Làm thế nào để "giữ mạng" khi sử dụng xe máy di chuyển trên đường đèo dốc?
Kuro 07:03 - 19/09/2018
Xe máy là loại hình phương tiện mang lại cho người sử dụng sự tự do, phóng khoáng và tiện lợi hơn cả bởi sự nhỏ gọn và thoáng đãng của nó. Cũng chính vì thế mà ngày nay, những người yêu tự do, thích trải nghiệm cảm giác du lịch bụi hay còn gọi là "dân phượt" lựa chọn cho mình phương tiện là những chiếc xe máy. Thế nhưng, việc lựa chọn loại phương tiện này để trải nghiệm các cung đường cũng không hề đơn giản với những người chưa có kinh nghiệm. Những cung đường đèo núi tại nước ta là một thử thách cho rất nhiều tay lái từ cũ cho đến mới bởi nó đòi hỏi kinh nghiệm, khả năng và cả việc lựa chọn xe.
Đổ đèo và vào cua là một trong những kĩ năng cần rèn luyện.
Mới đây, một vụ tai nạn thương tâm xảy ra trên đèo núi ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc khi một cặp đôi điều khiển xe gắn máy và gặp tai nạn trong lúc đổ đèo làm thiệt mạng nam thanh niên cầm lái còn bạn nữ phía sau bị thương nặng. Nguyên nhân ban đầu được biết do xe bị mất phanh nên đã xảy ra sự việc đáng tiếc trên.
Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ chia sẻ một chút kinh nghiệm của mình trong việc đổ đèo bằng xe máy để có thể giúp các bạn đảm bảo an toàn và có những trải nghiệm "đẹp" hơn trên các cung đường.
1. Chuẩn bị xe
Khi lựa chọn việc di chuyển những chuyến đi dài bằng xe máy, việc chuẩn bị xe cộ rất quan trọng và nó ảnh hưởng trực tiếp đến bạn cũng như trải nghiệm trên các cung đường. Xe máy cũng là những "chiến mã" giúp chúng ta có thể đặt chân tới những nơi khác lạ và vì vậy, nó cũng cần được chăm sóc "sức khỏe" một cách toàn diện trước khi đi "phá sức".
Đầu tiên, các bạn phải chọn cho mình một chiếc xe phù hợp cho từng chuyến hành trình cùng đặc trưng của nó. Ví dụ như cần đi đường xa, đường quốc lộ với những đoạn đường đẹp và thẳng thì những chiếc xe có chỗ ngồi và cảm giác lái êm ái là phù hợp nhất; với những con đường đa địa hình, vùng núi cao thì những chiếc xe có cỗ máy đủ mạnh, cao ráo là lựa chọn tuyệt vời... Như vậy, với những cung đường đèo núi hãy lựa chọn cho mình một chiếc xe số hoặc xe côn tay đủ mạnh với cảm giác lái thật thoải mái để trải nghiệm.
Kiểm tra lốp xe
Kiểm tra lốp xe trước khi đi.
Lốp của xe là bộ phận quyết định khá quan trọng trong việc "ôm cua" của những chiếc xe máy bởi nó sẽ giúp chiếc xe bám đường hơn, giảm thiểu khả năng bị trượt của xe khi nghiêng. Vì thế, đây sẽ là bộ phận cần kiểm tra trước tiên trên chiếc xe. Nếu lốp có dấu hiệu mòn, nứt thì nên thay mới; nếu lốp quá non hoặc quá căng hãy đưa về đúng lượng hơi được khuyến cáo trên vành lốp.
Kiểm tra phanh xe
Kiểm tra phanh xe trước khi đổ đèo là rất quan trọng.
Phanh xe vẫn luôn quan trọng trong mọi trường hợp và nhất là việc đổ đèo. Khi đổ đèo ngoài lực hãm của máy thì bộ phanh vẫn là thứ chịu nhiều tác động của người lái nhất. Chính vì thế khi đổ đèo, nếu bạn sở hữu một bộ phanh còn tốt là một phương tiện để đảm bảo an toàn cho chính mình. Hãy thay má phanh hoặc đĩa phanh mới nếu đã quá mòn, bổ sung dầu phanh nếu đã vơi hoặc quá cũ.
Kiểm tra đèn còi
Đèn còi là các trang bị không thể thiếu khi lên xuống đèo dốc.
Trong các khúc cua, việc báo hiệu cho các xe ở sau khúc cua đang lao tới về sự có mặt của mình tại các góc khuất là cực kì quan trọng. Khi tài xế phía đối diện biết được sự có mặt của bạn, họ sẽ cẩn thận hơn trong việc vào cua và tránh lấn làn gây nguy hiểm. Như thế, đèn còi xi nhan trên xe cũng rất quan trọng khi di chuyển trên đường đèo dốc và nhất là vào ban đêm.
2. Đi xe máy leo đèo dốc
Việc đi xe máy leo đèo và lên dốc tưởng chừng như đơn giản những nó lại đòi hỏi khá nhiều kinh nghiệm và kĩ thuật điều ga của người lái. Khi lên dốc, sức mạnh từ cỗ máy của chiếc xe máy sẽ được đưa đến giới hạn của mình để biết rõ nhất xe khỏe hay yếu.
Leo đèo dốc cần có chiếc xe đủ mạnh để đảm bảo khả năng leo dốc.
Tùy vào độ dốc và khúc cua gặp phải mà sự điều tốc của người cầm lái sẽ thay đổi theo. Khi gặp dốc không quá cao, người lái có thể tăng tốc vừa phải để tạo đà vượt lên và với những con dốc cao, cần dồn số thấp và kéo ga sao cho khoảng tua máy cho khả năng sinh công tối ưu và đủ để đưa xe lên dốc không quá nhanh, không quá chậm.
Để nhận biết điều này, hãy lắng nghe chiếc xe của mình cũng như cảm nhận độ rung của xe để biết được nó "đói" hay quá no. Khi leo dốc mà xe trở nên ì ạch, cục máy gào lên là lúc bạn phải xuống số đối với các loại xe số bởi khi này, dải số bạn đang sử dụng sẽ không phục vụ và đáp ứng được việc leo dốc của xe. Hãy cố gắng hiểu chiếc xe và sang số trước khí xe bị chết máy vì quá tải.
3. Đi xe máy đổ đèo, dốc
Khi đổ đèo bằng bất kì loại phương tiện nào thì quán tính là thứ khá đáng sợ với nhiều người, nó cho chúng ta cảm giác bất an và sự luống cuống khi cần xử lý. Vì thế, thứ đầu tiên mà các biker cần có khi đổ đèo dốc bằng xe máy là sự tỉnh táo của người lái. Khi có được sự tỉnh táo, bạn sẽ làm chủ được chiếc xe khi chịu quán tính lớn và hoàn toàn có khả năng xử lý những góc cua hay các tình huống bất ngờ.
Các cung đường đèo dốc tại Việt Nam có độ dốc lớn và các khúc cua hiểm
Tiếp đó, hãy sử dụng tối đa lực hãm của máy bằng hơi nén động cơ để giảm tải tối đa tần suất hoạt động của phanh. Những bộ phanh trước và sau của những chiếc xe không được thiết kế để hoạt động trong điều kiện nhiệt độ quá cao. Khi chúng ta đổ đèo và thường xuyên rà, bóp phanh, sự ma sát giữa má phanh và đĩa phanh sẽ sinh nhiệt rất lớn và đến một nhiệt độ nhất định, phanh sẽ không còn tác dụng.
Khi đổ đèo cần lưu ý độ nghiêng của xe, không bóp chết phanh trước
Tùy vào độ dốc mà bạn gặp phải, hãy về số thấp nhất khi gặp dốc quá cao và cao dần theo độ dốc. Điều này tùy thuộc vào khả năng của bạn trong việc đổ dốc và vào cua ở tốc độ như thế nào. Hãy chọn cho mình một giải tốc mà chúng ta cảm thấy tự tin nhất về khả năng cầm lái. Không nên giảm hoặc tăng số đột ngột khi đang ở giữa dốc vì việc này sẽ gây ra sự trượt hoặc trôi xe.
4. Một số kinh nghiệm
- Không sử dụng xe ga khi đi đường đèo dốc có độ dốc lớn. Khi bắt buộc phải sử dụng xe ga, để hãm xe bằng số hãy mớm một chút ga khi xe đã ở khoảng 20km/h. Khi cảm nhận được búa côn xe ga đã bám, hãy nhả ga và khi này, chiếc xe ga của bạn sẽ được hãm bằng số khi động cơ gằn lại.
- Khi leo dốc, giữ vị trí ngồi cân bằng hoặc hơi chồm về phía trước để cân bằng trọng tâm xe, tránh bị trượt.
- Khi đổ dốc, giữ vị trí ngồi hơi đưa về phía sau để cân bằng trọng tâm xe, tránh bị trượt.
- Luôn đổ đầy xăng xe trước khi vào đường đèo dốc.
- Tuyệt đối không lấn làn khi lên, xuống dốc hoặc vào cua.
- Không di chuyển quá sát với mép đường.
- Hãy phanh nhấp nhả, không giữ phanh quá lâu trên đường đèo dốc, nếu thấy phanh yếu đi hãy dừng lại ngay để kiểm tra.
- Chọn những chiếc xe bạn nắm rõ và có nhiều kinh nghiệm điều khiển, tin tay nhất.
- Có khả năng đạp chết phanh sau, không bóp chết phanh trước.
- Tuyệt đối không "tắt máy thả trôi" trên đường đèo dốc.
- Tập trung đổ đèo, chỉ ngắm cảnh khi dừng hẳn.
Sau những cung đường đèo là khung cảnh tuyệt đẹp.
Hãy chuẩn bị cho mình những gì tốt nhất trước khi tham gia những chuyến đi dài bằng xe máy để có được một trải nghiệm tuyệt vời trên những cung đường.
Bài viết mới nhất
-
Kia Sportage 2025 ra mắt thị trường quốc tế với động cơ mạnh hơn, chờ ngày bán ở Việt Nam
Hôm qua lúc 00:46
-
Mazda BT-50 2025 được chốt lịch ra mắt Đông Nam Á trong tháng này, liệu có quay trở lại Việt Nam?
Hôm qua lúc 23:53
-
Trước thông tin mấy năm nay hay bán xe, Minh "Nhựa" đáp trả khéo léo nhưng nếu có ảnh McLaren Elva thì còn gì bằng
Hôm qua lúc 19:22