Toyota: Khởi nguồn từ ngành dệt rồi trở thành hãng ô tô hàng đầu thế giới
Duy Thành 20:00 - 10/01/2018
Toyota Motor Corporation là công ty sản xuất ô tô lớn nhất Nhật Bản và hiện cũng thuộc top đầu thế giới. Tính đến thời điểm năm 2017, Toyota có cấu trúc công ty khổng lồ với 364.445 nhân viên trên toàn thế giới, duy trì sản xuất 10 triệu chiếc xe mỗi năm kể từ thời điểm năm 2012.
Mới đây, vị chủ tịch thứ 7 đồng thời là con trai thứ của người sáng lập Toyota, ông Toyoda Tatsuro đã qua đời ở tuổi 88, để lại một sự tiếc nuối không nhỏ đối với ngành công nghiệp ô tô thế giới. Nhân dịp này, chúng ta sẽ cùng điểm lại một số dấu mốc lịch sử và những thành công lớn của thương hiệu Toyota trong suốt thời gian từ khi thành lập đến nay.
Ban đầu, Toyota được biết đến dưới cái tên Toyota Automobiles, một công ty con ra đời vào năm 1933 của Toyoda Automatic Loom Works chuyên sản xuất máy dệt được thành lập bởi ông Toyoda Sakichi vào năm 1926. Toyota Automobiles được thành lập và dẫn dắt bởi ông Toyoda Kiichiro, con trai trưởng của ông Sakichi. Đến năm 1937, công ty này được đổi tên thành Toyota Motor Corporation và trở thành một công ty độc lập.
Những chiếc xe đầu tiên được sản xuất bởi Toyota là mẫu xe du lịch A1 và xe tải G1 ra mắt năm 1935. Vào năm 1939, công ty thành lập một trung tâm nghiên cứu tập trung về xe điện chạy ắc quy. Đến năm 1940, Toyoda Science Research Center đã chính thức được ra đời. Sau quãng thời gian nổ ra Thế Chiến II, Toyota đã sử dụng phần lớn các xe tải cũ và bị hỏng để sản xuất xe tái chế.
Chiếc xe đầu tiên của Toyota
Vào năm 1947, hai năm sau khi cuộc chiến kết thúc, Toyota đã cho ra mắt một mẫu xe thử nghiệm cỡ nhỏ với tên Toyopet, một phân khúc bị ngó lơ bởi các nhà sản xuất ô tô Mỹ. Trong năm 1949, kiểu xe này đã được bán lần đầu tiên ở Nhật Bản và có thể đạt tốc độ tối đa 86 km/h. Mặc dù vào thời điểm đó, nền kinh tế Nhật Bản đang ở trong tình trạng tồi tệ với chi phí liên tục tăng và trượt giá cao nhưng Toyota đã mạnh dạn sản xuất càng nhiều xe càng tốt. Kết quả là họ đã sản xuất ra số xe trị giá 3,5 triệu USD nhưng chỉ có thể thu về 2,5 triệu USD.
Một chiếc Toyopet với thiết kế dễ thương
Đối diện với một món thua lỗ lớn và đứng trước nguy cơ giải tán công ty, các lãnh đạo của Toyota đã đưa ra quyết định cắt giảm 2.000 nhân lực trên tổng số 8.000 người sau khi tiến hành nhiều cuộc thảo luận. Với một cơ chế quản lý mới, công ty đã bắt đầu đầu tư vào những công nghệ mới nhất giúp cải thiện hiệu quả sản xuất ngay lập tức.
Vào năm 1951, Toyota đã cho ra mắt Land Cruiser đời đầu và nay đã nên nổi tiếng khắp thế giới. Khi đó, họ chỉ sản xuất khoảng 500 xe mỗi tháng với các tiêu chí tập trung chất lượng hơn số lượng và giữ chi phí sản xuất thấp nhất có thể. Dần dần, Toyota đã trở thành một thương hiệu dễ nhận diện và từng bước gia tăng số lượng sản xuất qua từng năm.
Đến năm 1980, Toyota đã trở thành nhà sản xuất xe ô tô lớn thứ hai trên thế giới về sản lượng, chỉ đằng sau General Motors (GM) và duy trì vị trí đó gần 30 năm. Trong năm 1984, Toyota đã bắt tay với GM để thành lập một máy liên doanh có tên New United Motor Manufacturing, Inc. Liên doanh này cho phép Toyota bắt đầu sản xuất xe ở Mỹ và mở rộng tầm ảnh hưởng ra thị trường quốc tế.
Liên doanh của Toyota và GM
Tới năm 1991, Toyota đã bán hơn 1 triệu xe du lịch và xe tải ở thị trường Mỹ đồng thời nắm giữ hơn 40% thị phần ngành công nghiệp xe Nhật Bản. Không lâu sau đó, Toyota bắt đầu tiến quân sang những thị trường mới như châu Mỹ Latin và Đông Nam Á.
Toyota khởi đầu là một thương hiệu chuyên sản xuất xe bình dân với giá cả phải chăng nhưng cũng sớm cho ra đời thương hiệu xe sang của riêng mình trong năm 1989 với cái tên Lexus. Nhanh chóng thành công và được khách hàng đón nhận, đến giữa thập niên '90, Lexus đã bán chạy hơn cả những thương hiệu xe sang đã nổi tiếng như BMW, Mercedes-Benz hay Jaguar.
Xe Lexus đời đầu
Trong năm 1990, Toyota đã ghi nhận kỷ lục doanh thu 4 tỷ USD quy mô toàn cầu nhưng lại không giữ được đà tăng trưởng này mà liên tục bị sụt giảm trong suốt 4 năm sau đó.
Các công nhân trong nhà máy của Toyota
Kể từ năm 1995, Toyota đã đưa ra kế hoạch kinh doanh toàn cầu mới với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng tại các thị trường quốc tế, bắt đầu bằng việc xây dựng nhà máy sản xuất tại hàng loạt quốc gia như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan, Pháp, Canada… Thông qua các nhà máy địa phương này, Toyota có thể giảm bớt chi phí và thời gian vận chuyển linh kiện, cũng như gia tăng sản lượng, tập trung nguồn lực lớn hơn cho công việc nghiên cứu, phát triển công nghệ mới.
Trung tâm R&D của Toyota
Trong tháng 10/1997, Toyota đã cho ra đời một mẫu xe mang tính cách mạng, kết hợp động cơ xăng và mô-tơ điện để giảm một nửa lượng khí CO2 phát thải mang tên Prius. Chẳng bao lâu sau, nhu cầu cho chiếc xe thân thiện môi trường này đã vượt xa khả năng sản xuất mà Toyota có thể làm được.
Toyota Prius đời đầu
Trong năm 2000, sản lượng sản xuất của Toyota đã vượt mốc 5 triệu chiếc toàn cầu lần đầu tiên. Chiếc xe bán chạy nhất của Toyota là Corolla được ra mắt năm 1966. Tính tới năm 2013, Toyota đã bán hơn 40 triệu chiếc Corolla trên quy mô toàn cầu. Đến năm 2012, Toyota là nhà sản xuất xe ô tô đầu tiên trên thế giới có sản lượng trên 10 triệu chiếc mỗi năm và có doanh thu hàng năm là 225 tỷ USD, đồng thời đạt dấu mốc lịch sử sản xuất chiếc xe thứ 200 triệu.
>>> Tin buồn: Toyoda Tatsuro, người có công đưa Toyota lên tầm thế giới, qua đời ở tuổi 88