Nhờ sự thúc đẩy của chính phủ, xe điện Trung Quốc có đà vượt mặt Mỹ, Âu và Nhật
Duy Thành 16:42 - 21/11/2018
- Taxi VinFast chạy điện có được miễn phí sạc không?27/06/2024
- Vinfast đứng top 2 doanh số xe điện tại Đông Nam Á25/06/2024
- Trung Quốc vượt mặt Nhật Bản, trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới nửa đầu năm 202307/08/2023
Trước khi chỉ thị đối với xe năng lượng mới ở Trung Quốc sẽ chính thức có tác dụng vào tháng 1 năm sau, các nhà sản xuất xe Trung Quốc và nước ngoài đang tăng tốc sự chuyển đổi sang xe điện của họ, với những sản phẩm mới nhất đang được trưng bày ở Triển lãm Ô tô Quảng Châu 2018.
Động lực vẫn ở với các nhà sản xuất Trung Quốc khi họ đã chạy trước nhiều năm với sự bảo vệ và hỗ trợ của chính phủ. Hiện nay, các nhà sản xuất nước ngoài đang cố gắng đuổi bắt theo, bởi rõ ràng rằng sự thử nghiệm chuyển dịch từ động cơ đốt trong sẽ xảy ra ở nơi đây, thị trường xe lớn nhất thế giới.
Nhưng cũng giống như nhiều trường hợp khác ở Trung Quốc, một bước thúc đẩy bởi chính phủ vào một lĩnh vực nhất định, với ít sự quan tâm tới cơ chế thị trường, mang đến nguy cơ bóp méo ngành. Lúc này đã có những dấu hiệu cho thấy có quá nhiều người chơi trong lĩnh vực xe năng lượng mới mà có thể dẫn tới tình trạng quá tải.
Ở buổi mở cửa hôm thứ 6 tuần trước, nhà sản xuất xe điện hàng đầu Trung Quốc, BYD đã hé lộ mẫu SUV Tang có thể di chuyển 600 km trên một lần sạc, vượt trội so với cự li 400 km của Nissan Leaf. Mẫu Tang còn có thể gia tốc từ 0-100 km/h nhanh hơn 0,5 giây so với Tesla Model X, theo lời của ông Zhao Changjiang, giám đốc bán hàng ô tô của BYD.
Beijing Automobile Works, nhà sản xuất xe điện lớn thứ hai Trung Quốc, đã cho ra mắt tới 6 mẫu xe điện ở triển lãm năm nay. Tâm điểm là mẫu SUV EX3 được đưa vào sản xuất hàng loạt, và nó có thể di chuyển 600 km trên một lần sạc.
BYD cho ra mắt mẫu xe điện Tang mới ở Triển lãm Ô tô Quảng Châu 2018
Cả hai công ty đều đang dẫn đầu ở thị trường xe điện Trung Quốc. Doanh số xe du lịch chạy năng lượng mới từ tháng 1 tới tháng 10 năm 2018 đã nhảy vọt 91% lên tới 726,000 chiếc. Trong số đó, BYD đã bán khoảng 163.000 chiếc để nắm giữ vị trí ngôi đầu với 20%, trong khi BAW đã bán khoảng 114.000 chiếc.
Tuy nhiên không chỉ là vì môi trường, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhắm tới việc nuôi dưỡng ngành công nghiệp nội địa. Xe năng lượng mới là 1 trong 10 lĩnh vực trọng yếu trong chiến lược “Made in China 2025” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để hiện đại hóa ngành công nghiệp của đất nước. Bởi luật lệ của ngành ô tô thay đổi, Trung Quốc thấy một cơ hội để đoạt lấy vị trí dẫn đầu từ các đối thủ Mỹ, châu Âu và Nhật đã thống trị thời đại động cơ đốt trong.
Hiện tại, xe năng lượng mới chỉ chiếm hơn 3% doanh số xe mới của Trung Quốc, nhưng được mong đợi sẽ vượt qua 30% trong năm 2030, theo dự đoán của Mizuho Bank. Sự tăng trưởng này đang được củng cố bởi chỉ thị doanh số và sản xuất mới.
Trung Quốc sẽ yêu cầu một phần sản xuất và doanh số phải hy sinh cho xe năng lượng mới đối với các nhà sản xuất ô tô đang chế tạo ra hơn 30.000 chiếc mỗi năm. Các công ty này phải kiếm tín dụng từ sản xuất xe năng lượng mới phù hợp với sản xuất và nhập khẩu xe truyền thống của họ. Những công ty không thể đạt mục tiêu tín dụng sẽ phải mua tín dụng từ các đối thủ đã hoàn thành khác.
Các nhà sản xuất xe sẽ cần kiếm các khoản tín dụng trị giá 10% sản xuất và nhập khẩu xe động cơ đốt trong của họ trong năm 2019 và 12% trong năm 2022. Nhưng một số phương tiện và khả năng kiếm được nhiều tín dụng hơn. Một số mẫu xe có thể kiếm được gấp 5 lần tín dụng dựa theo cự li di chuyển mỗi lần sạc của chúng, trong khi các mẫu plug-in hybrid có giá trị thấp hơn hẳn. Chính phủ cũng đang hạn chế biển số đối với các phương tiện chạy nhiên liệu hóa thạch ở nhiều thành phố lớn để khuyến khích doanh số xe điện, vốn dễ nhận biển số hơn.
Các công ty Trung Quốc đã đặt nền tảng cho mục tiêu này nhờ vào trợ cấp của chính phủ và những quy định thuận lợi. Chính phủ đã bắt đầu cung cấp hỗ trợ cho xe năng lượng mới trong năm 2013. Và chính phủ đã tiếp tục đẩy mạnh công ty nội địa trong năm 2016 bằng cách yêu cầu các cụm pin Trung Quốc phải được sử dụng trong những chiếc xe này để đạt tiêu chuẩn cho khoản trợ cấp. Gần 9 tỷ USD hỗ trợ dường như đã được phân phối trong suốt năm ngoái.
Kết quả là các nhà sản xuất pin Trung Quốc đã tăng trưởng nhanh chóng. Họ kiểm soát hơn 60% thị phần toàn cầu nhờ có các công ty như CATL, cái tên đã vươn lên dẫn đầu thế giới.
Trumpchi cho ra mắt mẫu xe concept được phát triển với BASF ở Triển lãm Ô tô Quảng Châu 2018
Các nhà sản xuất xe nước ngoài ban đầu đã chậm bước vào thị trường xe điện Trung Quốc vì lo lắng về chất lượng của những nhà sản xuất pin địa phương. Nhưng quy định xe năng lượng mới đã thúc đẩy sản xuất bởi những công ty này, sau nhiều lời phàn nàn về chuyện thiếu thời gian chuẩn bị đã trì hoãn chỉ thị một năm trời.
Honda Motor sẽ bắt đầu sản xuất xe điện cho thị trường Trung Quốc trong tháng 12 tới. Công ty Nhật Bản sẽ sử dụng một cụm pin mới được đồng phát triển với CATL. Nissan cũng đã bắt đầu quá trình sản xuất trong tháng 8 đối với mẫu xe điện đầu tiên dưới nhãn hiệu của chính họ ở Trung Quốc. Trong khi đó, Volkswagen đang chế tạo một nhà máy xe điện ở Thượng Hải.
Toyota Motor đã bắt đầu bán một mẫu xe điện dưới nhãn hiệu đối tác Guangzhou Automobile Group. Đơn vị liên doanh GAC Toyota Motor xử lý sản xuất, nhưng các khoản tín dụng có thể áp dụng cho chính Toyota. Nhà sản xuất xe Nhật Bản sẽ bán một mẫu xe điện ở Trung Quốc dưới nhãn hiệu của chính nó trong năm 2020.
Nhưng các rào cản vẫn tồn tại đối với thị trường xe năng lượng mới vừa chớm nở của Trung Quốc, ví như cạnh tranh khốc liệt. Hiện nay, Trung Quốc được cho là có khoảng 250 công ty nội địa tiến hành sản xuất xe điện. Chính phủ đã đặt mục tiêu doanh số 2 triệu chiếc xe năng lượng mới trong năm 2020, nhưng dự kiến sẽ vượt qua con số đó dựa trên những kế hoạch sản xuất công khai của các nhà sản xuất.
Một bước chậm lại ở doanh số xe mới Trung Quốc cũng đang gây nên lo lắng, với doanh số cả năm 2018 dự kiến sẽ giảm lần đầu tiên trong vòng 28 năm qua.
“Tâm lý tiêu dùng đang nguội lại bởi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ-Trung Quốc,” Yasuhide Mizuno, giám đốc hoạt động Trung Quốc của Honda, nói. “Dường như thị trường Trung Quốc đã chững lại.”