Tránh bị mất tiền oan khi mua xe ô tô dịp cận Tết 2018
16:48 - 25/01/2018
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng và Bộ Công Thương nhận định việc thuế xe ô tô nhập khẩu từ ASEAN về 0% cùng tâm lý mua xe ô tô chơi Tết sẽ càng làm cho thị trường ô tô những ngày cận Tết trở nên sôi động hơn.
Tuy vậy, thời điểm này cũng hết sức nhạy cảm khi Nghị định 116 đang khiến cho các hãng xe Nhật tạm ngừng nhập khẩu xe vào Việt Nam, một số mẫu xe thì hết hàng hoặc khan hàng. Khả năng khách hàng mua xe ô tô với giá cao hay mua phải hàng tồn kho là hoàn toàn có thể xảy ra. Một vấn đề khác liên quan đến quá trình đặt cọc mua xe cũng là điều cần lưu ý. Do đó, Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã đưa ra một số khuyến cáo cho khách hàng khi mua xe ô tô dịp cận Tết.
Đặt cọc khi mua xe ô tô
Khi mua xe ô tô, đại lý bán thường yêu cầu khách hàng đặt cọc một khoản tiền để xác nhận sẽ mua xe trong trường hợp xe không có sẵn tại đại lý.
Theo quy định tại điều 328 của Bộ luật Dân sự năm 2015, khoản đặt cọc là để đảm bảo giao kết hoặc thực hiện hợp đồng. Quy định cũng nêu rõ: “Nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.
Thực tế, có không ít trường hợp đại lý chỉ trả lại số tiền đặt cọc cho khách hàng để giải quyết việc không có xe giao theo hợp đồng đã ký trước đó. Nếu không có thỏa thuận nào khác ngoài hợp đồng đặt cọc, đại lý bắt buộc phải trả lại số tiền đặt cọc cộng thêm một khoản tiền tương đương với số tiền mà khách hàng đã đặt cọc.
Ví dụ như người tiêu dùng đặt cọc 100 triệu đồng để mua xe ô tô. Khi đại lý không thực hiện đúng giao dịch và thời hạn giao xe, khách hàng có quyền yêu cầu đại lý phải trả khoản tiền tương ứng 200 triệu đồng.
Vì vậy, để tránh bị thiệt, khách hàng cần đọc kỹ các quy định trong biên bản thỏa thuận đặt cọc giữa hai bên. Đồng thời hợp đồng mua bán phải rõ ràng, cụ thể, tránh rắc rối sau này.
Giá xe thay đổi khi bàn giao
Một trường hợp khác được người dùng phản ánh trong thời gian gần đây là tình trạng mua xe với giá cao hơn so với giá quy định trong hợp đồng khi đặt cọc.
Khi gặp những tình huống này, đại lý thường hướng dẫn khách hàng viết đơn tự nguyện viết đơn tự nguyện rút tiền đặt cọc hoặc chấp nhận mua xe với giá cao hơn giá được quy định trong hợp đồng. Song, những cách làm này đều làm cho người tiêu dùng bị xâm hại quyền lợi chính đáng.
Theo đó, Điều 16 Luật Bảo vệ người tiêu dùng có quy định doanh nghiệp không được phép quy định trong các hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung khi giao kết với người tiêu dùng các điều khoản có nội dung: Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quy định hoặc thay đổi giá tại thời điểm giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
Khi ký hợp đồng đặt cọc mua xe, người tiêu dùng cần yêu cầu đại lý loại bỏ điều khoản cho phép thay đổi giá tại thời điểm giao xe nếu phát hiện có xuất hiện trong hợp đồng.
Bên cạnh 2 trường hợp trên, khách hàng cũng phản ánh về việc đại lý giao xe ô tô thiếu linh kiện, phụ kiện đi kèm như lốp xe dự phòng, hộp dụng cụ, sách hướng dẫn sử dụng,… Đối với trường hợp này, người tiêu dùng cần phải kiểm tra kỹ các linh phụ kiện kèm theo xe đã được công bố công khai trên các trang web chính thức của hãng xe.
Bài viết mới nhất
-
Chê Mazda CX-5 bồng bềnh, người dùng chọn Toyota Corolla Cross bản xăng và phải lòng vì những giá trị thiết thực
14 giờ trước
-
Doanh số xe hạng A tháng 10/2024: Hyundai Grand i10 cho các đối thủ "ngửi khói"
Hôm qua lúc 00:13
-
Chi tiết Genesis Electrified GV70 2026: SUV điện có màn hình 27 inch, cửa xe có họa tiết ngôi sao và NACS
Hôm qua lúc 19:55