menu

Tại sao các ứng dụng điều hướng như Google Maps thi thoảng đưa bạn vào chỗ tắc đường?

09:04 - 07/12/2021

Dù những ứng dụng điều hướng như Google Maps đã ngày một trở nên chính xác, chúng vẫn chưa thể đạt đến mức 100%.

Các ứng dụng điều hướng, có thể là Google Maps, Waze, Apple Maps, TomTom, HERE hoặc phần mềm Sygic, đều được sáng chế với cùng một mục tiêu là giúp chúng ta đi đến một điểm đích nhất định nhanh hơn, an toàn hơn và thuận tiện hơn.

Cho dù phần lớn trong số chúng đã được cập nhật với tất cả các loại tính năng bổ sung, chẳng hạn như hỗ trợ lệnh thoại, bản đồ offline, và các tùy chọn chia sẻ vị trí, các ứng dụng điều hướng này về cơ bản là dựa trên cùng một cách tiếp cận.

Mục tiêu của chúng là đưa các tài xế tới một điểm xác định bằng cách cung cấp cho họ một tuyến đường được cấu hình dựa theo một tập hợp các yêu cầu. Trong hầu hết các trường hợp, những yêu cầu này đơn giản chỉ là tìm con đường nhanh nhất để đến một địa chỉ cụ thể, vì vậy những gì các ứng dụng phải làm không chỉ là tạo một tuyến đường đến một điểm xác định mà còn đảm bảo rằng đây là tùy chọn nhanh nhất.

Trong lịch sử, các giải pháp điều hướng đã phát triển từ phần mềm cơ bản, được cài đặt trên các thiết bị GPS không có truy cập Internet, rồi đến các thiết bị và điện thoại thông minh tiên tiến hơn với khả năng lấy tất cả dữ liệu chúng cần từ một máy chủ từ xa. Sau đó, ta phải kể đến sức mạnh của nguồn lực cộng đồng (crowdsourcing), ví dụ như ở trường hợp của ứng dụng Waze. Nó là thành phần kỳ diệu giúp tăng đáng kể độ chính xác, do đó cho phép tìm ra tuyến đường phù hợp với mong đợi của người lái xe nhất có thể.

Nhưng suy cho cùng, không có ứng dụng điều hướng nào là luôn chuẩn xác 100%. Và nếu bạn đang sử dụng chúng thường xuyên, bạn có thể biết rằng đôi khi, những ứng dụng này có thể điều hướng bạn vào dòng giao thông đông đúc, làm tăng đáng kể thời gian dự kiến tới đích. Để hiểu lý do tại sao điều này có thể xảy ra bất cứ lúc nào, điều rất quan trọng là phải xem cách các ứng dụng điều hướng này cung cấp ước tính tình hình giao thông ban đầu như thế nào.

Cũng giống như các giải pháp điều hướng khác, những ứng dụng di động, chẳng hạn như Google Maps, ban đầu đã dựa vào các cảm biến giao thông được cài đặt bởi các cơ quan chính phủ trên toàn thế giới để thu thập dữ liệu. Nói cách khác, chúng chỉ sử dụng các nguồn dữ liệu chính thức này để tạo ra không chỉ các tuyến đường mà còn ước tính xem mất bao lâu để đến nơi. Không cần phải nói, phương pháp này có độ chính xác không cao, đơn giản vì các mẫu giao thông đã được dựa trên dữ liệu lịch sử chứ không phải thông tin thời gian thực.

Vào năm 2009, Google đã cập nhật hệ thống của mình để cũng dựa vào nguồn lực cộng đồng, do đó thu thập dữ liệu ẩn danh từ các thiết bị khác chạy Google Maps để tạo ra các mẫu giao thông tương tự. Nói cách khác, Google chỉ sử dụng các cảm biến được cài đặt trên thiết bị di động chạy Android để xem tốc độ ô tô di chuyển trên mọi đoạn đường nhanh đến đâu, và thông qua việc sử dụng một thuật toán phức tạp, nó có khả năng tạo ra những tuyến đường phù hợp yêu cầu tài xế.

Cách tiếp cận của Google nhìn chung đã làm tăng đáng kể độ chuẩn xác thời gian ước tính đến nơi, đặc biệt là bởi nhóm dữ liệu mà nó nhận được đã cao hơn nhiều. Về cơ bản, hầu hết mọi thiết bị Android chạy Google Maps đều trở thành một nguồn thông tin, và khi càng nhiều điện thoại trên đường phố, Google càng nhận được nhiều dữ liệu hơn.

Cách tiếp cận nguồn lực cộng đồng đã nhận được một sự thay đổi lớn vào năm 2013 khi Google mua lại Waze. Như đã đề cập ở trên, Waze sử dụng một cách phương pháp tương tự, nhưng lần này, nó dựa vào cộng đồng lớn của mình như một nguồn thông tin. Người dùng cũng chính là người báo cáo tình trạng tắc đường, tai nạn, bẫy tốc độ..., và một lần nữa, độ chính xác được tăng cường đáng kể.

Vì vậy, cơ bản mà nói là các bản đồ GPS offline cung cấp độ chính xác thấp nhất, trong khi mô hình nguồn lực cộng đồng của Google đã cải thiện đáng kể ứng dụng điều hướng bằng cách thu thập dữ liệu từ những thiết bị bên ngoài. Độ chính xác cuối cùng đã được tăng cường thêm lần nữa bằng cách cho phép bản thân nhóm người dùng được đóng góp các báo cáo một cách thủ công.

Ở thời điểm hiện tại, Google Maps đang sử dụng kết hợp các khái niệm được đề cập ở trên. Ứng dụng điều hướng giờ đây không chỉ dựa vào các mẫu giao thông lịch sử mà còn dựa trên điều kiện giao thông trực tiếp nhận được từ những điện thoại Android, vì vậy Google có thể kết hợp mọi thứ để cung cấp một thời gian ước tính đến nơi chính xác nhất có thể.

Công nghệ máy tự học giúp ước tính thời gian đến nơi bằng cách cố gắng dự đoán mất bao lâu cho đến khi bạn đến một địa chỉ cụ thể. Nó đơn giản là sẽ phỏng đoán các mẫu giao thông sẽ thay đổi như thế nào khi bạn lái xe sử dụng dữ liệu lịch sử.

Vì những phần mềm như Google Maps đã phát triển nhiều đến vậy, tại sao chúng vẫn không thể chuẩn xác 100%? Cách kết hợp các mẫu giao thông lịch sử với điều kiện trực tiếp này thực tế là một con dao hai lưỡi.

Trước hết, hệ thống chỉ có thể đoán điều kiện giao thông đang thay đổi bằng cách ước tính sự chậm trễ vì tắc đường (số lượng ô tô trên đường và tốc độ di chuyển của chúng tại một thời điểm nhất định trong ngày), nhưng nó không thể tính đến các sự kiện không thể đoán trước như tai nạn. Do vậy, việc thu thập dữ liệu từ điện thoại Android trên mặt lý thuyết có vẻ là một hệ thống hoàn hảo, nhưng mặt khác, nó lại rất dễ bị đánh lừa.

Đây là những gì mà một nghệ sĩ ở Berlin, Đức có tên Simon Weckert đã làm vào năm ngoái khi anh ta sử dụng 99 chiếc điện thoại thông minh Android chạy Google Maps đồng lúc để tạo ra một vụ tắc đường giả. Ứng dụng điều hướng gần như đã được cập nhật ngay lập tức với thông tin không chính xác, và các tài xế cuối cùng đã nhận được yêu cầu nên tránh tuyến đường nơi 99 chiếc điện thoại đang "đỗ", đơn giản vì nó tin rằng khu vực này đang bị tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng.

Vì vậy, ta có thể rút ra kết luận chung rằng nguyên nhân chính khiến các ứng dụng này không phải lúc nào cũng chuẩn xác là do chính cái hệ thống đã khiến chúng trở nên chuẩn xác ngay từ đầu. Chắc chắn, các công ty mẹ đằng sau chúng sẽ tiếp tục tập trung hơn nữa vào mặt này, nhưng một khi vẫn không thể đoán đúng khi nào các sự kiện bất ngờ như tai nạn có thể xảy ra trên đường, thì các ứng dụng điều hướng như Google Maps cũng chắc chắn sẽ không thể đạt được độ chính xác 100%.

Đánh giá: