Toyota Wigo – Nhỏ nhắn bề ngoài, rộng rãi bên trong và "không có gì để hỏng"
Hiển Xăm 18:26 - 22/10/2018
- Toyota Wigo tại Việt Nam bị cắt bản số sàn, giá khởi điểm không còn dưới 400 triệu đồng08/01/2025
- Doanh số xe hạng A tháng 9/2024: Không có ưu đãi lệ phí trước bạ, Toyota Wigo sụt giảm13/10/2024
- Kỹ sư 8X mua Toyota Wigo tặng vợ 8/3: Đừng tưởng trai kỹ thuật không tinh tế08/03/2024
Toyota Wigo là một trong ba mẫu xe hoàn toàn mới mà Toyota Việt Nam vừa cho ra mắt trong thời gian qua và nhanh chóng nhận được sự quan tâm của khách hàng trong nước b. Đây là lần đầu tiên Toyota tham gia vào phân khúc xe hatchback cỡ nhỏ dành cho đô thị, với mức giá được nhiều người đánh giá là hợp lý trong phân khúc khi chỉ 345 triệu VNĐ cho phiên bản sử dụng hộp số sàn MT 5 cấp, và 405 triệu VNĐ cho phiên bản sử dụng hộp số tự động AT 4 cấp.
Đối với nhóm khách hàng lần đầu mua xe hoặc những người muốn mua xe để chạy dịch vụ thì sự xuất hiện của Toyota Wigo đã thổi thêm một làn gió mới, khi thương hiệu xe Nhật Bản này vốn đã rất được lòng khách hàng Việt Nam nhờ vào một số ưu điểm như đơn giản, ít hỏng hóc, tiết kiệm nhiên liệu và giá trị bán lại tốt. Vậy liệu tân binh Wigo mà Toyota Việt Nam mới mang đến cho khách hàng Việt Nam có làm nên chuyện khi phải cạnh tranh trực tiếp với “ông hoàng doanh số” Hyundai Grand i10 hay không?
Video đánh giá Toyota Wigo (Duy Tùng)
Thiết kế ngoại thất – Đơn giản đến không ngờ
Không như những đối thủ khác cùng phân khúc đến từ Hàn Quốc như Kia Morning hay Hyundai Grand i10 có thiết kế ngoại thất khá bóng bẩy thì Toyota Wigo lại rất đơn giản và thực dụng với đèn chiếu sáng halogen, đèn sương mù halogen,đèn LED định vị ban ngày. Những chi tiết thiết kế này cũng được làm vuông vắn chứ không hề cầu kỳ hoa mỹ. Điểm nhấn ngoại thất của Toyota Wigo có lẽ sẽ nằm ở cụm lưới tản nhiệt thiết kế hình lục giác cỡ lớn, hốc đèn sương mù hình răng nanh, thanh mạ crome chạy ngang và một số đường gân dập nổi phía đầu xe.
Với mục đích là một mẫu xe hatchback đô thị cỡ nhỏ nên Toyota Wigo không quá chú trọng vào thiết kế ngoại thất khi thân xe khá đơn giản, không có quá nhiều những đường gân dập nổi hay những đường nét bắt mắt. Có thể nói rằng phần tay nắm cửa xe của Toyota Wigo còn hơi có phần đơn điệu với thiết kế chữ nhật đã lỗi mốt, đó là còn chưa kể đến thiết kế cần ăng-ten thò thụt ngay trên nóc xe khá cũ kỹ. May mắn thay, Toyota Wigo vẫn được trang bị gương chiếu hậu điều khiển điện tích hợp xi-nhan báo rẽ nhưng phải đóng mở bằng tay.
Đuôi xe của Toyota Wigo cũng được thiết kế đơn giản gọn gàng, cụm đèn hậu dạng LED nhỏ gọn ôm lấy đuôi xe, thêm vào đó là một đuôi gió nhỏ cũng khiến chiếc xe này ghi chút điểm khi nhìn phía sau. Điểm trừ lớn của Toyota Wigo có lẽ phải kể đến thiết kế mở cốp sau bằng chìa khoá cơ rất thủ công và thiết kế camera lùi nhô hẳn ra ngoài khá xấu.
Có thể nói, tổng quan thiết kế ngoại thất của Toyota Wigo không quá nổi bật, có phần đơn điệu và cũ kỹ nhưng về cơ bản thì lại rất thực dụng và ít hỏng vặt.
Thiết kế nội thất – Không thể đơn giản hơn nhưng rộng rãi và thoải mái
Nếu ngoại thất của Toyota Wigo hướng tới sự đơn giản, không cầu kỳ thì phần nội thất của mẫu xe này cũng tương tự khi ngay trên bản cao cấp nhất là Toyota Wigo 1.2AT cũng chỉ được trang bị nội thất bọc nỉ, vô-lăng ba chấu đơn giản không chỉnh được hướng, điều hoà chỉnh cơ 1 vùng, không có bệ tì tay, không có đèn chiếu sáng hàng ghế thứ 2, khởi động bằng chìa khoá cơ…
Thế nhưng ơn trời, Toyota Wigo vẫn được trang bị kính điều khiển điện, màn hình điện tử đơn sắc hiển thị đa thông tin sau vô-lăng, màn hình cảm ứng trung tâm kích thước 7” với khả năng giải trí khá đầy đủ như DVD, bluetooth, điện thoại rảnh tay và cả kết nối wifi để duyệt web. Tuy nhiên thực tế sử dụng thì tính năng duyệt web trên màn hình trung tâm của Toyota Wigo khá chậm. Có lẽ, với một mẫu xe hatchback đô thị cỡ nhỏ như Toyota Wigo thì đây cũng là một tiện nghi vừa đủ cho các hành khách ngồi bên trong.
Với chiều dài cơ sở 2.455mm và chiều cao xe 1.520mm, Toyota Wigo sở hữu không gian nội thất khá rộng rãi với khoảng sáng trần tốt, khoảng để chân rộng rãi. Nếu so sánh với Kia Morning (chiều dài cơ sở 2.385mm, cao 1.490mm) hay Hyundai Grand i10 (chiều dài cơ sở 2.425mm, cao 1.505mm) thì Toyota Wigo rộng rãi hơn hẳn. Khoang hành lý phía sau của Toyota Wigo cũng được đánh giá là rộng rãi và thấp nên thuận tiện hơn so với hai đối thủ đến từ Hàn Quốc.
Ưu thế về kích thước, nhưng về trang bị, Wigo có phần thua kém các đối thủ Hyundai Grand i10 hoặc Kia Morning với nhiều tuỳ chọn tiện nghi hơn.
Động cơ bền bỉ và tiết kiệm
Với một mẫu xe hatchback đô thị cỡ nhỏ như Toyota Wigo thì việc được trang bị động cơ Dual VVT-i 1.2L là một điều không có gì quá bất ngờ bởi trong phân khúc này cũng không yêu cầu một động cơ mạnh mẽ. Ngoài ra, Toyota Wigo cũng chỉ được trang bị hộp số tự động 4 cấp tương tự như các đối thủ. Với các thông số này, Toyota Wigo có thể sản sinh công suất tối đa 86 mã lực tại vòng tua 6.000 vòng/phút và mô-men xoắn cực đại cũng chỉ ở mức 107Nm tại vòng tua 4.200 vòng/phút. Bù lại, trọng lượng của xe chỉ 890 kg – nhẹ hơn nhiều so với KIA Morning và Hyundai Grand i10.
Điểm đáng tiếc của Toyota Wigo là chỉ được phân phối với hai phiên bản là 1.2L MT 5 cấp và 1.2L AT 4 cấp, trong khi 2 đối thủ đến từ Hàn Quốc lại có rất nhiều phiên bản với nhiều tuỳ chọn về giá, động cơ và hộp số khác nhau giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn phù hợp với túi tiền hơn.
Các công nghệ an toàn trên Toyota Wigo cũng khá đơn giản và chỉ ở mức đủ dùng ví dụ như phanh đĩa bánh trước cùng phanh tang trống bánh sau, hệ thống chống bó cứng phanh ABS, hệ thống 2 túi khí, camera lùi kèm cảm biến lùi. Nếu so sánh với KIA Morning hay Hyundai Grand i10 thì Toyota Wigo không thực sự nổi bật về các tính năng an toàn.
Trải nghiệm Toyota Wigo 1.2AT – Mạnh mẽ ngoài sức tưởng tượng so với con số 86 mã lực
Với các thông số về động cơ, hộp số mà chúng tôi đã nêu trên thì những tưởng Toyota Wigo sẽ là một mẫu xe hatchback đô thị cỡ nhỏ không quá mạnh mẽ và chỉ đủ để di chuyển trong đô thị. Thế nhưng khi cầm lái Toyota Wigo thì cảm giác lại khác hẳn, Wigo mang lại cảm giác lái khá tốt ở những nước ga đầu tiên. Chân ga nhạy, cảm giác máy khoẻ là những điều mà chúng tôi cảm nhận được khi bắt đầu vận hành thử Toyota Wigo.
Hộp số tự động 4 cấp trên Toyota Wigo sang số chậm ở số 1 và số 2 để tận dụng tối đa sức kéo của động cơ giúp cho việc tăng tốc của xe khá tốt. Ngay cả thử nghiệm lên dốc tại các hầm gửi xe trong các khu chung cư với độ dốc cao cũng không làm khó Toyota Wigo. Thêm vào đó, trọng lượng Toyota Wigo cũng chỉ 890kg nên phần nào khiến việc tăng tốc trên Wigo thanh thoát hơn. Có thể nói, để vận hành trong đô thị, đây mà một mẫu xe nhỏ đáp ứng cực tốt khi linh hoạt, tăng tốc vọt ga tốt, và đủ khỏe khoắn khi vận hành dù động cơ và thông số không có gì đáng chú ý.
Thế nhưng khi di chuyển trên đường trường với tốc độ cao và cần vượt xe thì hộp số tự động 4 cấp cùng động cơ 1.2L của Toyota Wigo bắt đầu bộc lộ hạn chế. Đây có lẽ là điều khó tránh với hầu hết các mẫu xe hatchback đô thị cỡ nhỏ.
Điều cần lưu ý khi sử dụng cần số trên Toyota Wigo chính là ở việc người lái xe dễ bị vào nhầm số nếu không quen bởi cần số trên Wigo được thiết kế rãnh dọc chứ không phải dạng rãnh zig-zag.
Hệ thống giảm sóc của Toyota Wigo khá cứng khiến mọi phản hồi từ mặt đường đến người ngồi trong xe bộc lộ rõ ràng. Cảm nhận này đặc biệt gây khó chịu khi đi qua những đoạn đường xấu, gồ ghề, nếu người lái xe không giảm tốc độ xuống một cách phù hợp thì chắc chắn những người ngồi trong xe sẽ xóc nảy nhiều.
Khả năng cách âm của Toyota Wigo cũng không quá xuất sắc. Có khá nhiều tiếng ồn từ bên ngoài vọng vào khoang lái – đặc biệt là từ dưới gầm xe vọng vào khi đi qua những đoạn đường xóc. Ngoài ra, khi dậm mạnh chân ga để tăng tốc thì tiếng động cơ cũng lọt vào khoang lái khá nhiều.
Về khả năng tiết kiệm nhiên liệu, vẫn thật khó để chê trách gì Toyota Wigo 1.2AT khi mà mẫu xe này chỉ tiêu thụ từ 7-7,5 lít/100km khi di chuyển trong đô thị (tuỳ thuộc vào tình trạng giao thông). Và con số này có thể sẽ còn thấp hơn đối với phiên bản 1.2MT. Đây chính là lợi thế cạnh tranh của Toyota Wigo khi so sánh với các đối thủ trong cùng phân khúc.
Kết luận:
Nếu so sánh với Hyundai Grand i10 và KIA Morning thì dường như Toyota Wigo có nhiều sự thua thiệt về mặt thiết kế, tính năng, tiện nghi nhưng bù lại Wigo lại có sự nổi bật hơn về cảm giác vận hành, không gian rộng rãi, khả năng tiết kiệm nhiên liệu, ít hỏng hóc cũng như đang sở hữu một lợi thế không thể chối cãi chính là giá trị từ thương hiệu Toyota vốn đã được nhiều khách hàng Việt Nam ưa chuộng.
Tuy nhiên, chỉ với hai phiên bản ít ỏi cùng giá bán tương ứng là 345 triệu VNĐ (1.2MT) và 405 triệu VNĐ (1.2AT) thì cuộc chiến trong phân khúc hatchback đô thị giá rẻ vẫn khó phân định thắng thua.