menu

Nhà phân phối xe Kia, Mazda và BMW đề xuất tiếp tục giảm 50% lệ phí trước bạ trong năm 2024

11:27 - 05/01/2024

THACO đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam xem xét, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thêm một khoảng thời gian phù hợp.

Ngày 4/1/2024, ông Trương Hồng Hải, Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam, đã có yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư giải quyết đề xuất chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO).

Theo đó, ông Hải giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan nghiên cứu nội dung đề xuất chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của THACO đồng thời rà soát, kiểm tra, tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh xem xét, đề xuất Chính phủ theo đúng quy định.

Trước đó, ông Nguyễn Quang Bảo, Giám đốc Văn phòng đại diện tại Chu Lai Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải THACO, đã có công văn gửi UBND tỉnh Quảng Nam. Trong công văn này, ông Bảo cho biết trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay, nền kinh tế thế giới và Việt Nam liên tiếp gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong năm 2020 và 2021, kinh tế hầu như bị trì trệ do dịch bệnh Covid-19 kéo dài. Sang năm 2022, kinh tế chưa kịp phục hồi đại dịch thì phải đối diện với đợt suy thoái kinh tế nghiêm trọng.

Nhiều dự báo cũng cho thấy kinh tế thế giới và trong nước có thể tiếp tục đà suy thoái, khó có khả năng phục hồi trong năm 2024 và 2025. Điều này khiến các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước nói riêng phải gồng mình chống đỡ. Nguồn lực tài chính của các doanh nghiệp này hầu như đã cạn kiệt, thể hiện qua lượng tồn kho vật tư linh kiện và xe thành phẩm tăng cao.

THACO cho biết trong năm 2023, hiện trạng kinh tế khó khăn đã tác động mạnh đến nhu cầu mua sắm nói chung. Trong đó, thị trường xe hơi trong nước đã chứng kiến sự suy giảm mạnh, dự kiến doanh số bán ô tô năm 2023 chỉ đạt 330.026 xe, giảm 24% so với năm 2022, thậm chí thấp hơn so với giai đoạn đại dịch năm 2020 (362.628 xe) và 2021 (344.127 xe).

Theo nhà phân phối xe Kia, Mazda, Peugeot và BMW tại Việt Nam, trong năm 2024, nếu không có các chính sách kích cầu mua sắm, lượng hàng tồn kho dự báo sẽ tiếp tục tăng, làm phát sinh hàng loạt chi phí như: chi phí lưu kho, chi phí bảo quản xe thành phẩm, chi phí sửa chữa/bảo dưỡng xe lưu kho, khiến doanh nghiệp khó có thể duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cũng theo THACO, trước tình hình các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô đều bị ảnh hưởng nặng nề do tác động từ dịch bệnh và suy thoái kinh tế, Chính phủ cũng như các Bộ ngành Trung ương đã kịp thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ có tính đột phá, thúc đẩy phục hồi và đưa ngành công nghiệp ô tô vượt qua khó khăn. Các chính sách đã kịp thời hỗ trợ, mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp, đặc biệt là chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ. Chính sách này đã góp phần hỗ trợ tài chính cho người dân và doanh nghiệp khi kích cầu tiêu dùng trong nước.

Mặc dù là chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người tiêu dùng nhưng cũng gián tiếp hỗ trợ doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có thêm dòng tiền để duy trì sản xuất kinh doanh, từ đó tăng nguồn thu ngân sách cho nhà nước. Nhờ chính sách này, doanh số bán ô tô tại Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2023 dự kiến đã tăng so với giai đoạn nửa đầu năm. Do đó, để có những giải pháp hỗ trợ kịp thời, thiết thực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2024, THACO đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam xem xét, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thêm một khoảng thời gian phù hợp và gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước năm 2024.

Trước dự báo tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 tiếp tục vẫn còn khó khăn, THACO cho rằng các chính sách cần sớm được ban hành áp dụng từ quý I/2024 để các chính sách mới thực sự phát huy hết hiệu quả, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp duy trì và phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đánh giá: