menu

Sắp Tết, đi chơi nhiều thì cho trẻ nhỏ ngồi trên ô tô đúng cách như thế nào?

11:56 - 27/12/2022

Khác với người lớn, trẻ nhỏ khi ngồi trên ô tô đều cần có ghế chuyên dụng cũng như các yêu cầu riêng nhằm đảm bảo an toàn nếu xảy ra va chạm.

Trẻ nhỏ nên được ngồi ghế chuyên dụng trên ô tô

Khi xảy ra va chạm, người lớn với dây đai an toàn có thể được giữ nguyên vị trí và tránh bị va đập gây tổn thương. Nhưng đối với trẻ em, nhất là trẻ dưới 2 tuổi hoàn toàn không phù hợp với dây đai an toàn được thiết kế trên xe hơi. Trẻ hoàn toàn có thể bị văng trên xe, thậm chí rơi ra bên ngoài và bị thương trầm trọng hoặc tử vong. Theo đó, ghế chuyên dụng cho trẻ khi ngồi trên ô tô là một trang bị tất yếu của mỗi gia đình có con nhỏ.

Ghế chuyên dụng cho trẻ khi ngồi trên ô tô khá phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Luật pháp của một số nước cũng quy định trẻ em phải có ghế riêng khi ngồi ô tô trước khi đến một độ tuổi nhất định, đa phần là 12 tuổi.

Trong khi đó ở Việt Nam, ghế chuyên dụng cho trẻ ngồi trên ô tô lại khó thấy ở những gia đình có trẻ nhỏ, người dùng ô tô vẫn chưa quen với tiêu chuẩn an toàn tối thiểu này. Nhiều người nghĩ rằng, những đứa bé có thể tự ngồi ở ghế sau, kể cả ghế trước mà không gặp vấn đề gì nguy hiểm. Có nhiều người còn để con tự do đứng lên ngồi xuống, quay sang trái với bên phải, thậm chí là bế trẻ ngồi ở ghế phụ phía trước - một trong những vị trí nguy hiểm khi xảy ra va chạm ô tô.

Nhiều người chủ quan để trẻ nhỏ tự do ngồi, nghịch trên xe ô tô mà không nghĩ đến những nguy hiểm luôn tiềm ẩn.

Nhiều người chủ quan để trẻ nhỏ tự do ngồi, nghịch trên xe ô tô mà không nghĩ đến những nguy hiểm luôn tiềm ẩn.

Cho trẻ ngồi xoay mặt về phía sau xe

Ngoài trang bị ghế chuyên dụng, các bậc phụ huynh nên chú ý đến hướng đặt ghế để đảm bảo an toàn cho trẻ, đặc biệt là dưới 2 tuổi. Tại Thụy Điển, pháp luật quy định trẻ em phải được ngồi trên ghế quay mặt về phía sau cho đến khi được 3 - 5 tuổi, điều này đã giảm thiểu các trường hợp tử vong ở trẻ em khi ngồi trên ô tô.

Theo các chuyên gia về an toàn gồm Cơ quan An toàn Giao thông (NHTSA) và Viện Hàn lâm Nhi khoa, phụ huynh nên để ghế của trẻ quay mặt về phía sau khi đi xe ô tô, đặc biệt không cho trẻ ngồi trên ghế nhìn về phía trước cho đến khi được 2 tuổi. Hoặc cha mẹ cũng có thể duy trì hướng ngồi về sau cho trẻ đến khi chúng đạt được chiều cao và trọng lượng mà nhà sản xuất cho phép. 

Đối với va chạm phía trước, phần đầu của trẻ, nhất là trẻ sơ sinh còn rất yếu và nặng, khi có va chạm, phần thân được đai an toàn giữ lại nhưng phần đầu sẽ theo lực quán tính lao về trước sẽ làm gãy cổ và gây chấn thương nghiêm trọng cho cột sống của bé. Ngược lại, khi trẻ ngồi hướng về phía sau thì ghế sẽ đỡ phần lưng, đầu và cổ cho bé. Đồng thời, nó cũng có khả năng ngăn chặn được chuyển động tương đối giữa đầu và thân đứa trẻ, giúp cổ không bị tổn thương.

Thống kê của trang web SafetyBeltSafe U.S.A vào năm 2008, nếu trẻ em dưới 2 tuổi ngồi hướng mặt về phía trước thì tỉ lệ tử vong là 75% hoặc có thể bị thương nặng khi va chạm xảy ra. Trong khi ngồi ghế quay về phía sau, trẻ sẽ được bảo vệ an toàn hơn gấp 5 lần.

Việc ngồi trên ghế quay mặt về phía sau có thể đảm bảo an toàn cho trẻ khi xảy ra va chạm ở phía trước và bên hông xe.Cho trẻ nhỏ ngồi trên ô tô đúng cách như thế nào?

Đối với va chạm bên hông xe, người ngồi trên xe sẽ chịu tác động bởi lực lắc ngang cùng lực quán tính đẩy về phía trước. Dù phần đầu đứa trẻ được giảm bớt nhờ tấm dựa lưng được uốn cong ốp vào 2 bên đầu khi lực lắc ngang tác động, nhưng dưới lực quán tính, trẻ cũng chịu tổn thương tương tự va chạm phía trước xe.

Những kết quả thử nghiệm của NHTSA cảnh báo trẻ em nếu ngồi trên ghế hướng về phía trước sẽ bị chấn thương nghiêm trọng dù ghế có thiết kế để chống lại va chạm bên hông. Tốt nhất, phụ huynh nên cho trẻ ngồi trên ghế hướng về phía sau xe, nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ khi có va chạm. Ghế ngồi cho trẻ hiện nay có thể sử dụng cho những trẻ nặng từ 13,5 – 22,5 kg.

Thắt dây an toàn

Phụ huynh chú ý thắt dây an toàn cho trẻ ngay cả khi có sự hỗ trợ của các ghế ngồi chuyên dụng, điều này giúp bảo vệ trẻ an toàn, đồng thời luyện cho trẻ có thói quen thắt dây an toàn từ bé, từ đó hình thành ý thức tự giác cho các con khi ngồi trên xe ô tô.

Dạy trẻ các thói quen an toàn

Bên cạnh việc thắt dây an toàn, các bố mẹ nên dạy trẻ những lưu ý an toàn trên ô tô như không tự ý mở cửa xe, nhất là cánh cửa bên trái khi đỗ ở lề đường, nhắc bé chú ý các phương tiện giao thông trong lúc xuống xe, ngồi ngay ngắn, không nhoài người, nghịch ngợm trong lúc xe di chuyển, không tỳ người lên cửa hoặc thò tay ra cửa kính,...

Luôn thắt dây an toàn cho trẻ khi ngồi trên xe.

Luôn thắt dây an toàn cho trẻ khi ngồi trên xe.

Không để trẻ trên xe một mình

Tuyệt đối không để trẻ nhỏ ở trên xe một mình vì rất có thể xảy ra nhiều tình huống nguy hiểm khôn lường. Trẻ có thể hoảng sợ, đạp nhầm chân ga, gạt cần số,... gây tai nạn. Bên cạnh đó, việc để trẻ ngồi trong không gian kín quá lâu mà không bật điều hòa có thể bị ngộ độc khí CO, thậm chí dẫn đến tử vong.

Tuyệt đối không để trẻ nhỏ ngồi trong xe ô tô một mình.

Tuyệt đối không để trẻ nhỏ ngồi trong xe ô tô một mình.

Chuẩn bị đầy đủ

Để tránh việc trẻ nhỏ có nhu cầu đi vệ sinh hoặc một số tình huống bất ngờ khác khi xe đang di chuyển, các phụ huynh nên chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cần thiết. Ngoài ra, các bậc cha mẹ cũng nên có kế hoạch di chuyển hợp lý nếu chuyến đi kèm thêm con nhỏ, có thể mang theo đồ ăn, đồ chơi,... để thu hút trẻ, làm giảm sự hiếu động của các con.

Trong suốt chặng đường xa đi về quê hay đi chơi đón Tết, các cha mẹ cần phải hết sức lưu ý về an toàn của các bé, ghế ngồi chuyên dụng và hướng ngồi là những yếu tố giúp bảo vệ bé an toàn hơn. Hy vọng những thông tin trong chuyên mục Yêu xe Quý Mão 2023 vừa rồi đã mang đến cho độc giả có thêm kiến thức hữu ích.

Theo Thanh Niên Việt
Đánh giá: