Các lỗi đè vạch thường gặp và mức phạt tương ứng dành cho người lái ô tô
13:33 - 07/03/2023
Trong các vi phạm giao thông mà người người điều khiển phương tiện 4 bánh có thể mắc phải khi di chuyển trên đường phố, có thể nói lỗi đè vạch là một trong những vi phạm để lại cho cánh tài xế nhiều xúc cảm “oan trái” và “tiếc nuối” nhất. Nguyên nhân là do ô tô có kích thước lớn, đồng thời có nhiều điểm mù trong tầm quan sát (ví dụ như khu vực mặt đường sát xe) chứ không rộng rãi, thoáng đáng như xe máy.
Do đó, việc người điều khiển phương tiện 4 bánh vô tình vướng phải lỗi đè vạch khi tham gia giao thông cũng không phải là điều hiếm lạ. Cũng may rằng, mức xử phạt hành chính đối với lỗi đè vạch ô tô cũng tương đối nhẹ nhàng. Dẫu vậy, chúng ta vẫn cần phải lưu ý bởi góp gió ắt thành bão, tích tiểu sẽ thành đại. Không ai muốn nỗi đau kéo dài, đặc biệt trong trường hợp vi phạm đè vạch bị camera phạt nguội ghi lại, cộng dồn các mức xử phạt hành chính lại với nhau sẽ thành một khoản không nhỏ người sử dụng ô tô cần phải giải quyết trước kỳ đăng kiểm mới.
Vậy thế nào là lỗi đè vạch? Có những vạch chỉ dẫn nào người điều khiển ô tô cần lưu ý? Mức xử phạt ra sao? Chúng ta sẽ tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Thế nào là lỗi đè vạch?
Theo Luật giao thông đường bộ 2008, người điều khiển ô tô phải đi đúng làn đường và phần đường theo quy định và đồng thời phải chấp hành các tín hiệu cũng như chỉ dẫn của hệ thống giao thông đường bộ trong đó có vạch kẻ đường. Mỗi một trường hợp chỉ dẫn hướng đi hay vị trí dừng lại, hoặc phân chia làn đường thì vạch kẻ đường sẽ được ký hiệu khác nhau.
Do đó, lỗi đè vạch được tính khi người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có bánh xe lấn lên những vạch chỉ định không được phép cắt qua này.
Các loại vạch kẻ đường cần lưu ý và lỗi đè vạch thường gặp
Vạch 1.1:
Vạch 1.1 có dạng vạch đơn, đứt nét dùng để phân chia 2 chiều xe chạy ngược chiều. Trong trường hợp này, phương tiện được phép cắt qua để sử dụng làn ngược chiều từ cả 2 phía.
Vạch 1.2:
Vạch kẻ đường này cũng được sử dụng để phân chia 2 chiều xe chạy ngược chiều, thường xuất hiện ở những đoạn đường không bảo đảm tầm nhìn vượt xe, có nguy cơ tai nạn giao thông lớn, hoặc các đường có 2 – 3 làn xe cơ giới và không có dải phân cách chính giữa. Dạng vạch này là vạch đơn nhưng có nét liền, do đó người điều khiển phương tiện không được lấn làn và trong trường hợp bánh xe đè lên, tài xế ô tô có thể bị tính là vi phạm lỗi đè vạch liền đường 2 chiều.
Vạch 1.3:
Đây là vạch đôi, nét liền dùng để phân chia 2 chiều xe chạy ngược chiều có từ 4 làn xe cơ giới trở lên, không có dải phân cách nằm giữa và không đảm bảo tầm nhìn vượt xe. Do đó người điều khiển phương tiện không được lấn làn cũng như đè vạch.
Vạch 1.4:
Đây cũng là vạch phân chia 2 chiều xe chạy, có kết cấu vạch đôi nhưng là 1 vạch liền đi kèm với một vạch nét đứt. Khi gặp vạch kẻ đường này, phương tiện lưu thông trên làn đường tiếp giáp với vạch nét đứt được phép cắt qua và sử dụng làn ngược chiều khi cần thiết nhưng ngược lại, xe phía bên làn đường tiếp giáp với vạch liền sẽ không được lấn qua hoặc đè vạch.
Vạch 7.1:
Dạng vạch liền nằm ngang đường này dùng để xác định vị trí dừng xe để chờ tín hiệu cho phép tiếp tục lưu thông. Người điều khiển phương tiện cần chú ý không được đè vạch khi chưa có tín hiệu di chuyển tại các nút giao thông, khu vực đường sắt,… Ví dụ như trong thành phố, vi phạm phổ biến nhất người tham gia giao thông thường gặp phải chính là lỗi đè vạch đèn đỏ.
Vạch số 1.16
Được biết đến là vạch xương cá hay vạch ngựa vằn, loại vạch kẻ đường này dùng để xác định đảo phân chia hay đảo nhập dòng phương tiện. Có 3 loại vạch xương cá như sau:
- Dạng vạch 1.16.1: là vạch ở trong chạy cắt chéo tạo thành những hình tam giác, quy định đảo phân chia dòng phương tiện ngược chiều nhau.
- Dạng vạch 1.16.2: có các vạch bên trong gãy khúc tạo thành các góc nhọn xuôi về phía góc nhọn của phần viền ngoài, sử dụng để xác định đảo phân chia dòng phương tiện ngược chiều nhau.
- Dạng vạch 1.16.3: có các vạch bên trong gãy khúc tạo thành các góc nhọn ngược với hướng góc nhọn của phần viền ngoài, sử dụng để xác định đảo nhập dòng phương tiện.
Tuy nhiên, dù là dạng vạch nào thì người điều khiển phương tiện cũng không được lấn vào nếu không sẽ bị tính là lỗi đè vạch xương cá. Nguyên nhân là do phần ngoài của dạng vạch này vẫn là nét liền.
Lỗi đè vạch phạt bao nhiêu?
Tại điểm a, khoản 1, Điều 5, Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi và bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ ghi rõ: phạt tiền từ 300.000 đến 400.000 đồng đối với người điều khiển ô tô không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường.
Ngoài ra, nếu đè vạch và đi sang làn đường trái quy định, người điều khiển phương tiện sẽ bị phạt từ 4.000.000 đến 6.000.000 đồng, tước GPLX từ 1 - 3 tháng.