3 lý do không nên cố đổ quá đầy cho bình xăng của xe
16:49 - 19/11/2022
Trong thời gian vừa qua, tại nhiều tỉnh, thành của Việt Nam đã xảy ra tình trạng hàng loạt cây xăng tạm thời đóng cửa hoặc chỉ phục vụ trong thời gian giới hạn thay vì cả ngày như trước. Điều này khiến người dân gặp nhiều khó khăn khi đi đổ xăng. Có người phải đi lòng vòng cả quãng đường dài chỉ để tìm cây xăng còn mở. Khi tìm thấy cây xăng hoạt động thì lại phải xếp hàng và chờ rất lâu mới đến lượt mình. Chính vì thế, nhiều người sẽ có tâm lý cố đổ thật đầy cho bình xăng để đi được lâu hơn hoặc cho tròn tiền. Tuy nhiên, trên thực tế, việc cố đổ quá đầy cho bình xăng của xe không phải là thói quen tốt và có thể gây hại vì những lý do sau.
3 lý do không nên cố đổ quá đầy cho bình xăng của xe
Có thể làm hỏng xe
Theo ý kiến của các chuyên gia, việc cố đổ quá đầy cho bình xăng có thể làm hỏng hệ thống thu hồi hơi nhiên liệu của xe. Đây là hệ thống được thiết kế để giảm khí độc hại thoát ra ngoài môi trường trong quá trình đổ xăng. Đồng thời, hệ thống này còn có tác dụng kiểm soát hơi xăng của xe. Theo nhà cung cấp phụ kiện ô tô Eaton, hệ thống thu hồi hơi nhiên liệu có thể giúp giảm 95% tình trạng ô nhiễm các hợp chất hydrocarbon trong quá trình đổ xăng.
Nếu cố đổ thêm cho bình xăng, ngay cả khi cò bơm xăng đã ngắt, bạn sẽ lấy đi không gian cho xăng giãn nở trong bình. Hậu quả là xăng có thể lọt vào bầu lọc than hoạt tính vốn chỉ được thiết kế dành cho hợp chất dạng hơi. Xăng lọt vào hệ thống có thể ảnh hưởng đến hiệu suất vận hành của ô tô và làm hỏng cả động cơ.
Chi phí thay bầu lọc than hoạt tính đương nhiên không rẻ chút nào và thậm chí có thể dẫn đến những hư hỏng tốn kém hơn nữa.
Gây lãng phí tiền bạc
Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ EPA, các cây xăng cũng có hệ thống thu hồi hơi nhiên liệu. Khi bình xăng được đổ quá đầy, cả hơi xăng và xăng sẽ bị vòi bơm hút ngược lại vào bồn chứa của cây xăng để ngăn hơi nhiên liệu thoát ra ngoài môi trường. Nói cách khác, bạn sẽ phải trả tiền cho lượng xăng bị hút ngược lại bồn chứa, gây lãng phí.
Ngoài ra, quá trình trên cũng có thể làm hỏng hệ thống thu hồi hơi nhiên liệu của cây xăng.
Gây hại cho môi trường và sức khỏe con người
Khi cố đổ quá đầy cho bình xăng, lượng xăng tràn ra ngoài sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến môi trường và sức khỏe con người. Nếu hệ thống thu hồi hơi nhiên liệu trên xe của bạn bị hỏng, khí độc hại sẽ bị thải ra môi trường, tạo ra những tác động tiêu cực.
Theo EPA, xăng tràn ra khỏi bình nhiên liệu có thể gây ảnh hưởng đến chỉ số chất lượng không khí. Do đó, hãy nhớ đừng đổ quá đầy cho bình xăng của xe.
Bình xăng còn bao nhiêu thì nên đổ thêm?
Không ít người có thói quen chỉ đổ xăng khi kim chạm đến vạch đỏ hoặc vạch E trên đồng hồ báo xăng. Tuy nhiên, theo phần lớn các chuyên gia, bạn nên đổ thêm khi lượng xăng trong bình nằm ở mức giữa 1/2 bình và 1/4 bình. Nói cách khác, bạn không nên để lượng xăng trong bình tụt xuống dưới mức 1/4 bình rồi mới đổ.
Với những mẫu xe đời cũ, bình xăng thường được làm từ kim loại và có xu hướng bị gỉ theo thời gian. Nếu lượng xăng cạn dưới mức 1/4 bình, bơm nhiên liệu có thể hút chất cặn gỉ trong bình xăng lên và chuyển tới động cơ. Ngoài nguy cơ làm hỏng bơm xăng, những chất cặn này có thể gây tắc ống nhiên liệu và lọc nhiên liệu, ảnh hưởng đến động cơ. Ngày nay, bình xăng trên những mẫu xe đời mới thường được làm từ nhựa chống thấm nên loại được nguy cơ bị gỉ. Tuy nhiên, xăng chất lượng kém vẫn có thể tạo ra cặn bẩn bên trong bình xăng.
Một nguy cơ nữa khi bạn để lượng xăng trong bình thấp hơn 1/4 bình, đó là hỏng bơm nhiên liệu. Ở xe hiện đại, bơm xăng được đặt bên trong động cơ và được làm mát bằng chính nhiên liệu. Khi lượng xăng trong bình xuống quá thấp, bơm nhiên liệu sẽ bắt đầu hút khí và sinh nhiệt. Nhiệt độ tăng cao có thể khiến bơm xăng bị mòn nhanh hơn bình thường hoặc bị hỏng. Với xe đời cũ, bơm nhiên liệu không gặp phải vấn đề này vì được đặt ở bên ngoài bình xăng và không dựa vào nhiên liệu để làm mát.
Nên đổ xăng vào thời điểm nào trong ngày?
Vì tính chất giãn nở của xăng nên người ta thường khuyên nhau đi đổ xăng vào thời điểm mát nhất trong ngày như sáng sớm hoặc tối muộn để được lợi hơn. Trên lý thuyết, nhiên liệu sẽ nở ra và loãng hơn khi nhiệt độ tăng lên. Nếu đổ xăng vào sáng sớm hoặc đêm muộn, xăng sẽ đặc hơn và người mua sẽ nhận được lượng xăng nhiều hơn với cùng một số tiền.
Tuy nhiên, trên thực tế, xăng, dầu thường được dự trữ trong bồn nằm dưới mặt đất nên không bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ bên ngoài. Do đó, việc đi đổ xăng vào lúc sáng sớm hay đêm muộn không giúp ích quá nhiều cho người mua. Thay vì chọn thời điểm trong ngày, hãy đổ thêm trước khi lượng xăng trong bình xuống mức dưới 1/4 bình.
Bài viết mới nhất
-
Skoda Kodiaq được giảm giá đến 130 triệu đồng, tăng sức cạnh tranh trong phân khúc SUV cỡ D
Hôm qua lúc 01:00
-
Thêm mẫu xe lạ tham dự Gumball 3000 2024: Ford Ranger Raptor phục vụ 2 đại gia Mỹ
Hôm qua lúc 19:19
-
Thêm 3 hãng xe rút khỏi triển lãm Ô tô Việt Nam 2024, có cả thương hiệu mới ra mắt thị trường
Hôm qua lúc 15:52