menu

Hà Nội: Phí gửi xe ô tô lên như bão, người giàu cũng khóc

Nguồn: vietnamnet.vn 11:11 - 05/01/2018

Vấn đề chi phí gửi xe hàng ngày, hàng tháng đang là mối lo lắng của người dân thủ đô sau quy định tăng phí gửi xe ô tô, xe máy, xe đạp trong khu vực nội thành của UBND TP Hà Nội. Theo đó, mức thu phí ô tô tăng thấp nhất là 50% và cao nhất là 300%.

Phí gửi xe tăng theo giờ

Các tuyến phố ở Hà Nội đồng loạt tăng phí gửi xe ô tô theo giờ. Cụ thể, ở 12 tuyến phố trung tâm quận Hoàn Kiếm như Trần Hưng Đạo, Lý Thái Tổ, Lý Thường Kiệt,… đều có giá gửi xe ô tô dưới 9 chỗ là 60.000 đồng một lượt 2 giờ. Từ giờ thứ 3, thứ 4, mỗi giờ sẽ tăng thêm 35.000 đồng và từ giờ thứ 5 trở đi, mỗi giờ 45.000 đồng.  Trường hợp gửi xe theo tháng, phí gửi cũng khiến người đi xe ô tô đau đầu khi có giá là 3 triệu đồng/tháng vào ban ngày và 4 triệu đồng/tháng cho cả ngày và đêm.

Trong khi đó, các tuyến phố còn lại của quận Hoàn Kiếm và các quận nội thành khác có giá 50.000 đồng 2 giờ đầu, giờ thứ 3, thứ 4 là 35.000 đồng, giờ thứ 5 trở đi mỗi giờ 45.000 đồng. Tính theo giá gửi tháng là 2 triệu đồng/tháng ban ngày và 3 triệu đồng/tháng cả ngày và đêm.

Phí gửi xe

Ngoài ra, một số bãi xe dù cũng xuất hiện và có phí gửi xe cao hơn hẳn thời điểm trước 1/1/2018. Bãi gửi xe ngoài đường gần tòa nhà Keangnam có giá tăng từ 35.000 đồng lên 50.000 đồng/ngày. Trong khi, các bãi gửi xe ở khu vực Giảng Võ đã tăng từ 30.000 lên đến 50.000 đồng/2 tiếng và sau 2 tiếng sẽ cộng thêm 50.000 đồng.

Phí gửi xe ô tô tăng mạnh đã tạo nhiều luồng ý kiến trái chiều từ phía người sử dụng xe ô tô. Những người thường xuyên gửi xe ô tô ở khu vực nội thành hay các bãi trông xe ngoài trời được cấp phép tỏ ra khá lo lắng với chi phí cao ngất này.

Theo anh Lê Hồng Ninh, nhân viên trông giữ xe ở các điểm gửi xe trên phố Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, gửi xe ô tô ở các tuyến phố nội thành trong 2 giờ đầu có phí không vấn đề lắm. Tuy nhiên, khi gửi lâu từ 5 giờ trở lên, phí gửi xe hàng ngày sẽ khá cao. Ước tính, nếu gửi xe trong 5 giờ, chủ xe sẽ phải chi khoảng 165.000 – 175.000 đồng, trong khi gửi 8 giờ, giá sẽ là 300.000 đồng, tăng gấp hơn 2 lần so với trước.

Gánh nặng chi phí gửi xe sẽ càng lớn hơn với những người thường xuyên sử dụng ô tô để vào nội thành làm việc. Anh Trần Bá Cường nhà ở Hà Đông cho biết, mỗi ngày anh đều lái xe ô tô để đi làm tại phố Ngô Tất Tố. nếu như trước đây, phí gửi xe ở khu vực Văn Miếu Quốc Tử Giám là 50.000 đồng/ngày, thì từ đầu năm 2018, anh phải tốn đến 300.000 đồng mỗi ngày để gửi xe tại đây. Tính cả tháng, anh phải dành ra hơn 6 triệu đồng chỉ cho phí gửi ô tô. Do đó, anh Cường đã quyết định đi làm bằng xe máy để giảm chi phí gửi xe.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Thành làm việc tại một doanh nghiệp ở phố Hai Bà Trung, quận Hoàn Kiếm cho biết những nhân viên lái ô tô phải gửi xe ở bên ngoài vì bãi đỗ của cơ quan không đủ chỗ để xe.

Ông Thành kể: “Tôi thường gửi xe bên phố Lý Thường Kiệt hoặc Quang Trung, năm 2017 chi phí chỉ khoảng 90.000 đồng/ngày, nay hết 300.000 đồng. Hiện tôi rất phân vân, nếu đi ô tô phải chấp nhận phí trông giữ cao, không đi phải sang phương tiện khác.”

Đất nước phát triển thì nhu cầu đi xe hơi sẽ cao, người dân phải được tiếp cận với những phương tiện văn minh hiện đại. Thời gian qua, thành phố không xây bãi trông giữ xe, chỉ lo xây chung cư, trung tâm thương mại,... làm sao không tắc đường, nay lại quay ra kìm hãm nhu cầu của người dân, ông Thành nhận xét.

Quyết định tăng phí để giảm tắc đường

Bên cạnh những ý kiến phản đối việc tăng phí gửi xe, nhiều người tỏ ra đồng tình với quyết định của UBND TP Hà Nội. Ông Lê Hòa Bình, trú tại phố Bích Câu, Đống Đa cho rằng đây là một giải pháp giúp giảm mật độ xe con vào thành phố và giảm ùn tắc giao thông.

tăng phí gửi xe

Anh Nguyễn Văn Kỳ trú tại tòa nhà sông Hồng, đường Thái Hà, Đống Đa cho biết: “Tăng như thế là đúng. Ai chịu không nổi thì sang buýt. Đường xá quá tải nặng nề rồi, ai cũng chỉ nghĩ cho mình sao được. Hạn chế ô tô nói riêng, toàn bộ phương tiện giao thông cá nhân nói chung tại trung tâm các đô thị lớn là việc nên làm.”

Phía lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội khẳng định việc tăng giá gửi xe không ảnh hưởng đến người dân. Thực tế, giá trông giữ xe của các đơn vị, cá nhân cao gấp 1,5 đến 2 lần so với quy định của thành phố. Theo đó, quy định giá trông giữ xe đạp ở mức 2.000 đồng đã bị đẩy lên thành 5.000 đồng tại các điểm trông giữ xe, xe máy từ 3.000 đồng lên 5.000-10.000 đồng, còn phí gửi ô tô từ 30.000 đồng đã lên 50.000 đồng/2 giờ.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp trông giữ xe sẽ không được hưởng lợi từ phần tăng phí mà chúng sẽ được điều tiết về ngân sách nhà nước. Đại diện ngành giao thông Hà Nội nhấn mạnh, đây là một trong những giải pháp nhằm giảm ùn tắc giao thông, giảm phương tiện cá nhân trong nội thành thành phố.

Được biết, từ nay đến 2020, phương tiện giao thông cá nhân gồm ô tô và xe máy sẽ còn chịu nhiều biện pháp quản lý chặt chẽ cả về hành chính lẫn kinh tế, nhằm hạn chế phát triển số lượng.

Ví dụ như việc lắp đặt thêm thiết bị phụ trợ trên các xe ô tô để phục vụ công tác quản lý phương tiện và điều tiết giao thông, thu phí tự động. Chủ xe cũng phải mở tài khoản để thanh toán tự động chi phí đường bộ hoặc nộp phạt khi vi phạm. Ngoài ra, những xe ô tô con, xe máy không đảm bảo an toàn kỹ thuật và gây ô nhiễm môi trường cũng sẽ bị xử lý.

Bên cạnh tăng phí gửi xe, Hà Nội cũng sẽ thực hiện thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực nội thành có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, nhằm hạn chế xe đi vào. Trong thời gian tới, chính quyền thành phố còn giảm việc cấp phép trông giữ ô tô, xe máy tại lòng đường vỉa hè và cấm sử dụng vỉa hè để trông ô tô xe máy.

Số liệu của Sở GTVT Hà Nội cho thấy, có hơn 5 triệu xe máy, 500.000 ô tô cá loại, trên 1,2 triệu xe đạp và 11 nghìn xe đạp điện, xe máy điện (chưa kể số lượng khoảng 10-15% các phương tiện ngoại tỉnh) đang lưu thông trong thành phố.

Nếu để tình trạng chênh lệch giữa tốc độ gia tăng các phương tiện và diện tích đất dành cho giao thông kéo dài, sẽ tạo ra áp lực lớn đến kết cấu hạ tầng giao thông, môi trường ngày càng ô nhiễm và vấn đề kẹt xe sẽ thêm trầm trọng. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng bình quân chiều dài đường bộ chỉ là 3,83%/năm. Trong khi, tốc độ tăng trưởng bình quân của ô tô là 10,2% và xe máy là 6,7%. Diện tích đất dành cho thông còn thấp, mới đạt 8,65% đất xây dựng đô thị.

Dự báo số xe cá nhân sẽ còn tăng cao trong thời gian tới. Cụ thể tới năm 2020, số ô tô sẽ tăng lên 843.000 chiếc, xe máy 6,1 triệu chiếc, năm 2025, ô tô là 1.45 triệu chiếc và xe máy là 7 triệu chiếc và năm 2030 ô tô là 2 triệu chiếc và xe máy là 7,5 triệu chiếc. Do đó, chính quyền thành phố buộc phải triển khai nhanh chóng các giải pháp tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ.

Nguồn: vietnamnet.vn
Đánh giá: