Nhìn lại McLaren M6GT - "Ông tổ tinh thần" của siêu xe F1 mà hiếm ai biết đến
03:56 - 14/02/2022
Nhiều người mê xe nghĩ rằng câu chuyện của tất cả những mẫu McLaren hợp pháp đi trên đường công cộng đều bắt đầu với mẫu F1 dũng mãnh. Tuy nhiên, hơn 2 thập kỷ trước khi kiệt tác của nhà thiết kế Gordon Murray được đưa vào sản xuất, một “quái thú” phong cách xe đua, sử dụng động cơ đặt giữa khác đã xuất hiện trên đường phố, và nó thực tế là chiếc xe lái hàng ngày của Bruce McLaren.
Phía trước của McLaren M6GT
Không giống như Enzo Ferrari, người chỉ muốn tập trung vào xe đua và miễn cưỡng bắt đầu phát triển những mẫu xe đi đường phố để giữ cho đội đua của mình tồn tại, một trong những tham vọng lớn nhất của Bruce McLaren là chế tạo một cỗ máy đi đường phố hoành tráng mang tên mình.
Sinh ra ở New Zealand vào ngày 30 tháng 8 năm 1937, McLaren bắt đầu đua xe khi mới 14 tuổi, sử dụng chiếc Austin 7 Ulster mà ông phục chế cùng với cha mình, Les. Trong những năm sau đó, ông ấy đã trở thành một trong những tay đua trẻ triển vọng nhất thế giới, và ở tuổi 22, ông không chỉ đua ở Công thức 1 mà còn trở thành người chiến thắng Grand Prix trẻ nhất trong lịch sử bộ môn này.
Bruce McLaren ngồi trong chiếc M6GT
Vì những lý do khác nhau, McLaren chưa bao giờ phát huy được hết tiềm năng thực sự của mình với tư cách là một tay đua, nhưng di sản của ông ấy vẫn sống tiếp nhờ vào đội đua mà ông thành lập năm 1963. Ngoài việc lái xe, người đàn ông New Zealand này còn đam mê kỹ thuật chế tạo, thiết kế, và phát minh đổi mới, vì vậy ông ấy đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của những chiếc xe đua của đội.
Một trong số đó là M6A, một nguyên mẫu mui trần được phát triển cho mùa giải Canada-Mỹ năm 1967. Được hoàn thiện với màu cam sáng, nó đã thống trị cuộc thi và góp phần thúc đẩy danh tiếng của McLaren.
Phía trước của McLaren M6GT
Theo đà thành công đó, đội đua của McLaren quyết định đưa tài năng của họ ra đấu trường quốc tế bằng cách đưa phiên bản buồng lái đóng kín của chiếc xe đua màu cam đến World Championship of Makes (WCM) một năm sau đó. Tuy nhiên, để có thể đăng ký chiếc M6A cho giải đua này, họ phải tuân thủ các quy tắc mới được đưa ra, trong đó yêu cầu các nhà sản xuất phải sản xuất tối thiểu 50 chiếc phiên bản hợp pháp đi đường phố.
Phía bên của McLaren M6GT
Cùng với nhà sản xuất Trojan-Lambretta của Anh Quốc, McLaren đã lên kế hoạch giao 250 khung gầm M6A cho những khách hàng tư nhân trong những năm tiếp theo, nhưng không chiếc nào trong số đó được thiết lập để trang bị động cơ vì công ty không có đủ kinh phí cần thiết để mua nhiều như vậy. Ngay cả việc đạt đủ 50 chiếc cũng là bất khả thi, do vậy cuối cùng họ buộc phải từ bỏ giải đua WCM. Tuy nhiên đến cuối cùng, ba khung gầm buồng lái kín đã được chế tạo xong xuôi, và một khung sẽ được chuyển đổi thành một “quái vật” có thể chạy trên đường công cộng, biến giấc mơ của Bruce McLaren thành hiện thực.
Phía sau của McLaren M6GT
Được chế tạo xung quanh khung gầm liền thân bằng nhôm sáng tạo của M6A, chiếc xe mang tên M6GT có rất ít điểm chung với những chiếc xe gắn biển số thông thường ở thời đại đó. Nó được trang bị thân xe bằng sợi thủy tinh, có cửa mở kiểu cánh bướm, và đèn pha bật lên vận hành bằng tay. Buồng lái có bố trí hai chiếc ghế bọc da, nhưng không gian thực tế là khá chật cho cả hai người cùng ngồi đồng lúc.
Nội thất của McLaren M6GT
Chiếc xe tuyệt vời này được trang bị động cơ Chevrolet V8 khối nhỏ được độ bởi Bartz. Động cơ đã bị làm yếu đi nhiều nhưng vẫn có thể tạo ra công suất khoảng 370 mã lực, cũng như 501 Nm mô-men xoắn cực đại. Được liên kết với hộp số sàn ZF 5 cấp, nó có thể giúp chiếc McLaren nhẹ 800 kg chạy nước rút từ 0 - 96 km/h trong hơn 4 giây, và đạt tốc độ tối đa 290 km/h.
Động cơ của McLaren M6GT
Được hoàn thành vào đầu năm 1970, chiếc M6GT được sơn màu đỏ và giao cho người sáng lập công ty, người đã lái nó hàng ngày cho đến khi ông qua đời vài tháng sau đó. Chỉ với 1.900 dặm (3.058 km) trên đồng hồ đo quãng đường, chiếc xe đã được bán nhiều năm sau đó, nhưng may mắn là nó vẫn được giữ nguyên trạng cho đến ngày nay. Sau khi qua tay nhiều chủ khác nhau, nó hiện đang ở Chicago, Illinois, và thuộc một bộ sưu tập tư nhân.
McLaren M6GT khi mở các cửa
Sau cái chết đáng tiếc của Bruce McLaren, mọi kế hoạch sản xuất đều bị hủy bỏ. Tổng cộng, 3 chiếc M6GT đã được chế tạo từ năm 1969 đến năm 1970. Ngoài chiếc xe nói trên, một chiếc khác đã được giao cho Ted Peterson ở California, và chiếc thứ ba là một biến thể dành riêng cho đường đua được điều khiển bởi tay đua người Anh David Prophet.
Video chiếc McLaren M6GT 1969 chạy trên đường đua tại một sự kiện năm 2017
Giấc mơ về một mẫu ô tô sản xuất mang tên mình của Bruce McLaren đã trở thành hiện thực hơn 20 năm sau khi mẫu F1 được giới thiệu. Ngày nay, cái tên McLaren không chỉ đồng nghĩa với một trong những đội đua thành công nhất trong bộ môn motorsport mà còn với một số siêu xe tuyệt vời nhất trên thế giới, và tất cả chúng đều bắt nguồn từ chiếc M16GT phi thường.
Bài viết mới nhất
-
Loạt xe Honda được ưu đãi 50% lệ phí trước bạ, CR-V chỉ còn hơn 900 triệu đồng
Hôm qua lúc 16:44
-
Hyundai Creta phiên bản thuần điện chính thức trình làng, chạy được 473 km sau khi sạc
Hôm qua lúc 15:26
-
Siêu phẩm xe đua Bugatti Bolide đầu tiên được bàn giao tại Mỹ, chủ nhân là "ông trùm bất động sản" Manny Khoshbin
Hôm qua lúc 15:23