menu

Lính cứu hỏa mất hơn 4 tiếng đồng hồ và 16.000 lít nước mới dập được lửa cho chiếc Tesla Model S

13:20 - 28/06/2022

Thậm chí, lực lượng cứu hỏa còn phải đào hố, đổ đầy nước và dìm chiếc Tesla Model S xuống đó thì mới dập được lửa.

Ô tô điện hiện đang dần trở nên phổ biến hơn trên đường phố. Do đó, số lượng những chiếc ô tô điện bốc cháy cũng tăng lên. Điều này khiến lực lượng cứu hỏa đau đầu vì việc dập lửa cho ô tô điện khó hơn nhiều so với xe dùng động cơ đốt trong. Vụ cháy của chiếc ô tô điện mang thương hiệu Tesla Model S dưới đây là một ví dụ điển hình.

Vụ cháy này xảy ra tại một bãi phế liệu ở thành phố Rancho Cordova thuộc quận Sacramento, bang California, Mỹ, vào hồi đầu tháng 6/2022 vừa qua. Được biết, trước khi vụ cháy xảy ra khoảng 3 tuần, chiếc Tesla Model S này đã bị tai nạn và hư hỏng nặng nên bị chuyển đến bãi phế liệu. Khi đang nằm trong bãi phế liệu, chiếc ô tô điện bất ngờ bốc cháy ngùn ngụt.

Chiếc Tesla Model S bốc cháy ngùn ngụt trong bãi phế liệu

Nhận được tin báo, Sở cứu hỏa quận Sacramento đã nhanh chóng cử người đến hiện trường vụ cháy. Tuy nhiên, lực lượng cứu hỏa đã mất rất nhiều thời gian và công sức để dập lửa cho chiếc Tesla Model S này.

Cứ mỗi lần lính cứu hỏa cố gắng dập lửa, pin của chiếc Tesla Model S lại tiếp tục bốc cháy. Thậm chí, khi lính cứu hỏa lật ngang chiếc Tesla Model S để xịt trực tiếp vào cụm pin thì chiếc xe vẫn tiếp tục cháy đi cháy lại vì "lượng nhiệt còn dư".

Lính cứu hỏa xịt thẳng vào pin của chiếc Tesla Model S nhưng xe vẫn tiếp tục cháy trở lại

Lính cứu hỏa xịt thẳng vào pin của chiếc Tesla Model S nhưng xe vẫn tiếp tục cháy trở lại

Cuối cùng, lính cứu hỏa đã phải đào một chiếc hố, đổ đầy nước vào và đẩy chiếc Tesla Model S xuống đây. Cách làm này đã "khiến cụm pin bị ngập nước" và cuối cùng dập tắt được ngọn lửa.

Chiếc Tesla Model S được nhấn chìm vào hố nước

Chiếc Tesla Model S bị dìm xuống hố nước để dập lửa

Được biết, lực lượng cứu hỏa đã phải mất hơn 4 tiếng đồng hồ và 16.000 lít nước mới có thể dập được lửa cho chiếc Tesla Model S. Đây là lượng nước đủ để dập lửa cho một tòa nhà bị cháy.

Rất may, không có thương vong về người trong vụ cháy này. Sau khi được dập lửa, chiếc Tesla Model S đã bị cháy trơ khung, trừ phần nắp ca-pô, cản trước và đèn pha.

Một số bộ phận trên chiếc Tesla Model S vẫn chưa bị cháy

Một số bộ phận trên chiếc Tesla Model S vẫn chưa bị cháy

Lửa bốc lên từ những chiếc ô tô điện có thể đặc biệt nguy hiểm vì chúng tạo ra hơn 100 hóa chất, bao gồm một số khí độc hại có thể dẫn đến chết người như carbon monoxide (CO) hoặc hydro xyanua (HCN). Trao đổi với phóng viên tờ Washington Post, đội trưởng Parker Wilbourn, đại diện Sở cứu hỏa Sacramento, khẳng định nhiệt độ tỏa ra từ vụ cháy chiếc Tesla Model S lên đến hơn 3.000 độ.

Pin của những chiếc ô tô điện như Tesla có nguy cơ bốc cháy cao hơn vì công nghệ lithium-ion mà chúng sử dụng vốn còn khá mới mẻ với ngành công nghiệp xe hơi. Pin lithium-ion sạc nhanh hơn nhưng có thể tăng lên nhiệt độ bất thường nếu bị hư hỏng.

Việc ngày càng có nhiều người dùng ô tô điện trong những năm gần đây đã cho thấy một số nguy cơ đi kèm loại phương tiện này. Vào hồi tháng 12/2020, một ngôi nhà ở San Ramon, bang California, đã "hóa tro" sau khi 2 chiếc Tesla của chủ nhà bốc cháy giữa đêm. Qua điều tra, Sở cứu hỏa San Ramon đã kết luận nguyên nhân của vụ cháy có thể là do hệ thống điện hoặc pin của xe Tesla.

Đến tháng 4 năm nay, một chiếc xe Tesla tại thành phố Nashua, bang New Hampshire, Mỹ đã tông vào gốc cây và bốc cháy. Sau khi được dập lửa, chiếc xe đã được đưa lên xe cứu hộ để rời khỏi hiện trường. Tuy nhiên, chiếc xe sau đó đã cháy trở lại vì cụm pin. Sở cứu hỏa thành phố Nashua đã phải tháo bỏ pin của chiếc Tesla và đưa vào trong thùng container Hazmat để ngăn nó cháy tiếp.

"Những vụ cháy ô tô điện tạo ra một số thách thức chưa từng có và lính cứu hỏa tại hiện trường phải mất nhiều thời gian hơn để dập lửa hoàn toàn", đại diện Sở cứu hỏa thành phố Nashua viết trên tài khoản mạng xã hội.

Đánh giá: