Bộ Tài chính lên dự thảo hỗ trợ, ưu đãi ô tô điện
Lâm-chan 10:58 - 19/03/2019
- Taxi VinFast chạy điện có được miễn phí sạc không?27/06/2024
- Vinfast đứng top 2 doanh số xe điện tại Đông Nam Á25/06/2024
- Trung Quốc vượt mặt Nhật Bản, trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới nửa đầu năm 202307/08/2023
Mới đây, Bộ Tài chính đã trình lên dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 125/2017/NĐ-CP của Chính phủ về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế với nội dung chính xoay quanh việc tạo điều kiện cho các dòng ô tô thân thiện với môi trường tại Việt Nam.
Đầu tiên, Bộ Tài chính chỉ ra rằng Nghị định số 125/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 thuế nhập khẩu ưu đãi đối với linh kiện ô tô nhập khẩu (mức thuế 0%) đã góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp cơ khí khác phát triển, tăng thu ngân sách. Dẫn chứng điển hình là tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tính đến hết tháng 12/2018 tăng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái theo báo cáo bán hàng của Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA).
Thế nhưng, Bộ Tài chính cho rằng sau hơn 1 năm thực hiện, một số nội dung của Nghị định cần phải sửa đổi, nhất là chương trình ưu đãi thuế đối với linh kiện ô tô mới nên tập trung vào chủng loại xe tiết kiệm nhiên liệu.
Hiện tại, chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ô tô chỉ áp dụng cho các loại xe chạy xăng/ dầu. Nguyên nhân là do tại thời điểm Nghị định 125/2017/NĐ-CP được soạn thảo chưa có doanh nghiệp nào tại Việt Nam sản xuất các dòng ô tô thân thiện với môi trường.
Bộ Tài chính cho biết trong thời gian tới sẽ có một số doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp chủng loại xe này ví dụ như ô tô điện, hybrid, đơn cử như Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Kinh doanh VinFast. Theo Bộ Tài chính, trong năm 2018 công ty này đã gửi công văn tới Bộ trình bày về kế hoạch sản xuất, lắp ráp ô tô điện từ năm 2020. Trong nội dung gửi tới Bộ Tài chính, VinFast cho hay trong năm 2020 hãng sẽ sản xuất được 10.000 ô tô con điện, 500 xe bus điện; năm 2021 sản lượng này sẽ lên tới con số tương ứng là 15.000 và 1.000 xe; năm 2022 sẽ tiếp tục đạt 20.000 và 1.500 xe. Qua đó, công ty này đề nghị Bộ Tài chính bổ sung xe điện vào đối tượng áp dụng chương trình ưu đãi thuế.
Chính vì vậy, để khuyến khích nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất, lắp ráp các dòng xe thân thiện với môi trường, dự thảo mới được Bộ Tài chính trình lên Chính phủ đề xuất không quy định riêng điều kiện về sản lượng chung và sản lượng riêng tối thiểu đối với xe ôtô chạy điện, xe hybrid, xe sử dụng hoàn toàn nhiên liệu sinh học, xe chạy bằng khí nén thiên nhiên (CNG).
Ví dụ: các loại xe ôtô chạy điện, xe hybrid, xe dùng nhiên liệu sinh học, xe chạy bằng CNG từ 9 chỗ ngồi trở xuống, có dung tích xi lanh từ 2.500 cc trở xuống phải có sản lượng chung tối thiểu năm 2019 là 8.500 chiếc trong đó sản lượng riêng tối thiểu cho 1 mẫu xe cam kết là 3.500 chiếc. Tới năm 2020, các mức này lần lượt là 10.000 và 4.000 chiếc.
Như vậy, các dòng ô tô thân thiện đang đứng trước một tương lai rộng mở được phổ biến tại Việt Nam. Hiện tại, các dòng xe hybrid chủ yếu được nhập khẩu về nên có giá bán khá cao không khỏi khiến người dùng Việt chần chừ, khó tiếp cận. Thế nhưng, nếu dự thảo mới của Bộ Tài chính được thông qua, chủng loại xe này được ưu đãi về thuế nhập khẩu linh kiện sẽ khuyến khích các hãng xe lắp đặt dây chuyển để sản xuất và lắp ráp trong nước, từ đó giá bán sẽ “mềm” hơn.
Trước đó, Mitsubishi đã từng bàn giao cho Bộ Công thương TP. Đà Nẵng mẫu hybrid Outlander PHEV để nghiên cứu với hệ thống trạm sạc cũng được thử nghiệm, kết hợp với EVN. Nếu dự thảo mới được thông qua, VinFast cùng Mitsubishi có thể sẽ là 2 hãng xe tiên phong phát triển ô tô điện, hybrid tại Việt Nam và sẽ có lợi thế đi trước các đối thủ.