So sánh chi phí sử dụng của bộ ba xe nhập khẩu Toyota Rush, Mitsubishi Xpander và Suzuki XL7
11:04 - 10/12/2021
Đời sống đi lên khiến ngày càng nhiều người Việt có ấp ủ giấc mơ bốn bánh, số đông vẫn hướng tới sedan truyền thống nhưng với những gia đình đông người hoặc có nhu cầu thi thoảng du lịch xa, xe 7 chỗ sẽ là sự lựa chọn hợp lý hơn. Tuy nhiên không phải ai cũng có đủ điều kiện tài chính để đến với những mẫu ô tô 7 chỗ ngồi có giá lên tới 700 triệu hay thậm chí là cả tỷ đồng và đó chính là lý do phân khúc xe 7 chỗ giá rẻ thành công tại nước ta.
Hiện tại, Mitsubishi Xpander đang là mẫu xe được nhiều người dùng ưa chuộng nhất, song song với đó là 2 lựa chọn không kém phần hấp dẫn, đó chính là Toyota Rush và Suzuki XL7. Trong đó, Mitsubishi Xpander được chốt giá cao nhất là 630 triệu đồng, Toyota Rush có giá nhỉnh hơn một chút là 634 triệu đồng và cuối cùng, Suzuki XL7 đi theo con đường giá rẻ để thu hút khách hàng: 599,9 triệu đồng.
Trong 3 mẫu xe, Toyota Rush có giá bán cao nhất.
Nhưng với một mẫu xe 7 chỗ giá rẻ, bên cạnh những trang bị xuất hiện trên xe thì chi phí sử dụng luôn là điều được số đông người dùng quan tâm. Vậy liệu rằng mẫu xe bán chạy nhất có thực sự đứng nhất về mọi mặt? Tinxe.vn đã thực hiện nghiên cứu về so sánh chi phí sử dụng giữa Toyota Rush, Mitsubishi Xpander và Suzuki XL7 để giúp quý độc giả dễ dàng lựa chọn giữa 3 mẫu xe này.
Tất nhiên để công bằng thì chúng ta sẽ đặt bản AT nhập khẩu của Mitsubishi Xpander lên bàn cân cùng Toyota Rush và Suzuki XL7 chứ không phải là bản lắp ráp.
So sánh chi phí sử dụng của Toyota Rush, Mitsubishi Xpander và Suzuki XL7
Như đã nhắc đến ở trên, Toyota Rush có giá bán lẻ đề xuất cao nhất lên tới 634 triệu đồng, sau đó là đến Mitsubishi Xpander (630 triệu) và Suzuki XL7 (599,9 triệu). Tuy nhiên, khi nhìn vào bức tranh dài hạn, Toyota Rush lại có chi phí sử dụng thấp hơn 2 mẫu xe còn lại. Cụ thể như sau:
Infographic so sánh chi phí sử dụng của Toyota Rush, Mitsubishi Xpander và Suzuki XL7.
Dự toán chi phí bảo dưỡng của Toyota Rush, Mitsubishi Xpander và Suzuki XL7
Bắt đầu từ những mốc bảo dưỡng nhỏ cho đến cao, Toyota Rush vẫn luôn có chi phí thấp hơn hẳn so với đối thủ. Do đó dự toán sau 3 năm hoặc 100.000 km, người dùng chỉ cần bỏ tổng cộng gần 17,8 triệu đồng để bảo dưỡng Toyota Rush nhưng lại tốn tới hơn 35,8 triệu đồng cho Mitsubishi Xpander và hơn 20,5 triệu đồng cho Suzuki XL7.
Cấp bảo dưỡng | Chi phí bảo dưỡng (VNĐ) | ||
Rush | Xpander | XL7 | |
5.000 km | 360.920 | 778.800 | 472.975 |
10.000 km | 729.400 | 1.290.300 | 920.525 |
20.000 km | 804.400 | 2.491.500 | 1.633.525 |
40.000 km | 3.232.420 | 6.617.600 | 2.854.525 |
Chi phí bảo dưỡng của 3 mẫu xe trên đã bao gồm nhân công và thuế.
Dự toán chi phí nhiên liệu sau 100.000 km sử dụng của Toyota Rush, Mitsubishi Xpander và Suzuki XL7
Toyota Rush đứng nhất ở hạng mục bảo dưỡng nhưng khi bàn về khả năng tiết kiệm nhiên liệu, Mitsubishi Xpander lại là mẫu xe số 1 khi có mức tiêu hao nhiên liệu hỗn hợp chỉ 6,2 lít/100 km, sau đó là đến Suzuki XL7 (6,39 lít/100 km) và cuối cùng mới đến Toyota Rush (6,7 lít/100 km).
Mitsubishi Xpander có khả năng tiết kiệm nhiên liệu tốt nhất trong 3 mẫu xe so sánh.
Vậy nên với giá xăng E5 RON 92 ghi nhận ngày 25/11/2021 là 22.910 đồng/lít, dự toán sau 100.000 km (hoặc 3 năm) sử dụng, Toyota Rush sẽ tốn nhiều chi phí nhiên liệu hơn Mitsubishi Xpander gần 11,5 triệu đồng và hơn Suzuki XL7 khoảng 7 triệu đồng. Tuy nhiên, chênh lệch này hoàn toàn có thể bù đắp khi Toyota Rush có chi phí bảo dưỡng sau 100.000 km thấp hơn nhiều so với 2 đối thủ trên.
Dự toán chi phí khấu hao của Toyota Rush, Mitsubishi Xpander và Suzuzki XL7 sau 100.000 km (3 năm) sử dụng
Tham khảo qua thị trường xe đã sử dụng, tỉ lệ trượt giá của Toyota Rush và Mitsubishi Xpander ngang nhau ở mức 21% còn Suzuki XL7 lại cao hơn, ở mức 26%. Do đó chi phí khấu hao sau 100.000 km (3 năm) của Toyota Rush và Mitsubishi tương đối đồng đều ở khoảng 132 – 133 triệu đồng bởi giá bán của 2 mẫu xe này chỉ chênh lệch đúng 4 triệu đồng, còn Suzuki XL7 sẽ khấu hao tới gần 156 triệu đồng.
Suzuki XL7 có tỷ lệ trượt giá cao nhất sau 100.000 km (3 năm) sử dụng.
Vậy sau 3 năm sử dụng, Toyota Rush sẽ có giá bán lại cao nhất vào khoảng 500 triệu đồng sau đó là đến Mitsubishi Xpander (498 triệu) và cuối cùng là Suzuki XL7 (444 triệu đồng).
Dự toán tổng chi phí sử dụng sau 100.000 km của Toyota Rush, Mitsubishi Xpander và Suzuki XL7
Dù có chi phí nhiên liệu cao hơn hẳn so với Mitsubishi Xpander và Suzuki XL7 nhưng nhờ chi phí bảo dưỡng rẻ và chi phí khấu hao thấp nên nhìn chung, Toyota Rush vẫn là mẫu xe có tổng chi phí sử dụng sau 100.000 km tốt nhất trong 3 mẫu xe. Cụ thể như sau:
Chi phí sử dụng sau 100.000 km | Rush | Xpander | XL7 |
Chi phí bảo dưỡng | 17.739.240 | 35.840.200 | 20.520.000 |
Chi phí nhiên liệu | 153.497.000 | 142.042.000 | 146.394.900 |
Chi phí khấu hao | 133.140.000 | 132.300.000 | 155.974.000 |
Tổng | 304.376.240 | 310.182.200 | 322.888.900 |
Mức chênh lệch | 0 | -5.805.960 | -18.512.660 |
Tổng chi phí sử dụng sau 100.000 km của 3 mẫu xe (Đơn vị: Đồng).
Như vậy với khoản đầu tư ban đầu tuy cao hơn một chút, Toyota Rush vẫn hoàn toàn có thể cân đối được với Mitsubishi Xpander nhờ chi phí sử dụng thấp. Còn đối với Suzuki XL7, chênh lệch giá bán lên tới hơn 30 triệu đồng giúp XL7 dù có chi phí sử dụng cao hơn 18 triệu đồng so với Rush nhưng nhìn chung vẫn rẻ hơn. Nhưng khoảng cách này lại có thể bù đắp bởi các “option”.
So sánh một số trang bị và khả năng vận hành của Toyota Rush, Mitsubishi Xpander và Suzuki XL7
Sẽ thật thiếu sót nếu đặt 3 mẫu xe 7 chỗ giá rẻ này lên bàn cân mà không điểm qua một số trang bị. Nhìn chung, kích thước tổng thể của Toyota Rush sẽ nhỏ hơn một chút so với Mitsubishi Xpander và Suzuki XL7, điều này giúp Rush có khả năng di chuyển linh hoạt hơn trong đô thị đông đúc. Tất nhiên, cái đánh đổi sẽ là không gian nội thất bên trong của Toyota Rush không được rộng rãi bằng Xpander hay XL7 do chiều dài cơ sở ngắn hơn. Thế nhưng Toyota Rush lại được trang bị mâm hợp kim 17 inch lớn hơn 2 đối thủ còn lại, đi cùng khoảng sáng gầm lớn hơn lên tới 220 mm, cho khả năng chinh phục địa hình tốt hơn.
So sánh một số trang bị trên Toyota Rush, Mitsubishi Xpander và Suzuki XL7.
Xét về tiện ích giải trí, Suzuki XL7 sẽ gây choáng ngợp hơn khi được trang bị màn hình giải trí có kích thước tới 10 inch còn trên Toyota Rush hay Mitsubishi Xpander bản nhập khẩu chỉ là 7 inch bù lại Toyota Rush lại có tới 8 loa âm thanh trong khi 2 mẫu xe còn lại chỉ có 6 loa. Điểm trừ của Toyota Rush nằm ở việc trang bị ghế nỉ chứ không phải là ghế da như Xpander và XL7. Dù rằng mẫu xe này được trang bị điều hòa tự động nhưng ghế nỉ lại không phải là chi tiết được lòng nhiều người dùng.
Xét về vận hành, cả Toyota Rush lẫn Mitsubishi Xpander và Suzuki XL7 đều được trang bị động cơ xăng, dung tích 1.5L nên công suất tối đa và mô-men xoắn cực đại của các mẫu xe này không có nhiều chênh lệch. Tuy nhiên, Toyota Rush lại là mẫu xe duy nhất được trang bị hệ dẫn động cầu sau còn 2 đối thủ lại sử dụng hệ dẫn động cầu trước. Hệ dẫn động cầu sau sẽ cho lực đẩy tốt hơn cầu trước, đặc biệt là trên những đoạn đường dốc. Vậy nên, thông thường những mẫu xe phổ thông sẽ được trang bị hệ dẫn động cầu trước nhằm tiết kiệm chi phí và đây là lý do chính khiến Toyota Rush có giá cao hơn Mitsubishi Xpander và Suzuki XL7 và tiện ích không ấn tượng bằng.
Dẫu vậy, là một hãng xe chú trọng đến sự an toàn, Toyota vẫn trang bị cho Rush khá nhiều tính năng hấp dẫn và thậm chí còn nhỉnh hơn Mitsubishi Xpander, đó chính là cảm biến hỗ trợ đỗ xe và kiểm soát lực kéo, ngoài ra Toyota Rush còn có tới 6 túi khí trong khi 2 mẫu xe còn lại chỉ có 2 túi khí. Đây cũng là điều giúp Toyota Rush đạt chuẩn an toàn 5 sao ASEAN NCAP.
SO Sánh xe
Bài viết mới nhất
-
Chương trình "Xe của năm 2025" chính thức mở cổng bình chọn cho cộng đồng
19 giờ trước
-
Ô tô điện Baojun E100 sắp được bán tại Việt Nam với giá kèm pin chưa đến 150 triệu đồng, chạy 200 km/lần sạc
Hôm qua lúc 00:38
-
Cặp đôi Baojun Yep và Yep Plus được xác nhận về Việt Nam, giá từ 300 triệu, cạnh tranh VinFast VF3
Hôm qua lúc 16:48