Bằng lái xe B1 là gì? Ưu điểm và nhược điểm so với bằng lái xe B2
17:03 - 02/06/2020
Khi xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu mua xe ô tô của người dân ngày càng gia tăng. Chính vì thế, nhu cầu học bằng lái xe cũng tăng theo. Tuy nhiên, khi có nhu cầu học lái ô tô, đại đa số người dùng đều băn khoăn không biết nên học bằng lái xe B1 hay B2. Để giải đáp khúc mắc này, chúng tôi sẽ tổng hợp các ưu điểm và nhược điểm của bằng lái xe B1 so với bằng lái B2 và giải thích cho các bạn bằng lái xe B1 là gì nhằm giúp các bạn dễ dàng hơn trong việc lựa chọn.
Bằng lái xe B1 là gì?
Trong hệ thống các loại giấy phép lái xe (GPLX) tại Việt Nam, bằng lái xe hạng B bao gồm 2 loại B1 và B2. Đây là loại bằng lái dành cho xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi và có tải trọng dưới 3,5 tấn và cũng là loại bằng lái xe ô tô phổ biến nhất hiện nay.
Tuy nhiên, GPLX số tự động được xếp vào hạng bằng B1, dễ gây nhầm lẫn với bằng B1 cũ – loại vẫn cho phép điều khiển xe số sàn. Để phân biệt giữa hai loại bằng này, Bộ GTVT đã thống nhất gọi tên bằng lái xe số tự động là bằng B11. Cụ thể như sau:
Bằng lái xe Hạng B11: Số tự động cấp cho người không hành nghề lái xe điều khiển các loại xe sau đây:
- Ô tô số tự động chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe
- Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng số tự động cơ trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg
- Ô tô dùng cho người khuyết tật
Bằng lái xe Hạng B12: cấp cho người không hành nghề lái xe điều khiển các loại xe sau đây:
- Ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe
- Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg
- Máy kéo kéo một rơ-moóc có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg
Như vậy, người có GPLX hạng B11 không được điều khiển xe ô tô số sàn. Trong khi đó, GPLX hạng B12 được phép điều khiển xe ô tô số sàn. Cả hai loại bằng này đều không cho phép hành nghề lái xe.
So sánh bằng lái xe B1 với bằng lái xe B2
Về cơ bản, cả hai loại giấy phép lái xe B1 và B2 đều cho phép bạn lái ô tô chở người dưới 9 chỗ cũng như xe tải dưới 3.500 kg. Cả hai loại bằng lái này không cho phép bạn lái xe 16 chỗ hay xe tải trọng tải lớn hơn 3.500 kg. Điều kiện để đăng ký học của cả 2 loại bằng lái xe ô tô này đều là công dân đủ 18 tuổi và đủ điều kiện sức khỏe. Như vậy, bạn chỉ cần đủ 18 tuổi đồng thời có sức khỏe tốt, có giấy khám sức khỏe theo đúng quy định là có thể học bằng lái xe B1 và B2.
Tuy nhiên, bằng lái ô tô B1 và B2 có khá nhiều khác biệt mà bạn cần chú ý tới. Thứ nhất, người sở hữu bằng lái B1 chỉ được điều khiển xe số tự động và khi tập luyện cũng như thi sát hạch cũng chỉ được thực hiện trên xe số tự động. Trong khi đó, nếu sở hữu bằng B2, người lái sẽ được điều khiển cả xe số sàn và xe số tự động.
Thứ hai, với giấy phép lái xe hạng B1, bạn không được kinh doanh vận tải. Điều này đồng nghĩa với việc nếu muốn lái taxi, bạn sẽ phải học bằng lái B2. Sở hữu bằng lái B1, bạn vẫn có thể thuê xe tự lái với điều kiện chiếc xe bạn thuê không đăng ký kinh doanh vận tải.
Ưu điểm của bằng lái xe B1
Ở phần thi lý thuyết, bài thi bằng lái xe B1 và B2 giống nhau hoàn toàn. Bài thi thực hành của 2 loại giấy phép lái xe này cũng tương tự nhau nhưng vì cách vận hành xe khác nhau nên học lái và thi bằng lái xe B1 đơn giản hơn rất nhiều.
Xem thêm: Mẹo thi lý thuyết bằng lái xe B1 "bao đỗ".
Lựa chọn thi bằng lái xe B1, bạn sẽ dễ dàng vượt qua bài thi dừng và khởi hành ngang dốc. Đây là một bài thi rất khó của bằng lái B2 và có tới 60% thí sinh đã bị trượt vì không xử lý tốt trong bài thi này.
Một ưu điểm khác của bằng lái xe hạng B1 chính là thời hạn sử dụng. Trong khi chủ sở hữu bằng lái xe hạng B2 phải xin cấp lại 10 năm 1 lần thì thời hạn của B1 lại khá khác. Giấy phép lái xe B1 được cấp cho đến 55 tuổi với nữ và 60 tuổi với nam, đồng nghĩa với việc thời hạn của nó có thể lên tới 42 năm. Nếu thi bằng lái B1 sau 45 tuổi với nữ hoặc 55 tuổi với nam thì lái xe mới phải xin cấp lại 10 năm 1 lần.
Bằng lái xe ô tô B1 có những nhược điểm gì?
So với bằng lái B2, bằng lái xe B1 có nhược điểm là không cho phép bạn sử dụng nhiều loại xe. Tuy vậy, do xe số tự động ngày càng phổ biến, nhược điểm này sẽ không còn lớn như trước.
Tiếp theo, như đã nhắc ở trên, bạn sẽ không thể lái xe kinh doanh vận tải nếu sở hữu bằng lái xe B1. Nếu bạn sở hữu 1 chiếc xe số tự động và chỉ có nhu cầu lái xe đi lại phục vụ cá nhân và gia đình thì bằng lái B1 là sự lựa chọn tốt hơn. Ngược lại, nếu bạn lái xe taxi, dịch vụ, hay lái xe cho công ty thì bằng B2 lại là phương án bắt buộc.
Nhược điểm tiếp theo của bằng lái xe B1 chính là chi phí. Thông thường, chi phí học bằng lái xe B1 và thi bằng lái sẽ cao hơn khoảng 1 - 1,5 triệu so với bằng lái B2. Ngoài ra, xe số tự động cũng thường đắt hơn xe số sàn cùng phiên bản từ 40 - 50 triệu đồng. Với những nhược điểm trên thì hy vọng bạn cũng đã hiểu rõ hơn về khái niệm bằng lái xe B1 là gì khi có quyết định đi học.
Nên học bằng lái xe B1 hay B2?
Để quyết định học và thi giấy phép lái xe B1 hay B2, bạn cần xem xét các yếu tố như nhu cầu, sở thích, thời gian, tài chính, sức khỏe… Nếu là phụ nữ, bạn nên học bằng lái xe B1. Nếu là nam giới muốn trải nghiệm mọi khía cạnh của xe, bạn nên chọn bằng lái xe B2.
Nếu bạn thích sự đơn giản, không tự tin vào khả năng điều khiển xe cộ, hãy chọn bằng lái B1. Nếu bạn hay phải lái xe, lái xe tải, xe off-road, xe của công ty, trải nghiệm xe cộ… thì nên học bằng lái xe B2.
Dù học bằng lái xe B1 hay B2, bạn cũng cần chú ý học lái một cách chăm chỉ, cẩn thận, học luật đầy đủ để đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như tránh gây tai nạn cho người khác khi tham gia giao thông. Hy vọng bài viết trên Tinxe.vn đã cung cấp cho quý vị độc giả thông tin cũng như những khái niệm cần thiết khi tìm hiểu bằng lái xe B1 là gì cũng như các ưu nhược điểm khi so sánh với bằng lái xe B2.
Chúc các bạn lái xe an toàn!
Lan Châu