Vi phạm luật tái chế xe hết hạn, 15 hãng ô tô bị phạt 494 triệu USD, Mercedes thoát nạn vì lên tiếng tố cáo
13:23 - 03/04/2025
Mới qua được 3 ngày nhưng tháng 4/2025 đã trở thành khoảng thời gian vô cùng đen tối của nhiều hãng ô tô. Ngoài việc phải đối mặt với mức thuế "tàn khốc" của Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến có hiệu lực vào ngày 2/4/2025, nhiều hãng ô tô còn bị Liên minh Châu Âu (EU) phạt nặng.
Cụ thể, EU đã phạt 15 hãng xe và Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu (ACEA) với số tiền tổng cộng 458 triệu Euro (khoảng 494,1 triệu USD) vì thông đồng vi phạm luật tái chế xe hết niên hạn. Đây là quá trình tháo dỡ, xử lý xe để tái chế và loại bỏ khi chúng không còn sử dụng được nữa.
Theo Ủy ban Châu Âu, 16 hãng xe cùng ACEA đã tham gia vào các thỏa thuận phản cạnh tranh và thực hiện những hành vi thông đồng liên quan đến tái chế xe cũ. Cụ thể, nhóm này đã thống nhất không trả tiền cho các cơ sở tái chế xe vì cho rằng đây là một ngành kinh doanh đã có lợi nhuận đủ lớn.
Không chỉ vậy, các hãng xe này còn chia sẻ thông tin thương mại nhạy cảm về thỏa thuận của họ với cơ sở tái chế xe và thông đồng với các đơn vị này. Các hãng cũng giấu thông tin về khả năng tái chế xe để khách hàng không cân nhắc yếu tố này khi mua ô tô.
Hành động này đã vi phạm Chỉ thị 2000/53/EC của EU, quy định chủ sở hữu cuối cùng của xe hết niên hạn có quyền tháo dỡ xe của họ miễn phí tại một cơ sở tái chế. Nếu cần thiết, các nhà sản xuất xe phải chịu chi phí. Chỉ thị cũng yêu cầu người tiêu dùng phải được thông báo về hiệu suất tái chế của xe mới.
Vụ bê bối này đã kéo dài hơn 15 năm, từ tháng 5/2002 đến tháng 9/2017, đồng thời liên quan đến BMW, Ford, Honda, Hyundai/Kia, Jaguar Land Rover, Mazda, Mercedes-Benz, Mitsubishi, Opel, Renault/Nissan, Stellantis, Suzuki, Toyota, Volkswagen và Volvo. Tata, General Motors và Geely cũng có liên quan với tư cách công ty mẹ.
ACEA được cho là đã đóng vai trò như một “người tổ chức” khi sắp xếp nhiều cuộc họp và tạo điều kiện liên lạc giữa các hãng xe tham gia vào thỏa thuận này.
Dù cũng tham gia vào thỏa thuận nhưng Mercedes-Benz đã lên tiếng tố cáo các đồng phạm của mình để được miễn hoàn toàn án phạt. Điều này giúp họ tránh được khoản phạt trị giá 35 triệu Euro (khoảng 37,8 triệu USD).
Một số hãng xe khác cũng được giảm nhẹ án phạt nhờ mức độ tham gia thấp hơn, bao gồm Honda, Mazda, Mitsubishi và Suzuki. Renault từng yêu cầu được miễn trừ khỏi quy định không quảng cáo về việc sử dụng vật liệu tái chế trong xe mới. Stellantis (bao gồm Opel), Mitsubishi và Ford cũng hợp tác điều tra để được giảm nhẹ hình phạt.
Volkswagen là hãng chịu mức phạt cao nhất, lên đến 127,7 triệu Euro (137,7 triệu USD). Các hãng bị phạt nặng tiếp theo gồm Renault/Nissan (81,5 triệu Euro hay 87,9 triệu USD) và Stellantis (74,9 triệu Euro, tương đương 80,8 triệu USD). Riêng ACEA bị phạt 500.000 Euro.
Tất cả các hãng xe đều thừa nhận hành vi sai trái để được giảm 10% số tiền phạt. Trong một tuyên bố, tập đoàn Stellantis cho biết họ thừa nhận quyết định của cơ quan cạnh tranh EU và đã hợp tác trong suốt quá trình điều tra. Công ty cũng cho biết khoản phạt này đã được dự trù trước và phản ánh trong báo cáo tài chính năm 2024 của họ.
Bà Teresa Ribera, Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban Châu Âu về Chuyển đổi Công bằng và Cạnh tranh, tuyên bố: “Hôm nay, chúng tôi đã có động thái mạnh mẽ chống lại các công ty thông đồng nhằm ngăn cản cạnh tranh trong lĩnh vực tái chế. Những nhà sản xuất ô tô này đã phối hợp trong hơn 15 năm để tránh trả tiền cho dịch vụ tái chế bằng cách thống nhất không cạnh tranh với nhau trong quảng cáo về mức độ tái chế của xe, cũng như đồng thuận giữ im lặng về việc sử dụng vật liệu tái chế trong xe mới".
“Chúng tôi sẽ không dung thứ cho bất kỳ nhà sản xuất ô tô nào, đặc biệt là những hãng cố tình ngăn chặn nhận thức của người tiêu dùng và nhu cầu đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường", bà Ribera nói thêm.
