menu

Tin buồn: Toyoda Tatsuro, người có công đưa Toyota lên tầm thế giới, qua đời ở tuổi 88

Duy Thành 15:21 - 09/01/2018

Ông Toyoda Tatsuro, người đã dẫn dắt Toyota trên con đường mở rộng ra toàn cầu, cũng chính là chú ruột chủ tịch tập đoàn xe Nhật Bản hiện tại.

Theo thông báo chính thức vào hôm thứ 7 tuần trước, ông Toyoda Tatsuro, con trai thứ được ăn học tại Mỹ của người sáng lập ra tập đoàn Toyota và là nhân tố quan trọng trong chính sách mở rộng ra quốc tế của hãng này, đã qua đời vào ngày 30/12/2017 bởi căn bệnh viêm phổi lâu năm, hưởng thọ 88 tuổi.

Ông Tatsuro từng đảm nhiệm vai trò chủ tịch thứ 7 của Toyota kể từ năm 1992 đến 1995, và đã dẫn dắt nhà máy tại Mỹ đầu tiên của công ty. Nhà máy này đại diện cho mối quan hệ hợp tác chưa từng có tiền lệ với General Motors, kết hợp phương thức vận hành nhà máy Nhật Bản với sức lao động và hệ thống công đoàn Mỹ.


Ông Toyoda Tatsuro, người đảm nhiệm vai trò chủ tịch của Toyota trong giai đoạn 1992-1995, đã qua đời vào ngày 30/12/2017.

Nhà máy này được đặt tên là New United Motor Manufacturing Inc., và đặt trụ sở ở Fremont, bang California, dẫn đến một thay đổi lớn trong cách nhà máy Mỹ hoạt động và thúc đẩy tăng trưởng quốc tế của Toyota. Sau đó, công ty này đã sản xuất ra Chevrolet Nova và Toyota Corolla, cùng những mẫu xe khác, trước khi đóng cửa trong năm 2010.

Hình ảnh ông Tatsuro ngồi trên một chiếc Chevrolet Nova ở nhà máy New United Motor Manufacturing

Điều người Mỹ học được từ tài lãnh đạo của Tatsuro là một cách thức sản xuất ô tô hoàn toàn khác biệt,” ông Jeffrey Liker, tác giả của cuốn sách The Toyota Way và là một giáo sư của trường Đại học Michigan, nói. “Và với Toyota, đây là một trong những chìa khóa để họ trở thành một công ty toàn cầu có thể bán 10 triệu chiếc xe một năm. Nó rõ ràng đã mang đến cái lợi hàng nghìn lần.

Sinh ngày 1/6/1929 ở tỉnh Nagoya, Nhật Bản, ông Tatsuro là cháu trai của ông Toyoda Sakichi, người khởi nghiệp với công ty Toyoda Automatic Loom Works năm 1926. Cha của ông, Toyoda Kiichiro là người sáng lập ra công ty Toyota vào năm 1937. Nguyên nhân công ty được đổi tên sang Toyota bởi vì chữ đó được coi là may mắn hơn.

Sau khi nhận bằng kỹ sư máy ở trường Đại học Tokyo, ông Tatsuro đi sang Mỹ, nơi ông nhận bằng thạc sỹ quản trị kinh doanh từ Đại học New York. Tại đây, ông đã theo học giáo sư W. Edwards Deming, một chuyên gia trong quản lí chất lượng và là người có ảnh hưởng tới cách người Nhật tiếp cận sản xuất chế tạo. Bên cạnh đó, ông Tatsuro còn học ở Nhà Quốc tế của Đại học Columbia. Ông từng làm việc cho các chi nhánh của Toyota ở Úc, Bắc Mỹ và châu Phi, trước khi trở lại Nhật Bản trong năm 1974 để đảm nhiệm vai trò giám đốc.

Trong đầu những năm '80’, Toyota mong muốn bắt đầu sản xuất ở Mỹ, và ông Tatsuro đã được giao phó trọng trách dẫn dắt chuyện này. Mục tiêu chính là để Toyota thành lập một nhà máy sản xuất với một đối tác Mỹ, dạy họ cách thức làm của người Nhật, thậm chí chế tạo cả xe thương hiệu Mỹ, và học cách quản lý nhân lực Mỹ, cũng như giải quyết hạn ngạch nhập khẩu tự nguyện. General Motors đã đồng ý bắt tay với hãng xe tới từ Aichi, Nhật Bản.

Trong năm 1983, ông Tatsuro được ngồi vào ghế chủ tịch và CEO của liên doanh giữa Toyota và GM. Các công nhân Mỹ đã gửi sang Nhật Bản theo nhóm 30 người một lúc để huấn luyện trong vài tuần. “Cả hai công ty đều hoàn toàn cam kết để biến New United Motor thành một mô hình hợp tác công nghiệp thành công giữa hai quốc gia,” ông Tatsuro phát biểu trong buổi khai mạc.

Ngay từ ban đầu, cách tiếp cận của ông Tatsuro đã có sự khác biệt. Ông nói về sự hợp tác với Liên đoàn công nhân Mỹ (UWA) theo một cách bất thường ở thời điểm đó: “Liên doanh của chúng tôi là một nỗ lực hợp tác giữa Toyota, GM và UAW,” ông Tatsuro nói.

Bên ngoài nhà máy New United Motor Manufacturing

Những sự thay đổi mà ông Tatsuro đã mang tới bằng cách áp dụng Hệ thống Sản xuất Toyota là rất cấp tiến ở thời đó. Ở các nhà máy xe ô tô Mỹ, công nhân không bao giờ ngừng dây chuyền sản xuất khi họ phát hiện ra vấn đề. Trong khi đó, Toyota lại khuyến khích thói quen và thưởng cho công nhân khi họ phát hiện lỗi hoặc cách cải thiện quy trình sản xuất.

Trong khi cách tiếp cận của người Nhật Bản là tháo bỏ cánh cửa khỏi xe để xử lý phần nội thấp và lắp lại cánh cửa ở giai đoạn sau của dây chuyền sản xuất, các giám đốc Mỹ lại phản đối kỹ thuật này và nói rằng như thế sẽ quá khó để đặt vừa cánh cửa trở lại. Ở Fremont, dây chuyền thường xuyên được dừng lại, và các cánh cửa được tháo ra.

Ông Tatsuro ưa chuộng một môi trương văn hóa công sở quân bình, không thích garage đỗ xe và nhà ăn riêng cho ban giám đốc. “Tôi từng thấy ông Tatsura phải đỗ xe ở một chỗ rất xa trong bãi khi ông ấy đến muộn,” ông Joel Smith, nhân viên hàng đầu của đơn vị UAW ở nhà máy Fremont, nói. Bản thân ông Tatsuro cũng là một người kín đáo trong suốt sự nghiệp của mình.

Đây là một con người vô cùng quyền lực, có trí tuệ mang tầm cỡ toàn cầu đã thay đổi mặt bằng sản xuất và cũng rất kín tiếng, rất khiêm tốn đến mức gần như chẳng có gì để viết về ông ấy cả,” ông David Magee, tác giả cuốn How Toyota Became #1, nói. “Ông ấy là sự tương phản của cách hoạt động ở Mỹ thời điểm đó, nơi những ông chủ hãng xe là hình tượng tự cao tự đại.

Ông Tatsuro lên ngôi vị chủ tịch Toyota trong năm 1992, khi đồng Yên đang tăng giá và Nhật Bản bước vào một giai đoạn khủng khoảng kinh tế kéo dài. Ông đã bắt đầu tìm kiếm cách thức cắt giảm chi phí và hiện đại hóa các nhà máy.

Lặng lẽ ở phía sau, ông ấy là minh chứng sống của cho cách làm của Toyota ở thời điểm khi công ty này đang phát triển rất nhanh và cần một la bàn đạo đức để giữ họ đi đúng con đường,” ông Liker nói.

Vào năm 1995, sau khi phải nhập viện vì huyết áp cao, ông Tatsuro đã nhường vị trí lãnh đạo cho Okuda Hiroshi. Đến năm 2009, công ty chính thức đưa Toyoda Akio, cháu trai của ông Tatsuro, lên vị trí chủ tịch.

Những ký ức tươi đẹp về con người và đạo đức của ông Tatsuro sẽ sống mãi qua người vợ, Toyoda Ayako, cũng như con trai họ.

>>> Tin buồn: Cha đẻ động cơ xoay Mazda, Yamamoto Kenichi, qua đời ở tuổi 95

Duy Thành
Đánh giá: