menu

Công nghệ khiến xe ô tô an toàn hơn, nhưng một tấm kính chắn gió vỡ bây giờ chính là "thảm họa"

20:05 - 30/12/2021

Những tấm kính chắn gió giờ đây là một phần cấu trúc không thể thiếu của xe khi nó có tích hợp nhiều công nghệ quan trọng.

Công nghệ đã làm cho những chiếc ô tô hiện đại an toàn hơn, nhưng cũng phức tạp và tốn kém hơn để sửa chữa. Lấy ví dụ như kính chắn gió: đây không còn là một tấm kính để che mưa gió đơn thuần nữa. Ngày nay, nó có tích hợp các cảm biến tinh vi và thậm chí là một hệ thống sưởi để hỗ trợ chống sương mù vào mùa đông. Đó là lý do tại sao kính chắn gió bị vỡ trên một chiếc ô tô hiện đại có thể là một sự rắc rối to lớn.

Thời xưa, kính chắn gió có vai trò đúng như tên gọi của nó, chỉ là một tấm kính với mục đích duy nhất là bảo vệ trước gió. Thời gian trôi qua và những chiếc ô tô ngày một trở nên nguy hiểm hơn, vì vậy kính chắn gió phải trở nên đa nhiệm và có nhiều chức năng hơn. Đầu tiên, các tấm kính cần được làm bằng chất liệu khác để làm cho nó giòn hơn, qua đó không làm đứt đầu người ngồi trong trường hợp có tai nạn.

Sau đó, kính chắn lại cần trở nên cứng nhưng lần này được liên kết với một tấm polycarbonate vì lý do tương tự. Ở dạng nhiều lớp, nó trở thành một phần cấu trúc của ô tô, và cho phép nó chặn các vật thể bay có thể va vào đầu người lái. Cả hai loại kính chắn gió này đều không có tích hợp công nghệ gì cao siêu, nhưng điều đó đã sớm thay đổi khi những tính năng tự động hóa đầu tiên được đưa vào xe ô tô.

Tính năng đơn giản nhất trong số đó là cảm biến trời mưa để di chuyển cần gạt nước khi hạt mưa bắt đầu phủ lên kính chắn gió. Nó là một cảm biến radar nhỏ, không khác gì loại được sử dụng trong các tấm cản va để cảnh báo người lái sắp va phải một thứ gì đó mạnh. Vấn đề ở đây là bạn phải hiệu chỉnh lại các cảm biến này mỗi khi thay kính chắn gió, do vậy việc sửa chữa đã bắt đầu phức tạp hơn xưa.

Tiếp theo là cảm biến đèn pha tự động, và rồi là đến lượt camera và cảm biến radar tầm xa hơn. Tất cả chúng đều phục vụ một mục đích chung là làm cho xe ô tô của chúng ta an toàn hơn trên đường, cuối cùng trở thành mắt của xe cũng như các hệ thống hỗ trợ và an toàn khác nhau của nó.

Trước khi mọi người kịp để tâm, kính chắn gió đã được trang bị đầy công nghệ vừa nhạy cảm vừa đắt tiền. Nguyên nhân là bởi kính chắn gió vẫn là một mảnh kính mỏng manh, dễ vỡ khi bị đá và các vật cứng khác va đập. Khi chuyện đó xảy ra, bạn chắc chắn sẽ nhận được một hóa đơn sửa chữa đắt đỏ.

Ngoài ra, không chỉ kính chắn gió đã trở nên cực kỳ tốn kém để sửa chữa, mà mọi trang bị khác có tích hợp cảm biến bên trong cũng như vậy. Ví dụ như tấm cản va, một bộ phận khác của xe ô tô thường dễ bị va đập mạnh. Vì các cảm biến là thiết bị công nghệ cao, cực kỳ nhạy cảm, nên chỉ có các kỹ thuật viên được đào tạo chuyên môn mới được phép lắp đặt/sửa chữa chúng. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất ô tô cũng khuyên khách hàng không nên sử dụng các bộ phận hậu mãi để sửa chữa hoặc thậm chí tái sử dụng các bộ phận xe từng bị hỏng nặng.

Tất cả vấn đề này làm cho việc sửa chữa xe ô tô hiện đại trở nên vô cùng tốn kém. Dĩ nhiên, chuyện sẽ chẳng có gì khi bạn có đủ bảo hiểm để chi trả cho việc sửa chữa, nhưng nếu không, bạn coi như bị “vét cạn túi”. Điều buồn cười là các công ty bảo hiểm cũng không hề dễ tính khi phải chi trả các khoản phí sửa chữa này. Thậm chí còn buồn cười hơn khi chính các công ty bảo hiểm đã thúc đẩy việc sử dụng những hệ thống hỗ trợ, như một cách để giảm số lượng và mức độ nghiêm trọng của những vụ tai nạn xe.

Sự thật thì các hệ thống hỗ trợ an toàn tân tiến đúng là đã thành công trong việc giảm thiểu đáng kể số vụ tai nạn trên đường. Hiệu quả nhất phải kể đến hệ thống cảnh báo va chạm phía trước và phanh khẩn cấp tự động, theo sau đó là hệ thống cảnh báo điểm mù và cảnh báo chệch làn đường.

Nói tóm lại, các hệ thống này và các cảm biến tương ứng của chúng sẽ không biến mất trong tương lai, đặc biệt là với những tiến bộ đạt được trong hệ thống lái xe tự động. Càng nhiều cảm biến sẽ đồng nghĩa là xe càng an toàn hơn, nhưng việc sửa chữa cũng càng tốn kém hơn.

Đánh giá: