4 yếu tố ảnh hưởng đến khả năng cách âm của xe ô tô và cách khắc phục
15:12 - 27/01/2023
Người lái xe luôn cần một không gian nội thất yên tĩnh để có thể tập trung vào việc điều khiển, tận hưởng âm thanh giải trí và không cảm thấy khó chịu khi đi đường dài. Thế nhưng, ở những mẫu ô tô tầm trung thì việc trong xe có tiếng ồn là điều khó tránh khỏi. Chính vì thế, người lái xe luôn tìm cách để có thể khắc phục tiếng ồn như lắp thêm các phụ kiện. Thế nhưng, cần phải hiểu rõ nguồn gốc của tiếng ồn trong xe để có thể khắc phục một cách tối ưu nhất. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ liệt kê 4 yếu tố ảnh hưởng đến khả năng cách âm của ô tô để các bạn có thể tìm giải pháp giảm tiếng ồn phù hợp.
Hệ thống khung gầm
Điều đầu tiên mà các bạn nên quan tâm khi tìm hiểu về khả năng cách âm của một chiếc ô tô chính là ở hệ thống khung gầm của xe. Trước đây, những chiếc SUV sử dụng hệ thống khung gầm sát-xi rời (body on frame) luôn cho khả năng cách âm tốt hơn xe dùng hệ thống khung gầm liền khối (unibody). Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ và kỹ thuật luyện kim, các hãng ô tô đã có thể sản xuất ra những chiếc xe sử dụng khung gầm unibody có khả năng cách âm tốt hơn trước. Tuy nhiên, nếu để so sánh thì những chiếc SUV với khung gầm sát-xi rời vẫn có khả năng cách âm tốt hơn.
Bên cạnh đó, những chiếc sedan gầm thấp cũng sẽ có khả năng cách âm kém hơn so với SUV gầm cao. Tất nhiên là trừ những chiếc sedan hạng sang hoặc siêu sang vì chúng đã được tính toán để thiết kế thêm nhiều công nghệ hỗ trợ khả năng cách âm.
Thiết kế khí động học
Không thể phủ nhận rằng, thiết kế ngoại thất của xe nếu được tính toán chính xác với tính khí động học cao thì sẽ giảm được nhiều tiếng ồn từ bên ngoài vọng vào trong xe khi di chuyển ở tốc độ cao. Các luồng gió di chuyển bên ngoài thân xe sẽ được điều tiết để tránh âm thanh quẩn lọt vào bên trong xe.
Ngoài ra, với những chiếc xe đã được độ thêm các phụ kiện ngoài như giá nóc, bạt lều dã ngoại hay chỉ đơn giản là tự lắp thêm đuôi gió... cũng đều có thể gây ra thêm tiếng ồn bên trong xe do đã làm thay đổi kết cấu khí động học nguyên bản của nhà sản xuất.
Lớp cách âm thân vỏ
Với một chiếc ô tô, khả năng giảm tiếng ồn bên trong khoang lái cũng phụ thuộc khá nhiều vào việc nhà sản xuất có trang bị thêm các lớp cách âm cho xe như lớp cách âm khoang động cơ, lớp cách âm thân xe và lớp cách âm sàn xe hay không.
Thông thường, với những mẫu xe tầm trung thì chỉ có vật liệu cách âm, tiêu âm ở phần táp-pi cửa và khoang máy. Trong khi đó, với những mẫu xe hạng sang đắt tiền, nhà sản xuất sẽ tính toán để bổ sung những lớp cách âm, tiêu âm ở vòm bánh xe, gầm xe và cả trần xe. Điều này sẽ đảm bảo không gian yên tĩnh tối ưu bên trong xe.
Lốp xe
Lốp xe cũng là một yếu tố gây ảnh hưởng đến khả năng cách âm của một chiếc ô tô. Với những dòng xe sử dụng lốp MT (Mud Terrain) để vượt địa hình với ưu điểm là gai lốp dày, to thì sẽ ồn hơn loại dùng lốp thường để chạy đường trường như AT (All-Terrain) hay HT (Highway Terrain). Vì thế, với những mẫu xe thiên về chạy đường trường, đô thị hay đường cao tốc, nhà sản xuất thường sử dụng lốp AT hoặc HT để đảm bảo sự êm ái khi vận hành.
Kích thước lốp cũng là một phần gây ảnh hưởng đến độ ồn bên trong xe. Với những mẫu xe thể thao sử dụng vành la-zăng to, bản lốp rộng nhưng chiều cao lốp nhỏ thì sẽ ồn hơn những chiếc xe sử dụng bản lốp vừa phải có chiều cao lốp lớn.
Ngoài ra, người lái xe cũng nên quan tâm đến vân lốp trên chiếc lốp mình sử dụng. Với lốp sử dụng vân dọc nhiều sẽ cho khả năng cách âm tốt hơn những loại lốp có cả vân ngang. Nguyên nhân là do lốp sử dụng vân dọc sẽ tạo bề mặt tiếp xúc với mặt đường liền mạch hơn, bám đường hơn và khả năng rẽ nước cũng tốt hơn. Tuy nhiên, lốp có thêm nhiều vân ngang lại cho khả năng vượt đường trơn trượt tốt hơn.
Bên cạnh đó, lốp chuyên dùng cho xe hiệu suất cao sẽ có chất liệu cao su và kết cấu lốp cứng hơn để đảm bảo sự vững vàng khi chạy ở tốc độ cao và khả năng ổn định thân xe nhưng cũng tạo ra nhiều tiếng ồn hơn.
Làm thế nào để chống ồn cho xe ô tô
Để giảm thiểu tiếng ồn bên trong khoang lái, người dùng sẽ phải xử lý đồng bộ các yếu tố kể trên. Tùy theo khả năng tài chính cũng như kỹ thuật, người lái có thể chọn các giải pháp phù hợp để giúp giảm tiếng ồn trong xe. Ví dụ, người lái có thể thay bộ lốp mới với các thuộc tính êm ái, mượt mà hơn; gia cố thêm các lớp cách âm, tiêu âm ở xung quanh xe hay hạn chế lắp thêm phụ kiện bên ngoài xe....
Ngoài ra, trong thời gian gần đây, nhiều mẫu xe tầm trung tại Việt Nam còn được bổ sung công nghệ chống ồn chủ động. Về mặt lý thuyết, những chiếc ô tô có công nghệ này sẽ được trang bị cảm biến âm thanh trong xe để xác định âm thanh gây tiếng ồn bất thường. Sau đó, tại một số vị trí trong xe sẽ gắn loa phát ra âm thanh ngược pha để triệt tiêu tiếng ồn. Điều này sẽ giúp người ngồi trong xe tận hưởng không gian nội thất yên tĩnh hơn.
Hoàng Hiển