menu

Tìm hiểu cấu tạo gầm ô tô và cách bảo dưỡng gầm xe

07:50 - 16/09/2022

Gầm ô tô là bộ phận quan trọng trên chiếc xe, chính vì vậy chủ xe nên tìm hiểu về cấu tạo cũng như cách chăm sóc, bảo dưỡng bộ phận này để đảm bảo xế cưng hoạt động hiệu quả nhất.

Cùng với khung xe, gầm xe là bộ phận giữ vai trò quan trọng trên ô tô. 2 bộ phận này được coi là nền tảng, ví như xương sống nâng đỡ, kết nối các chi tiết lại với nhau để tạo thành kết cấu tổng thể của ô tô và ảnh hưởng đến khả năng vận hành của chiếc xe.

Cấu tạo gầm ô tô

Thường thì gầm xe và khung xe liên kết với nhau theo 2 kiểu cấu trúc phổ biến là sát-xi rời (body-on-frame) và khung liền khối (unibody). Trong đó, khung liền khối hiện nay được sử dụng phổ biến trên các dòng xe con, sedan còn kiểu sát-xi rời thường được thiết kế cho các dòng xe SUV, xe tải và bán tải.

Về kết cấu, gầm ô tô được tạo thành bởi 3 bộ phận chính sau đây:

  • Trục các-đăng: Đây là trục ống nối 2 bộ vi sai và có vai trò truyền lực từ động cơ đến bánh xe để xe có thể di chuyển. Tốc độ quay của trục các-đăng sẽ quyết định vận tốc xe chạy.
  • Vi sai: Bộ vi sai gồm nhiều bánh răng liên kết với nhau, hỗ trợ quá trình truyền lực từ động cơ vào trục các-đăng và bánh xe. Bánh răng trong cụm vi sai có nhiều loại, trong đó chủ yếu là bánh răng hình đĩa, bánh răng mặt trời và bánh răng hành trình.
  • Bánh xe: Cấu tạo bánh xe gồm lốp bọc ngoài, ruột bên trong, vành xe, hệ thống phanh, trục bánh xe.
Gầm ô tô là bộ phận quan trọng trên xe

Gầm ô tô là bộ phận quan trọng trên xe.

Một số loại gầm ô tô phổ biến

Gầm ô tô hình thang

Kiểu gầm ô tô hình thang ra đời từ thập niên 60 và được ứng dụng phổ biến trên rất nhiều dòng xe. Loại gầm ô tô này có hình dáng giống như chiếc thang với 2 thanh dọc được nối với nhau bởi thanh giằng chéo. Trong đó, các thanh dọc sẽ chịu lực tải trọng của xe và các lực tác động khi xe tăng tốc/phanh, còn thanh giằng chéo ngang có tác dụng chịu lực 2 bên đồng thời tăng độ cứng xoắn.

Với cấu trúc 2 chiều khá đơn giản, kiểu gầm ô tô hình thang dễ lắp đặt và có giá thành thấp nhưng độ cứng xoắn lại không được đánh giá cao. Điều này dễ nhận thấy khi xe tải trọng lớn dễ bị xóc nếu di chuyển trên địa hình gồ ghề.

Gầm ô tô hình thang

Gầm ô tô hình thang

Gầm ô tô liền khối

Loại gầm ô tô liền khối có ưu điểm của là độ bền cao, chịu lực tốt, không tốn không gian và có giá thành hợp lý. Tuy nhiên, hạn chế của cấu tạo gầm ô tô này là trọng lượng cao. Để khắc phục nhược điểm trên, các hãng sản xuất sau này đã cải tiến loại khung gầm liền khối dạng ULSAB với độ rắn chắc cao, giảm thiểu trọng lượng. Theo đánh giá của các chuyên gia tư vấn kỹ thuật xe, loại gầm ô tô này vẫn chưa "đủ đô" để trang bị cho các dòng xe thể thao hiệu năng cao.

Gầm ô tô liền khối

Gầm ô tô liền khối

Gầm ô tô hình ống rỗng

So với 2 loại gầm trên thì gầm ô tô hình ống rỗng rắn chắc và có khả năng chịu lực tốt hơn. Tuy nhiên, loại gầm này lại có cấu tạo phức tạp, giá thành cao và chi phí lắp đặt đắt đỏ. Chưa kể đến loại gầm này tốn nhiều diện tích và khiến cho việc ra vào xe khá bất tiện.

Gầm ô tô hình ống rỗng

Gầm ô tô hình ống rỗng

Gầm ô tô hình xương sống

Đây là loại gầm ô tô phù hợp cho các dòng xe thể thao nhỏ và cũng giống như gầm liền khối, nó không thích hợp với các dòng xe yêu cầu hiệu suất vận hành cao. So với các loại gầm ô tô vừa kể thì khả năng chịu lực khi va chạm của kiểu gầm hình xương sống không tốt. Vì thế, nó cần phải được hỗ trợ bởi các trang bị, công nghệ khác, kéo theo việc tăng chi phí sản xuất.

Gầm ô tô hình xương sống

Gầm ô tô hình xương sống

Cách bảo dưỡng gầm xe ô tô

Nói về vai trò của gầm xe ô tô, cánh "tài già" nhiều kinh nghiệm thường chia sẻ cho hay, một chiếc xe có khung gầm tốt quan trọng hơn nhiều "option". Thực tế, ngoài lớp sơn xe, gầm ô tô là bộ phận chịu nhiều tác động từ môi trường bên ngoài.

Gầm xe thường xuyên phải tiếp xúc với bụi bẩn, sỏi đá, đất cát trên đường nên sẽ bị bẩn, trầy xước, ăn mòn hoặc biến dạng. Chưa kể đến với điều kiện thời tiết và cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế ở Việt Nam hiện nay, việc xe thường phải lội nước hay di chuyển qua đường lầy sẽ khiến gầm xe bị tổn hại. Nếu gầm ô tô bị xuống cấp sẽ kéo theo chất lượng hoạt động của các bộ phận như động cơ hay phanh xe, lốp xe bị giảm sút. 

Chăm sóc và bảo dưỡng gầm ô tô thường xuyên để tránh tình trạng gỉ sét, hao mòn, hỏng hóc

Chăm sóc và bảo dưỡng gầm ô tô thường xuyên để tránh tình trạng gỉ sét, hao mòn, hỏng hóc.

Chính vì vậy, trong quá trình sử dụng, các chủ xe được khuyên rằng cần thường xuyên kiểm tra và chăm sóc, bảo dưỡng gầm ô tô thật cẩn thận. Đặc biệt, sau khi đi mưa hoặc di chuyển qua đoạn đường ngập úng, lầy lội, chủ xe nên vệ sinh gầm xe sạch sẽ để tránh tình trạng bị hao mòn, gỉ sét. Nếu thấy gầm xe có hiện tượng bị rò rỉ nước hay phát ra âm thanh lạ thì nên đưa xe đến các gara sửa chữa ngay bởi nhiều khả năng động cơ và hệ thống phanh đang gặp vấn đề.

Hiện nay, nhằm bảo vệ gầm ô tô, một số garage cung cấp dịch vụ phủ gầm xe với tác dụng chống tình trạng gỉ sét, cách nhiệt và chống ồn... Tuy nhiên, trước khi quyết định phủ gầm cho xế cưng, chủ xe nên tìm hiểu kỹ thông tin và chọn lựa phương pháp phủ gầm thích hợp cũng như chọn cơ sở uy tín để tránh tình trạng mất tiền oan.

Đánh giá: