Làm thế nào để ô tô lội nước đúng cách?
Lâm-chan 15:36 - 05/06/2024
- 5 dấu hiệu để "bắt bệnh" khi ô tô yếu dần lái xe cần lưu ý17/09/2024
- Xe cũ giá siêu rẻ: Nên mua hay không?05/04/2024
- Chống bám nước cho kính xe hơi giá rẻ - thực hư tác dụng?15/02/2024
Trước tình trạng mưa lớn dài ngày, đường phố dễ bị ngập lụt thì việc giúp ô tô tránh bão, lội nước an toàn sẽ giống như một kỹ năng “sinh tồn” bắt buộc giúp lái xe mùa mưa bão giảm thiểu tối đa thiệt hại.
Một chiếc ô tô bị ngập nước chết máy lớn hơn xe máy rất nhiều, bởi không chỉ gây hư hại nặng nề đến động cơ và chi tiết bên trong mà ngay cả công tác cứu hộ cũng khá rườm rà, tốn thời gian. Vậy làm thế nào để vượt biển nước mùa mưa đúng cách? Bài viết này sẽ chỉ ra những điểm cần lưu ý để giúp ô tô của bạn “sống sót” an toàn qua những ngày mưa bão, ngập lụt.
Điều cần làm khi gặp mưa bão
Lái xe ngày mưa bão, tầm nhìn bị hạn chế và dễ xuất hiện những tình huống bất ngờ khiến lái xe khó kiểm soát. Do đó, để đảm bảo an toàn "đi đến nơi về đến chốn", bạn cần lưu ý những điểm sau.
"Quay đầu là bờ"
Nhiều tài xế cố chấp vẫn muốn vượt qua đoạn đường ngập nước chỉ vì muốn tiết kiệm thời gian quay xe, rút ngắn quãng đường,... Trong trường hợp vũng nước quá sâu, các phương tiện khác không dám tiến vào thì tuyệt đối không được chủ quan, tự tin thái quá vào khả năng "bơi lội" của xe ô tô nhà mình.
Nếu nhìn thấy hiện tượng người đi xe máy xếp hết xe lên vỉa hè và đứng chờ nước cạn, bạn không nên tiến vào vì đó chính là “vùng biển chết”. Thay vì cố đi tiếp, hãy quay đầu và lựa chọn những tuyến đường khác an toàn hơn, đừng vội vàng mà gây hư hại nặng nề đến xế cưng, tốn nhiều tiền sửa chữa cũng vẫn mang tiếng xe bị thủy kích.
Quan sát, phán đoán độ sâu
Nếu vẫn muốn thử sức lội nước thì trước khi tiến vào vùng ngập nước, bạn cần phải quan sát và phán đoán, nắm rõ về khoảng sáng gầm xe của mình. Thông thường, những chiếc ô tô sẽ có khoảng sáng gầm là 160 – 180 mm và xe 2 cầu có thiết kế gầm cao hơn từ 200 – 250 mm nên khả lội nước sẽ tốt hơn một chút.
Mực nước an toàn thông thường sẽ ngang với tâm của bánh xe, vì ống hút gió của ô tô thường được thiết kế ở vị trí ngang với nắp ca-pô, nếu nước tràn vào sẽ khiến động cơ bị ngập nước dẫn đến chết máy. Do đó, bạn cần phải phán đoán độ sâu của vùng ngập nước chuẩn bị đánh xe qua, chú ý để mực nước an toàn xuống thấp hơn một chút nhằm tránh sự tác động của các phương tiện đi ngược chiều khác.
Để có thể đưa ra phán đoán tốt nhất trong tình huống này, người lái có thể dựa vào các yếu tố cố định trên đường như vỉa hè, thân cây, tiếp theo là những phương tiện di chuyển phía trước. Điểm đặc biệt lưu ý trong mùa mưa như thế này chính là nắp cống thoát nước bị mở.
Ga đều, không thốc ga
Nguyên tắc tiếp theo khi lội nước cho ô tô chính là giữ ga hợp lý. Nhiều người quan niệm khi lội nước chỉ cần tăng mạnh ga đi nhanh là sẽ qua. Tuy nhiên, đó lại là cách xử lý dẫn đến việc chết máy và phải gọi đến cứu hộ.
Việc thốc ga tua máy cao khiến gió hút vào mạnh hơn và hút cả nước vào động cơ. Thêm vào đó, việc đi nhanh sẽ tạo sóng nước lớn ảnh hưởng đến phương tiện khác và nếu các phương tiện khác cũng vậy thì nước lọt vào ống hút gió ô tô của bạn là điều hiển nhiên. Do vậy, khi vượt nước, bạn cần đi ở tốc độ vừa phải, không quá chậm và không được nhanh, để số thấp và ga đều để ổng xả đẩy khí ra ngoài tránh bị ngập nước.
Thông thường, vòng tua máy ở mức 1.500 - 2.000 vòng/phút là ổn. Ngoài ra, bạn nên tắt các hệ thống điện như điều hòa, radio,… để động cơ đạt được công suất tối đa.
Điều cần làm sau khi lội nước
Sau khi đánh xe thành công qua vùng nước ngập, bạn không nên tắt máy ngay mà tiếp tục vận hành thêm khoảng 5 - 10 phút nữa, bởi có thể nước vẫn còn đọng trong xe và việc tiếp tục di chuyển sẽ giúp thoát nước, bốc hơi ra ngoài.
Các bước "sơ cứu" nhanh nhằm hạn chế thiệt hại khi xe ôtô bị chết máy do ngập nước
Bước 1: Tuyệt đối không cố gắng khởi động lại máy. Ngay lập tức chuyển số về N để giúp việc kéo, đẩy xe dễ dàng hơn. Rút chìa khóa ra khỏi xe.
Bước 2: Quan sát bên ngoài xem mực nước đang cao đến đâu. Nếu mực nước nằm dưới cửa xe, có thể bước ra khỏi xe. Trong trường hợp mực nước cao hơn cửa xe, tuyệt đối không được mở cửa xe, tránh trường hợp nước từ bên ngoài tràn vào khoang lái, gây thêm thiệt hại cho xe. Thay vào đó hãy hạ kính và thoát ra ngoài bằng đường cửa sổ.
Bước 3: Sau khi ra khỏi xe, hãy mở nắp capô, tháo hai cực bình ắc quy để tránh nước vào khoang máy gây chập mạch.
Bước 4: Mở nắp châm nhớt và kiểm tra xem dầu trên que thăm có màu nâu sữa hay không. Nếu dầu trên que thăm có màu nâu sữa, chứng tỏ nước đã lọt vào động cơ. Nếu không, động cơ vẫn chưa bị vào nước.
Bước 5: Gọi điện cho cứu hộ để kéo xe về hãng, đồng thời liên hệ với bên bảo hiểm nếu có.
Trong trường hợp xe đã đi qua chỗ ngập nhưng vẫn không chết máy, bạn không nên chủ quan mà vẫn cần kiểm tra lại để xe có bị nước vào không. Ngay khi đến đoạn đường khô ráo, nên tiến hành kiểm tra khoang động cơ xem có hư hỏng hoặc dị vật bám vào xe không, có vết nước đọng ở lọc gió hay bình chứa dầu hay không. Nếu không có thể tiếp tục di chuyển, nếu không, nhiều khả năng xe có nguy cơ bị vào nước, dễ dẫn đến thủy kích, cần ngừng di chuyển và gọi cứu hộ để đưa xe đến gara để tiến hành kiểm tra nhằm tránh thiệt hại nặng.
Khi kết thúc mùa mưa, chủ xe nên mang ô tô đi bảo dưỡng, thay dầu, bôi trơn lại ổ trục của xe để tránh hiện tượng nước ăn mòn. Hãy nhớ rằng "30 chưa phải là Tết", vượt ngập chưa phải là xong, các bác tài đừng quá chủ quan.
Bài viết mới nhất
-
SUV hạng trung BYD Sealion 7 tiếp tục ra mắt Đông Nam Á, liệu có về Việt Nam?
Hôm qua lúc 01:16
-
Siêu phẩm Koenigsegg CCX mới ra biển số đã chính thức được vận chuyển về Hải Phòng
Hôm qua lúc 13:38
-
Đây liệu rằng là chiếc BMW "M3 E30" duy nhất ở Việt Nam?
Hôm qua lúc 08:12