Phương pháp làm chủ xe côn tay cho người mới: Khó mà dễ
08:02 - 03/01/2020
- Phục vụ “dân chơi” khu vực miền Bắc, Hà Nội chính thức có showroom phân khối lớn Honda đầu tiên19/03/2020
- Vì sao tốc độ tối đa của những chiếc xe 2 bánh được giới hạn ở 299 km/h?10/10/2018
- Khám phá bộ đôi xe cứu hoả của lực lượng phòng cháy chữa cháy Hà Nội22/09/2018
Xe côn tay từ vài năm trở lại đây đã không còn là một thứ gì đó quá xa lạ với người dân Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ. Những mẫu xe côn tay từ phổ thông cho đến phân khối lớn đều đã rất thịnh hành, dễ mua bán trên thị trường khi hàng loạt các hãng xe lớn như Honda, Yamaha hay KTM, Ducati... đều đã chính thức phân phối các sản phẩm của mình. Dù vậy, vẫn có nhiều người chưa biết và chưa hiểu cách sử dụng một chiếc xe côn tay như thế nào cho đúng.
Điều khiển xe côn tay "khó mà dễ" (Video clip trải nghiệm Ducati Scrambler)
Vậy làm thế nào để điều khiển và làm chủ được chiếc xe côn tay? Những chiếc xe này có gì khác biệt với các loại xe máy thông thường? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu ngay trong bài viêt dưới đây.
Sự khác biệt giữa xe máy thông thường và xe tay côn là gì?
Đầu tiên, chúng ta sẽ đi tìm hiểu bản chất của những chiếc xe côn tay và so sánh sự khác biệt của chúng so với những mẫu xe máy thông thường.
Xe côn tay là gì? Đây là những mẫu xe máy sử dụng động cơ và hệ truyền động giống như những chiếc xe máy thông thường nhưng không sở hữu bộ côn tự động. Mọi thao tác điều khiển côn số sẽ được cá nhân hóa khi nó hoàn toàn phụ thuộc vào người điều khiển chiếc xe.
Bộ côn trên xe Ducati
Bộ côn của một chiếc xe máy là một trong những bước cuối của sự truyền động sau khi nhận động năng truyền ra từ hoạt động của cỗ máy. Kết cấu của một bộ côn xe máy bao gồm các lá côn, bát côn và bộ lò xo đẩy giúp chúng ta có thể điều khiển khả năng hoạt động của chiếc xe sau những cú bóp nhả côn. Với những chiếc xe máy phổ thông và xe tay ga hiện tại, bộ côn của những mẫu xe này đã được thiết kế khác biệt và tạo ra những bộ côn tự động giúp người điều khiển chỉ phải tăng ga và di chuyển. Thế nhưng, với những mẫu xe côn tay, chúng ta sẽ phải điều khiển bộ côn, số của chiếc xe để điều khiển nó theo ý muốn.
Điều khiển xe côn tay là nghệ thuật, người điều khiển xe là "nghệ sĩ"
Ưu điểm của những mẫu xe côn tay khi chúng ta đã thành thục điều khiển giúp chiếc xe tăng khả năng tiết kiệm nhiên liệu, sở hữu mức đề pa mạnh hơn côn tự động và giúp con người hoàn toàn làm chủ được chiếc xe máy trong từng nước tăng ga, ra côn.
Phương pháp điều khiển xe côn tay
Với những chiếc xe côn tay, việc điều khiển chúng là không hề khó khăn khi chúng ta có sự luyện tập cũng như chấp nhận hy sinh từ một vài lá côn hoặc nguyên một bộ côn của xe. Để điều khiển và chạy được xe côn tay, chúng ta cần nắm rõ 2 nguyên tắc cơ bản dưới đây.
Nguyên tắc 1: Cắt nhanh, nhả chậm
Nguyên tắc của những bộ côn trên chiếc xe côn tay là gì? Đầu tiên chúng ta cần nắm được tay côn là bộ phận được thiết kế giống với tay phanh được đặt ở phía bên trái của tay lái trên chiếc xe so với người lái. Bộ phận này sẽ được trang bị ở dạng truyền động dây hoặc thủy lực với côn dầu. Nguyên tắc làm việc của tay côn khi chiếc xe hoạt động là khi bóp tay côn, bộ côn sẽ được kéo giãn ra và các lá côn không ma sát, dẫn đến việc không có lực truyền động từ cỗ máy đến chiếc xe. Ngược lại, khi nhả hay buông côn, các lá côn sẽ được ép sát vào nhau và tạo ra ma sát, dẫn lực từ cỗ máy đến bộ truyền động của chiếc xe khiến chiếc xe di chuyển.
Tay côn được đặt bên trái của tay lái so với người điều khiển
Khi thực hiện việc bóp côn để sang số, bạn nên thực hiện thao tác nhanh và dứt khoát nhưng khi nhả côn thì cần phải từ từ để có thể cảm nhận điểm bám của côn, tức là điểm nhả mà chiếc xe sẽ di chuyển. Việc này giúp xe không bị giật cục dẫn đến chết máy hay bị bốc đầu. “Côn ra ga vào” cũng là một cách diễn đạt để điều khiển được xe côn tay khi tay nhả côn chậm thì đồng thời phải tăng ga từ từ ở tay phải.
Nguyên tắc 2: Vận tốc tỷ lệ thuận với số
Ở xe côn tay, việc sang số sẽ khá khác biệt so với những mẫu xe máy phổ thông như Honda Wave. Bộ số của những mẫu xe côn tay thường được sử dụng là bộ số vuông và không có khả năng về N từ số cao nhất mà phải tăng giảm theo thứ tự 1 - N - 2 - 3 - 4 - 5 (có thể lên tới số 6 với một số mẫu xe phân khối lớn). Với hộp số này, cách tăng số và giảm số cũng khác hẳn so với hộp số tròn thông thường trên xe phổ thông. Muốn tăng số bạn sẽ phải móc hoặc gảy cần số lên và muốn giảm số, người lái sẽ phải dậm vào chân số (đạp xuống). Đặc biệt hơn, nếu muốn về mo từ số 1 hoặc 2, người lái sẽ phải lần lượt gảy nhẹ cần số lên hoặc đạp nhẹ xuống với một nửa lực so với thông thường.
Hộp số trên xe côn tay thường là số vuông
Với bộ số này, khi di chuyển với xe côn tay chúng ta sẽ phải tăng giảm số liên tục để động cơ hoạt động phù hợp với vận tốc. Cơ bản sẽ theo tùy phân khối, tùy số vòng tua của mẫu xe mà bạn trải nghiệm. Dưới đây là bảng vận tốc phù hợp cho xe côn tay cỡ nhỏ 150 phân khối như Honda Winner hay Yamaha Exciter.
- 0 – 10 km/h đi số 1
- 10 – 30 km/h đi số 2
- 30 – 50 km/h đi số 3
- 50 – 80 km/h đi số 4
- Trên 80 km/h đi số 5 hoặc số 6
Một số kinh nghiệm khi điều khiển xe tay côn
- Khi mới tập điều khiển xe côn tay, tốt nhất chúng ta nên làm quen với những mẫu xe côn tay cỡ nhỏ, có trọng lượng nhẹ để dễ dàng điều khiển và cũng để bảo vệ túi tiền của chúng ta khi phải thay bộ côn trong thời gian chạy thử và tập lái xe côn tay. Những sự lựa chọn tốt để thực hiện tập lái với xe côn tay như Honda Winner X hay Yamaha Exciter 150.
Nên tập xe côn tay với những mẫu xe nhỏ và nhẹ
- Khi di chuyển trong những con đường đông đúc, những người mới chơi, mới tập lái xe côn tay sẽ rất dễ dẫn đến hiện tượng mất kiểm soát và chết máy chiếc xe. Vì thế, khi di chuyển ở những đoạn đường đông đúc này, chúng ta nên luôn đặt tay lên côn và thực hiện việc bóp nhả nhuần nhuyễn, kết hợp với đó là xử lý mức ga vừa phải để tránh va chạm với người khác.
- Trong quá trình điều khiển xe côn tay, bạn hãy đảm bảo nguyên tắc 2 ở trên bởi nếu xe chưa đạt đủ tốc độ mà bạn đã lên số cao sẽ khiến chiếc xe bị ì, không đủ sức để kéo vọt chiếc xe đi và sẽ không tăng tốc được như mong muốn. Nếu có cảm giác xe bị ì, yếu sau khi tăng ga và buông côn chứng tỏ chiếc xe đang không ở đúng số, khi này chúng ta cần bóp côn, giảm số và sau đó tăng ga, buông côn lại để đảm bảo lực kéo cho chiếc xe, tránh gây hư hại cho các chi tiết máy.
Đảm bảo nguyên tắc côn ra, ga vào để chiếc xe hoạt động đúng mực
Như vậy, để làm chủ và điều khiển được một chiếc xe côn tay không phải là quá đơn giản nhưng cũng không hề khó khi chúng ta sở hữu một chiếc xe côn tay vừa phải để có thời gian luyện tập với nó. "Khó mà dễ" sẽ là cụm từ để miêu tả cách chạy và điều khiển một chiếc xe côn tay. Cũng chính vì thế, khi đã chinh phục được những chiếc xe côn tay và "lên đời" dần dần, chúng ta sẽ cảm thấy rất phấn khích và cảm nhận được rất nhiều sự khác biệt giữa những mẫu xe khác nhau. Chúc các bạn có những trải nghiệm vui vẻ!
Kuro