5 yếu tố khiến chiếc xe hiện đại nào cũng là "xe Nhật Bản"
20:05 - 23/03/2022
Ngày nay, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ xe quả thực mang tới nhiều tiện lợi, nhưng cũng phần nào khiến mọi người phần nào coi chúng là lẽ đương nhiên. Cho dù là công nghệ định vị, Bluetooth, hay ghế sưởi ấm, một chiếc xe thiếu đi những tiện nghi hiện đại sẽ được coi là thấp kém những chiếc khác.
Trên thực tế, các nhà sản xuất xe Nhật Bản đã đi tiên phong áp dụng nhiều tính năng mà người mua xe bây giờ yêu cầu phải có. Trong một video mới đăng tải trên YouTube, kênh “Donut Media” đã nhìn lại những tính năng xe ô tô vốn có nguồn gốc Nhật Bản mà nhiều người có thể chưa biết.
Video "Donut Media" lý giải tại sao xe nào về cơ bản cũng là xe Nhật Bản
Hệ thống Sản xuất Toyota
Bởi vì thiếu không gian, các nhà máy sản xuất xe của Nhật Bản không thể lưu trữ lượng lớn hàng hóa như các nhà máy ở Mỹ. Vì vậy trong năm 1948, Toyota đã đưa ra Hệ thống Sản xuất Toyota, với mục tiêu giảm bớt chất thải dư thừa đồng thời gia tăng năng suất.
Hệ thống này dù mang đúng chất Nhật Bản, nhưng nguồn cảm hứng sáng tạo ra nó lại đến từ một chuyến viếng thăm siêu thị Mỹ. Khách hàng sẽ mua những thứ họ muốn, và cửa hàng sẽ bổ sung các kệ hàng khi cần. Giờ đây được biết đến với tên gọi “Lean Manufacturing” (tạm dịch: “sản xuất tinh gọn”), hình thức này có nghĩa là nhà máy chỉ lưu trữ đúng những phụ tùng đang cần thiết, khi cần thiết.
Đến những năm 1990, các nhà sản xuất xe Mỹ cũng bắt nhịp ý tưởng này, với Ford là công ty đầu tiên áp dụng “Lean Manufacturing” với mẫu Taurus.
Bộ lọc dầu
Bộ lọc dầu bên trong động cơ không phải là phát minh của Nhật Bản, nhưng cho tới khi Toyota tối ưu hóa hệ thống này thì nó mới thực sự phát huy hết tác dụng. Các động cơ Mỹ sẽ chỉ lọc khoảng 10% dầu, dẫn đến động cơ chỉ có tuổi thọ khoảng 80.000 km. Nhằm cải thiện vấn đề này, Toyota đã phát triển một hệ thống lọc 100% lượng dầu trong động cơ, giúp tăng tuổi thọ động cơ lên gần 4 lần. Động cơ sạch hơn cũng có thể được chế tạo để có dung sai chặt chẽ hơn, cải thiện hiệu suất và tính tiết kiệm.
Tính năng định vị
Nhật Bản không chỉ cách mạng hóa phương pháp lắp ráp xe, mà các nhà sản xuất xe của nước này cũng thay đổi mạnh mẽ cách chúng ta sử dụng xe hàng ngày. Ý tưởng hệ thống định vị tích hợp trong có thể xuất hiện lần đầu tiên trong chiếc Aston Martin DB5 huyền thoại của James Bond, nhưng Honda thực sự đã có thể chế tạo nó cho mẫu Honda Accord 1981 của họ - mặc dù nó là tùy chọn giá 2.746 USD.
Đến năm 1982, Honda nhận ra rằng một con quay hồi chuyển chứa đầy khí heli trên mặt táp lô không phải là giải pháp tốt nhất cho một hệ thống bản đồ di động, nhưng ý tưởng đó đã bắt đầu nảy mầm trong ngành. Hệ thống định vị GPS như chúng ta biết đã ra mắt lần đầu trên mẫu Toyota Soarer 1991 (Lexus SC400 tại Mỹ), và một lần nữa, Mỹ bắt đầu để tâm và cung cấp tính năng định vị “Guide Star” trên mẫu Oldsmobile Eighty-Eight 1995.
Camera lùi
Với yêu cầu khiến ô tô an toàn hơn khi va chạm, chúng đã phải tăng kích thước theo mọi hướng. Các cột trụ dày hơn để giữ cho phần nóc không bị sụt lún vào trong khi lật đồng nghĩa rằng các chiếc xe trở nên khó nhìn ra ngoài hơn, nhưng Nhật Bản cũng đã có giải pháp cho chuyện đó.
Nhật Bản luôn là quốc gia tiên phong về công nghệ video, vì vậy các kỹ sư xe ô tô không quá khó để tìm ra cách lắp một camera CCD nhỏ, quay mặt về phía sau giúp người lái có thể dễ dàng quan sát phía sau hơn. Đối với mẫu Toyota Soarer 1991, nó đã có sẵn một màn hình trên bảng điều khiển trung tâm để điều hướng, vì vậy việc kết nối đơn giản như kết nối đầu băng VCR.
Microchip
Trong trường hợp này, Ford mới thực sự là công ty lắp đặt microchip vào trong xe trước mọi nhà sản xuất khác, nhưng bản thân các microchip (vi mạch) đó lại được chế tạo bởi Toshiba ở Nhật Bản. Các microchip điều khiển hầu hết các hoạt động của một chiếc xe hiện đại, bao gồm phun nhiên liệu, chuyển số, kiểm soát lực bám, cửa sổ điện, khóa cửa, và thậm chí cả chân ga. Nếu không có microchip, công nghệ xe hiện đại sẽ không thể thực hiện được.