menu

7 mẫu xe không thể cứu thương hiệu khỏi cảnh đóng cửa

21:10 - 24/04/2022

Là "canh bạc cuối" để cứu một thương hiệu khỏi cảnh đóng cửa, đáng tiếc những mẫu xe này đã không thể hoàn thành nhiệm vụ.

Nhìn vào thực tại lịch sử của ngành công nghiệp ô tô, không nhiều nhà sản xuất có thể duy trì thành công lâu dài. Với mỗi hãng Ford, thị trường lại có những Kaiser Frazer, DeSoto, Tucker, DeLorean, và Edsel. Edsel là một thương hiệu do Ford thành lập, và đó dường như là một cách để các thương hiệu tồn tại - bằng cách mua hoặc tạo ra những thương hiệu mới mà họ sẵn sàng hy sinh khi thương hiệu chính gặp khó khăn hoặc thương hiệu mới bắt đầu thất bại.

Dù nguyên nhân thất bại có là gì đi nữa, đó cũng là một kết cục đáng buồn đối với một thương hiệu ô tô, nhất là những thương hiệu đã tồn tại nhiều thập kỷ và gây dấu ấn nhất định trên thị trường. Sau đây, chúng ta sẽ điểm qua 7 mẫu xe sản xuất đã không thể cứu vớt thương hiệu của chúng.

Pontiac G8 2008

Có một vài mẫu xe lẽ ra có thể cứu Pontiac khỏi cảnh đóng cửa, trước khi chiếc xe cuối cùng của hãng lăn bánh khỏi dây chuyền sản xuất trong năm 2010. Tuy nhiên, sự thất bại của mẫu Pontiac Aztek đã để lại tiếng xấu cho thương hiệu đến mức thậm chí mẫu G8 mạnh mẽ cũng không thể xoay chuyển tình thế. Một mẫu sedan 4 cửa trang bị động cơ V8 với huy hiệu Pontiac phải là một công thức thành công ở Mỹ. Nó cơ bản là một mẫu Holden Commodore được đổi logo, và đây là một chiếc sedan hiệu suất cao cực kỳ thành công của GM ở Úc và New Zealand.

Tuy nhiên, Pontiac G8 được phát hành vào năm 2008 và chỉ bán được 13.000 chiếc, để lại 11.000 chiếc G8 chưa bán được trong kho. Vào giữa năm 2009, lượng xe tồn kho đã giảm xuống, và GM đã bán được 30.700 chiếc, khiến nó trở thành một sản phẩm có doanh số thất vọng. Chiếc G8 cuối cùng đã lăn bánh khỏi dây chuyền lắp ráp vào ngày 19 tháng 6 năm 2009, và giờ đây, Pontiac là một thương hiệu đã chết.

Triumph TR8 1978

Kiểu dáng thân vỏ của TR7 là một điều khiến người ta hoặc yêu hoặc ghét, nhưng mẫu xe này đem đến trải nghiệm lái rất thú vị, và đáng tin cậy bất ngờ đối với một chiếc xe thể thao Anh vào cuối những năm 1970. Nhà sản xuất của nó, British Leyland là một công ty thường gặp rắc rối bởi những quyết định kinh doanh thiếu sáng suốt của mình. Thay vì tập trung vào việc tạo ra những chiếc xe tốt hơn và phục vụ đúng thị trường châu Âu, một người nào đó đã phê duyệt Triumph TR7 với vai trò một chiếc xe để đẩy mạnh vào thị trường Mỹ. Để gia tăng khả năng thành công, Triumph cũng gắn một động cơ V8 dưới nắp capô xe và gọi nó là TR8.

Với động cơ Rover V8 đáng tin cậy và thích ứng tốt dưới nắp capô, Triumph TR8 là một mẫu xe tuyệt vời, nhưng kết cục chỉ bán được 2.750 chiếc. Một bước tiến lớn vào thị trường Mỹ có thể đã cứu Triumph khỏi cảnh bị khai tử, nhưng thay vào đó, nhà sản xuất ô tô huyền thoại được thành lập từ năm 1885 đã phải tuyên bố đóng cửa vào năm 1984. Tên thương hiệu Triumph vẫn tồn tại ngày nay, và hiện thuộc sở hữu của BMW khi công ty Đức mua lại Rover Group vào năm 1994.

Scion FR-S 2012

Các nhà sản xuất ô tô thường thích nói rằng mẫu xe mới nâng cấp hoặc mới hoàn toàn của họ chủ yếu nhắm đến nhóm người mua trẻ hơn, và đây là điều khiến không ít người bật cười. Nguyên nhân đơn giản là đa số người trẻ trong độ tuổi 18 - 25 đều không đủ điều kiện để mua một chiếc xe ô tô mới. Thực tế, ý của các nhà sản xuất là họ đang nhắm đến việc bán chiếc xe mới của mình cho những người muốn được cảm thấy trẻ trung hơn, nhưng nếu nói toẹt ra như vậy thì không hay.

Tuy nhiên, Toyota đã không ngại nói thật khi nhà sản xuất ô tô Nhật Bản tạo ra thương hiệu Scion và tung ra thị trường vào năm 2003. Ngay từ đầu, mẫu xe xB nhỏ bé vuông vắn đã thành công với những khách hàng độ tuổi về hưu, những người thích kích thước, tính thực dụng, và dễ dàng ra vào của nó. TC, một mẫu coupe cỡ nhỏ, cũng đã bán tốt với nhóm đối tượng khách hàng của nó, nhưng vào năm 2010, Scion đã ghi nhận doanh số bán hàng thấp và gặp cảnh khó khăn.

Trong năm 2012, Scion bắt đầu bán một phiên bản đổi logo của Toyota 86, nhưng những gì xe mới làm được là ăn mòn doanh số của tC. Scion có thể đã tồn tại nếu nó làm đúng nhiệm vụ đặt ra ban đầu, đó là cung cấp một khởi điểm để đến với Toyota và Lexus. Tuy nhiên, có rất ít khách hàng của Scion đã tìm đến các thương hiệu cao cấp hơn đó, và thương hiệu Scion đã dần biến mất vào năm 2016.

Oldsmobile Aurora 1995

Vào cuối những năm 1990, Oldsmobile cần tăng cường hình ảnh và cạnh tranh với các thương hiệu cao cấp như BMW, Mercedes, và Lexus bằng một mẫu sedan cỡ lớn. Vào thời điểm Aurora được tung ra thị trường, doanh số bán hàng của Oldsmobile đã chạm đáy. Tuy nhiên, công ty đã có một mẫu sedan V8 phong cách, công nghệ tiên tiến, và được chế tạo tốt để bán tới khách hàng.

Là một phần của kế hoạch trẻ hóa Oldsmobile, thương hiệu đã quyết định rằng họ sẽ không gắn các logo Oldsmobile trên xe, và tên công ty sẽ chỉ xuất hiện dưới dạng chữ nhỏ trên các quảng cáo. Đáng tiếc, đây là một quyết định sai lầm khó hiểu. Doanh số bán hàng đã bắt đầu tốt, nhưng rồi nhiều khách hàng tiềm năng thấy bối rối không biết tìm mua ở đâu bởi họ chẳng rõ ai là người chế tạo Aurora. Thế hệ thứ hai đã gặp thất bại thảm hại, một phần do việc ra mắt của nó trùng với thời điểm GM tuyên bố sẽ cắt giảm thương hiệu Oldsmobile.

Plymouth Prowler 1997

Plymouth được tạo ra bởi Chrysler và ra mắt vào năm 1928 với tư cách là một thương hiệu cấp thấp, và đã tồn tại qua đủ vấn đề cho đến khi nó bị đóng cửa vào năm 2001. Plymouth đã vượt qua những năm 1990 mà không có một chút bản sắc gì hấp dẫn, và Chrysler đã cố gắng hồi sinh thương hiệu bằng cách tái định vị nó, một lần nữa, như một thương hiệu cấp thấp. Là một nỗ lực phút cuối, Plymouth đã được chèo lái theo một hướng mới đó là chế tạo và bán những mẫu xe độc đáo khác lạ. Mẫu xe đầu tiên trong số đó là Plymouth Prowler.

Mẫu roadster hotrod kiểu cổ điển kỳ lạ sẽ không bao giờ là một sản phẩm đạt doanh số bán hàng cao, nhưng nó cũng không hoạt động tốt vì nó được trang bị động cơ V6 thay vì động cơ V8, điều được mong đợi ở một chiếc hotrod. Chỉ có 11.702 chiếc được sản xuất và bán trong 5 năm, và 3.170 chiếc trong số đó đã được gắn logo Chrysler vào năm 2001 và 2002. Mẫu xe thứ hai được lên kế hoạch giúp Plymouth trở lại là PT Cruiser, nhưng kết quả nó lại là một thành công về doanh số cho Chrysler .

Saab 9-7X 2005

General Motors đã mua lại Saab vào năm 2000. Để cố gắng giải cứu thương hiệu này, GM đã tung hai mẫu xe gắn huy hiệu Saab vào thị trường Mỹ trong cùng năm 2005 với hy vọng thúc đẩy doanh số bán hàng. Saab 9-2X được chế tạo dựa trên Subaru Impreza, trong khi Saab 9-7X dựa trên Chevrolet Trailblazer. Hy vọng chủ yếu được đặt vào mẫu SUV hạng sang cỡ vừa, nhưng 9-7X lại không bán tốt như kỳ vọng. Tại thời điểm đỉnh của 5 năm sản xuất, Saab đã bán được 28.080 chiếc 9-7X, nhưng vào năm 2009, con số đó giảm xuống còn 1.209 chiếc khi GM đóng cửa nhà máy ở Moraine, tiểu bang Ohio.

Một phần vấn đề có thể là vì 9-7X là mẫu SUV hạng sang đắt tiền thứ hai được sản xuất bởi General Motors, với Cadillac Escalade là mẫu đầu tiên. Một nguyên nhan khác là nó đã được chế tạo trên cùng khung gầm với Chevrolet TrailBlazer, GMC Envoy, Oldsmobile Bravada, và Buick Rainier. Hơn nữa, Saab cũng là một thương hiệu kén khách ở Mỹ.

Holden Monaro 2001

Trong khi thương hiệu thuộc sở hữu của GM Úc, Holden, đã cố gắng tồn tại “lay lắt” cho đến năm 2020, rắc rối của thương hiệu đã bắt đầu xuất hiện tại thời điểm bước sang thế kỷ 21. Đầu những năm 2000 là giai đoạn hết sức quan trọng, và sự hồi sinh của cái tên Monaro dưới dạng một mẫu coupe hiệu suất cao có thể đã lật ngược tình thế. Nó đã được đón nhận khá tốt và cũng được sử dụng làm cơ sở cho các loại xe hiệu suất cao trang bị động cơ V8 của bộ phận Holden Special Vehicles (HSV).

Tuy nhiên, lợi nhuận đã không đến như mong đợi, và Holden cuối cùng đã phải dựa vào những chiếc xe từ các thương hiệu khác với logo Holden gắn trên chúng. Trong những năm 2010, Holden thậm chí còn phải phụ thuộc vào tài trợ của chính phủ Úc, nhưng đến năm 2017, nó đã không còn tồn tại với tư cách là một nhà sản xuất ô tô.

Đánh giá: