menu

Ô tô điện BYD xuất khẩu đắt gấp đôi xe bán ở thị trường nội địa và đây là lý do

16:11 - 30/04/2024

Mục tiêu của BYD chính là thu về tỷ suất lợi nhuận khổng lồ mà nhà sản xuất ô tô này không thể có được ở Trung Quốc trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay.

Các chính trị gia Mỹ và châu Âu đã đưa ra cảnh báo về việc ngành công nghiệp ô tô trong nước của họ có thể bị phá hủy bởi làn sóng xe điện giá rẻ đến từ Trung Quốc. Tuy nhiên, trên thực tế, BYD lại không giữ mức giá thấp cho xe xuất khẩu để cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài. Thay vào đó, nhà sản xuất ô tô điện hàng đầu của Trung Quốc lại tăng giá đáng kể cho xe xuất khẩu so với xe bán tại thị trường nội địa.

Mục tiêu của BYD chính là thu về biên lợi nhuận khổng lồ mà nhà sản xuất ô tô này không thể có được ở Trung Quốc trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay.

Ô tô điện BYD xuất khẩu đắt hơn gấp đôi, hoặc thậm chí gấp 3, xe ở Trung Quốc

Reuters đã xem xét mức giá do BYD hoặc các đại lý chính hãng công bố tại 5 thị trường xuất khẩu hàng đầu của họ, bao gồm Đức, Brazil, Israel, Úc và Thái Lan. Tại những thị trường này, BYD chủ yếu bán 3 mẫu xe điện chính là Dolphin, Seal và Atto 3. Riêng tại thị trường Israel, BYD Seal chưa được phân phối.

Tại các thị trường kể trên, giá khởi điểm của BYD Atto 3 cao hơn từ 81% đến 174% so với ở Trung Quốc. Mức tương ứng của BYD Dolphin là từ 39% - 187% và Seal là từ 30% - 136%.

Việc so sánh giá khởi điểm theo thị trường rất phức tạp do sự khác biệt về trang bị. Trong một số trường hợp, bản tiêu chuẩn của xe xuất khẩu được trang bị tốt hơn so với xe ở Trung Quốc.

Trong những trường hợp có thể so sánh sát nhất, giá xe BYD xuất khẩu thường cao hơn nhiều so với ở Trung Quốc. Ví dụ, hai phiên bản tương đương của BYD Dolphin tại Đức và Trung Quốc có giá chênh lệch đáng kể. Giá ở Đức là 37.439 USD, cao hơn gấp đôi so với mức 16.524 USD ở Trung Quốc. Trong khi đó, BYD Seal được bán với giá 48.139 USD tại Đức, cao hơn 59% so với mức giá 30.317 USD tại Trung Quốc. Để so sánh, phân tích của Reuters cho thấy Tesla - hãng có nền tảng chi phí cao hơn BYD - bán Model 3 tại Đức với giá chỉ cao hơn 37% so với ở Trung Quốc.

Biểu đồ so sánh giá xe BYD cũng như Tesla ở thị trường Đức và Trung Quốc

Biểu đồ so sánh giá xe BYD cũng như Tesla ở thị trường Đức và Trung Quốc.

Khi phóng viên Reuters yêu cầu bình luận về vấn đề này, BYD đã không trả lời. Được biết, trong một cuộc họp kín vào hồi tháng 3 năm nay, Chủ tịch BYD là ông Wang Chuangfu đã nói với các nhà đầu tư rằng hãng kỳ vọng xuất khẩu sẽ giúp tăng lợi nhuận trong năm nay khi cuộc chiến giá cả tại Trung Quốc đang đè nặng lên công ty này.

Thông thường, các nhà sản xuất ô tô sẽ tính mức giá khác nhau khi xuất khẩu xe sang nước ngoài. Tuy nhiên, ông Sam Fiorani, phó chủ tịch dự báo toàn cầu của công ty nghiên cứu thị trường AutoForecast Solutions, cho biết quy mô tăng giá của BYD đối với thị trường nước ngoài là rất hiếm. "Những chiếc xe được bán trên thị trường toàn cầu thường có phạm vi giá hẹp", ông Fiorani phát biểu.

Sự khác biệt về giá này đã phần nào phản ánh tình trạng cạnh tranh gay gắt ở Trung Quốc - thị trường ô tô lớn nhất thế giới, nơi hàng chục thương hiệu xe điện đang tiến hành cuộc chiến về giá. Mẫu xe hatchback thuần điện BYD Seagull hiện được bán với giá chưa đến 10.000 USD tại quê nhà.

Việc xe BYD xuất khẩu bị đội giá cũng cũng nhấn mạnh lợi thế chi phí to lớn mà ngành xe điện Trung Quốc có được so với các đối thủ nước ngoài. Theo các chuyên gia về ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc và dữ liệu chi phí pin, nước này đã siết chặt chi phí ở mọi khâu sản xuất, từ nguyên liệu thô đến pin, nhà xưởng và nhân công. Ngoài ra, chính phủ sở tại còn trợ cấp rất nhiều cho cả các thương hiệu trong và ngoài nước bán xe điện ở Trung Quốc. Đây là thị trường mà ô tô điện và xe plug-in hybrid chiếm hơn 1/3 tổng doanh số bán xe mới vào năm ngoái.

BYD có lợi thế hơn các nhà sản xuất ô tô truyền thống nhờ chuỗi cung ứng tích hợp theo chiều dọc. Họ tự sản xuất gần như tất cả các bộ phận của ô tô thay vì giao chúng cho nhà cung cấp. Giảm chi phí pin - thành phần đắt nhất của xe điện - chính là chìa khóa.

Ông Keith Norman, giám đốc phát triển bền vững của công ty khởi nghiệp pin Lyten ở Thung lũng Silicon, cho biết BYD cùng các nhà sản xuất ô tô và nhà cung cấp khác của Trung Quốc đã dành hai thập kỷ qua để đảm bảo quyền tiếp cận các mỏ trên khắp thế giới để đầu tư dài hạn vào các khoáng chất quan trọng dùng cho pin như lithium và coban. “Họ sở hữu các khoáng sản quan trọng", ông Norman nói.

Dữ liệu do công ty Benchmark Mineral Intelligence cung cấp cho Reuters cho thấy giá pin ở Trung Quốc trong năm nay thấp hơn khoảng 18% so với ở châu Âu. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc còn được hỗ trợ bởi chi phí nhà xưởng hợp lý, thường do chính quyền địa phương trợ cấp, và được hưởng lợi từ giá điện và nhân công rẻ hơn.

Biểu đồ so sánh giá pin ô tô điện tại Trung Quốc, Mỹ và châu Âu

Biểu đồ so sánh giá pin ô tô điện tại Trung Quốc, Mỹ và châu Âu.

Theo ông Mark Wakefield, người đứng đầu mảng ô tô toàn cầu tại công ty tư vấn AlixPartners có trụ sở ở New York, các công ty cũng có thể xây dựng nhà máy ở Trung Quốc chỉ trong vòng một năm vì không phải đối mặt với nhiều rào cản pháp lý như các nước phương Tây. Điều đó có nghĩa là vốn đầu tư vào mỗi chiếc xe của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc thấp hơn nhiều. "Và bạn sẽ kiếm được nhiều tiền hơn”, ông Wakefield kết luận.

Lợi thế chi phí này khiến các đối thủ nước ngoài lo lắng. Một số nhà sản xuất ô tô của Mỹ và châu Âu đang kêu gọi áp dụng mức thuế cao hơn đối với xe điện Trung Quốc. BYD và các nhà sản xuất ô tô điện khác của Trung Quốc đã mở rộng sang châu Âu nhưng chưa bán được xe ở Mỹ vì phải đối mặt với mức thuế cao hơn cũng như sự phản kháng chính trị gay gắt hơn.

Xe xuất khẩu mang lại lợi nhuận lớn

Sự thống trị của Trung Quốc trong ngành công nghiệp xe điện toàn cầu được thể hiện ngay tại Triển lãm Ô tô Quốc tế Bắc Kinh 2024. Tại đây, BYD đang trưng bày hai mẫu xe hạng sang như một phần trong chiến lược chiếm lĩnh thị trường ô tô cao cấp. Các nhà sản xuất ô tô, chủ yếu là thương hiệu Trung Quốc, dự kiến sẽ tung ra 110 mẫu xe điện và xe plug-in hybrid mới tại Trung Quốc ngay trong năm nay.

Trao đổi với Reuters, các chuyên gia về chi phí sản xuất xe điện cho rằng việc tăng giá ô tô điện xuất khẩu giúp BYD có cơ hội tạo ra lợi nhuận lớn hơn nhiều trên mỗi chiếc xe. Đồng thời, tỷ suất lợi nhuận đó cũng mang lại sự linh hoạt rất lớn trong việc giảm giá nếu cần để giành thị phần ở nước ngoài cho nhà sản xuất ô tô.

Xe xuất khẩu mang về lợi nhuận lớn hơn nhiều cho BYD so với xe bán ở Trung Quốc

Xe xuất khẩu mang về lợi nhuận lớn hơn nhiều cho BYD so với xe bán ở Trung Quốc.

Theo ông Ben Townsend, người đứng đầu mảng ô tô tại công ty nghiên cứu Thatcham Research có trụ sở tại Anh, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, dẫn đầu là BYD, hiện hài lòng với việc giữ giá xe xuất khẩu ở mức cao và thu được lợi nhuận. Ông cho biết các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc thường gặp khó khăn trong việc hòa vốn hoặc kiếm được một khoản lợi nhuận nhỏ tại thị trường quê nhà. "Họ không tìm cách hạ giá xe ở thị trường châu Âu. Họ đang tìm cách kiếm lợi nhuận", ông Townsend nhận định.

Các nhà sản xuất ô tô có thể phải đối mặt với chi phí khổng lồ khi xuất khẩu ô tô. Tuy nhiên, theo một phân tích được thực hiện bởi A2MAC1 - công ty chuyên tháo rời ô tô để các nhà sản xuất đánh giá sản phẩm của đối thủ cạnh tranh, mức đội giá lớn của xe BYD xuất khẩu là quá đủ để trang trải chi phí và mang lại lợi nhuận hàng nghìn USD trên mỗi chiếc xe.

Đặt trụ sở ở gần Paris, Pháp, A2MAC1 đã kiểm tra phiên bản dành cho thị trường châu Âu của BYD Dolphin, được bán với giá khoảng 35.000 USD, và phiên bản bán ở Trung Quốc với giá khoảng 15.000 USD. BYD Dolphin bản châu Âu dài hơn một chút, sở hữu dung lượng pin lớn hơn, hệ thống treo thoải mái hơn và các cảm biến bổ sung. Tuy nhiên, tính cả những nâng cấp đó, cùng với thuế vận chuyển và nhập khẩu, A2MAC1 ước tính biên lợi nhuận của BYD đối với ô tô châu Âu cao hơn khoảng 7.400 USD so với những gì mà hãng này thu được trên cùng một chiếc ô tô ở Trung Quốc.

Theo đánh giá của Reuters, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc thường định giá xe của họ chỉ thấp hơn hoặc cao hơn một chút so với các đối thủ châu Âu truyền thống. Đồng thời, họ cũng trang bị sẵn những tính năng nội thất và công nghệ mà các nhà sản xuất ô tô châu Âu tính thêm phí. Ví dụ, phiên bản cao cấp của BYD Atto 3 ở Đức được bán với giá 42.789 USD, thấp hơn bản tiêu chuẩn của xe điện Opel Mokka-e (43.652 USD) nhưng cao hơn mức khởi điểm 41.298 USD của Peugeot E-2008.

Đôi khi, BYD còn bán xe với giá cao hơn đối thủ cạnh tranh. Họ bán phiên bản nâng cấp của Seal ở châu Âu với giá cao hơn 10% so với Tesla Model 3. Tại Trung Quốc, BYD Seal có giá thấp hơn 6% so với Tesla.

Trong vài năm trở lại đây, BYD đã nổi lên như công ty thống trị thị trường xe điện của Trung Quốc. Công ty này hiện đang đầu tư mạnh mẽ và tăng doanh số bán hàng tại các thị trường trên toàn thế giới.

Trong năm 2023, BYD đã xuất khẩu 240.000 chiếc ô tô, chiếm 8% trong tổng doanh số 3 triệu xe trên toàn cầu của hãng. Tuy nhiên, nhà sản xuất ô tô này đang nhanh chóng bổ sung các mẫu xe và thị trường mới đồng thời ước tính lượng ô tô xuất khẩu sẽ tăng lên 400.000 xe trong năm nay.

Đánh giá: