Yamaha phát triển công nghệ trợ lực tay lái cho xe môtô
13:43 - 12/04/2022
Ở thời điểm hiện tại, xe môtô phân khối lớn đã được trang bị rất nhiều công nghệ điện tử hiện đại mà 10 năm trước vẫn chưa từng xuất hiện, nhưng có vẻ như số lượng công nghệ hỗ trợ trên xe sẽ tiếp tục tăng lên. Mới đây, Yamaha vừa công bố một công nghệ điện tử mới, không chỉ giúp tăng độ an toàn mà còn mở ra một cánh cửa mới ở mảng hình học cơ cấu lái.
Cụ thể, hãng xe Nhật Bản đang phát triển công nghệ đánh lái điện mới có tên gọi là EPS, đồng thời dự kiến sẽ trang bị công nghệ này cho loạt xe địa hình Yamaha trong giải All Japan Motocross Championship tại Nhật Bản. Không chỉ giới hạn ở xe địa hình, Yamaha cũng đã lên kế hoạch trang bị EPS cho nhiều dòng xe khác nhau.

Công nghệ trợ lực tay lái trên xe cào cào Yamaha
Theo công bố, hệ thống trợ lực tay lái do Yamaha phát triển có kích thước vô cùng nhỏ gọn, được điều khiển bởi một máy vi tính. Đương nhiên bất kỳ hệ thống nào được điều khiển bằng máy vi tính đều có tiềm năng bổ sung thêm nhiều tính năng vô cùng hữu ích.
Đến đây, nhiều người có thể nghĩ rằng hệ lái lái điện là không cần thiết do việc đánh lái thực sự không mất quá nhiều sức lực. Tuy nhiên câu chuyện lại hoàn toàn khác với các tay đua xe địa hình Motocross, những người liên tục phải gồng mình đánh lái để giúp vượt qua các địa hình khó khăn. Lúc này, hệ thống lái điện sẽ thể hiện vai trò của mình, qua đó giúp giảm tình trạng đau mỏi cho các tay đua sau những chặng đua mệt nhọc.
Ngoài vai trò trợ lực lái cho các tay đua, hệ thống EPS còn có một chức năng khác là giảm chấn tay lái chủ động, giúp giảm thiểu ngoại lực lên tay lái, từ đó giúp người điều khiển xe có thể kiểm soát tay lái tốt hơn. Mặc dù hệ thống náy hiện chỉ được sử dụng cho các mẫu xe cào cào địa hình, nhưng những gì mà nó làm được hoàn toàn có thể ứng dụng lên các dòng xe đua, khá cũng như xe thương mại, mang đến lợi ích khá thiết thực cho người dùng.
Bản thân hệ thống trợ lực tay lái sử dụng công nghệ cảm biến mô-men xoắn từ tính từ xe đạp có trợ lực nhằm hiểu rõ dụng ý của người dùng. Trên xe đạp điện, các cảm biến mô-men xoắn này sẽ cảm nhận được việc người dùng đang đạp xe và lực đạp, sau đó gửi dữ liệu đó đến máy tính điều khiển để tính toán mức độ trợ lực điện cần thiết. Trên EPS, nó cũng có cách thức hoạt động tương tự, nhưng trên tay lái của xe môtô.
Ngoài ra, EPS còn có thể phân biệt giữa dụng ý của người lái và ảnh hưởng từ ngoại lực, từ đó giúp tăng độ ổn định cho tay lái mà không làm giảm khả năng phản ứng của người điều khiển xe.
Theo đánh giá, tiềm năng của hệ thống EPS là vô cùng lớn. Độ ổn định nhân tạo của hệ thống này đồng nghĩa rằng các mẫu xe môtô có thể được thiết kế với góc nghiêng phuộc trước nhỏ hơn, từ đó giúp xe có thể cua gấp hơn mà không mất ổn định cho xe cũng như dễ khiến "múa lân" trên tay lái. Đối với xe có góc nghiêng phuộc trước lớn, hệ thống EPS cũng sẽ giúp cho việc đánh lái nhẹ nhàng hơn; cân bằng giữa độ ổn định và độ phản hồi, từ đó giúp việc thiết kế xe thêm dễ dàng hơn.

Nếu thành công, công nghệ trợ lực lái của Yamaha sẽ mang đến tiềm năng to lớn về thiết kế xe và sự an toàn cho người lái
Đáng chú ý hơn nữa, EPS còn có thể được kết nối với cảm biến IMU, kết hợp cùng các tính năng khác như kiểm soát lực kéo, ABS hỗ trợ trong cua nhằm tăng tối đa độ ổn định, giảm thiểu khả năng xảy ra tai nạn do mất kiểm soát xe.

