bán tại Mỹ thì có 1 xe được bán bởi công ty GST, và trong những năm gần đây, công ty này phần lớn được hưởng lợi gián tiếp từ sự bùng nổ dầu-đá phiến ở Mỹ, một ngành công nghiệp tạo ra nhu cầu lớn cho những chiếc xe bán tải thường được bán bởi GST.
Với doanh thu 9 tỷ USD vào năm 2018, công ty hoàn toàn được sở hữu bởi gia đình Friedkin. Gia đình này cũng có cổ phần trong các khu nghỉ dưỡng và giải trí.
Vikram và Siddhartha Lal – 4,53 tỷ USD
Nhiều người có thể chưa từng nghe đến công ty Eicher Motors của ông Vikram Lal, nhưng có thể biết đến thương hiệu nổi tiếng của công ty này, Royal Enfield.
Công ty đã được thành lập với vai trò là nhà sản xuất xe máy ở Anh vào năm 1901, nhưng đã bị thất thế trước sự cạnh tranh của các công ty Nhật Bản, và đã ngừng hoạt động vào năm 1971. Nhưng trước đó, thương hiệu và máy móc của hãng đã tạo được dấu ấn tại Ấn Độ, và hoạt động sản xuất đã bắt đầu tại thành phố Madras (nay là Chennai), Ấn Độ.
Vào năm 1994, công ty Indian Royal Enfield đã sáp nhập với Eicher. Công ty đã trải qua thời kỳ phục hưng sau khi Siddhartha, con trai của ông Lal, bắt đầu điều hành công ty vào năm 1995. Mới 22 tuổi ở thời điểm đó, Siddhartha đã tiếp cận với thị trường non trẻ của công ty, và đã dẫn đầu những chiếc xe máy thành công bao gồm mẫu Bullet mới, một phiên bản nâng cấp của chiếc xe được sản xuất lần đầu vào năm 1949.
Công ty Royal Enfield đã phát triển thịnh vượng, và ngày nay xuất khẩu những cỗ máy mạnh mẽ với giá cả phải chăng đến hơn 50 quốc gia, bán được 615.901 chiếc xe 2 bánh trong năm tài chính vừa qua.
Vikram Lal đã trao lại quyền quản lý Eicher cho con trai vào năm 2006. Eicher cũng sản xuất xe tải và xe buýt, và có 47% cổ phần được nắm giữ bởi ông Lal và gia đình. Tài sản trên được ước tính bởi Bloomberg.
(còn tiếp)