Tỷ phú Phạm Nhật Vượng: 600.000 xe điện VinFast bán tại Mỹ sẽ được nhập khẩu từ Việt Nam
17:11 - 11/05/2022
- Taxi VinFast chạy điện có được miễn phí sạc không?27/06/2024
- Vinfast đứng top 2 doanh số xe điện tại Đông Nam Á25/06/2024
- Trung Quốc vượt mặt Nhật Bản, trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới nửa đầu năm 202307/08/2023
Hôm nay, ngày 11/5/2022, Đại hội cổ đông thường niên của tập đoàn Vingroup đã được tổ chức. Trong sự kiện này, tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch tập đoàn Vingroup - đã đích thân trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến hãng ô tô VinFast của các cổ đông.
Đầu tiên là câu hỏi liên quan đến tình hình sản xuất. Theo ông Vượng, trong năm nay, VinFast đặt mục tiêu bán được 17.000 xe. Hiện đã có 4.000 khách hàng Mỹ đặt mua xe của thương hiệu Việt.
Chủ tịch Vingroup cho biết, nhà máy của VinFast tại Mỹ có công suất thiết kế là 150.000 xe/năm. Tuy nhiên, kế hoạch của VinFast trong năm 2026 là bán được 750.000 xe tại thị trường Mỹ. Do đó, sẽ có khoảng 600.000 chiếc xe bán ra tại Mỹ được sản xuất ở nhà máy Việt Nam.
Ngoài tình hình sản xuất kinh doanh, các cổ đông của tập đoàn Vingroup còn quan tâm đến ảnh hưởng của việc khan hiếm lithium đối với VinFast. Đây vốn là nguyên liệu quan trọng để sản xuất pin xe điện.
Trả lời câu hỏi này, ông Vượng cho biết không chỉ lithium mà các nguyên liệu khác cần cho việc sản xuất pin xe điện như coban, niken... cũng bị thiếu nguồn cung. Vì thế, VinFast đã lên danh sách 6 nhóm linh kiện chiến lược để sản xuất pin xe điện và nghiên cứu dự trữ lâu dài. Theo tỷ phú này, với sản lượng khoảng 100.000 - 200.000 xe/năm thì tình trạng khan hiếm những nguyên liệu kể trên không phải là vấn đề lớn. Thế nhưng, khi sản lượng tăng lên thì Vingroup cần phải hợp tác với các công ty khai mỏ để mua với số lượng lớn.
Về nhà máy sản xuất pin xe điện rộng 1.500 ha ở Vũng Áng, ông Vượng chia sẻ rằng diện tích tại đây sẽ được dùng để mở rộng các dự án của VinFast và VinES. Tuy nhiên, Vingroup muốn dành phần lớn diện tích cho các doanh nghiệp sản xuất linh kiện ô tô để góp phần phát triển ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam. Xe VinFast hiện có tỷ lệ nội địa hóa là 60%. Vingroup muốn tăng tỷ lệ này lên 80% trong tương lai.
Cũng theo ông Vượng, Vingroup đang rất quyết liệt trong việc tìm kiếm linh kiện và nguồn cung cho ô tô VinFast. "Bây giờ cái gì cũng thiếu, như cái xe VF e34 chỉ thiếu 1 con tem thì cũng không xuất xưởng được. Một chiếc xe có 4.000 cụm linh kiện, 40.000 linh kiện, chỉ thiếu 1 con ốc 1 con vít là không xuất được xe. Đây là thách thức rất lớn", ông Vượng chia sẻ.
Tỷ phú này cho biết, VinFast phải nhập một phần linh kiện từ Trung Quốc. Tuy nhiên, nguồn cung đã bị ngắt khi thành phố Thượng Hải đóng cửa để phòng chống đại dịch Covid-19 và các nhà máy sản xuất chip bán dẫn trên thế giới ngừng hoạt động. Để giải quyết tình trạng này, Vingroup đang thúc đẩy chiến lược nội địa hóa linh kiện.
"Chúng tôi đang mời gọi các nhà sản xuất chip về mở nhà máy ở Việt Nam. Vingroup thậm chí có những ưu đãi rất lớn cho họ: miễn thuê đất, miễn tiền thuê nhà xưởng 10-15 năm để họ có thể đầu tư mạnh mẽ vào sản xuất. Lúc đó chúng ta sẽ giải được bài toán nguồn cung, và khi đảm bảo nguồn cung chúng ta sẽ phát triển rất nhanh. Thế giới bây giờ chỉ thiếu xe, chứ không thừa xe. Nếu chúng ta có xe sẽ bán được rất nhanh, và chúng tôi sẽ rất quyết liệt thúc đẩy câu chuyện này", chủ tịch Vingroup tiết lộ.
Trong năm nay, VinFast sẽ chính thức nhận đặt hàng dành cho 3 mẫu ô tô điện VF5, VF8 và VF9 trên thị trường toàn cầu. Đồng thời, VinFast cũng chuẩn bị cho việc bàn giao 2 mẫu xe VF8 và VF9 cho khách hàng thế giới từ cuối năm nay. Trong khi đó, tại Việt Nam, VinFast sẽ tiếp tục bàn giao những chiếc ô tô điện VF e34 cho khách hàng.