menu

Sinclair C5 - Chiếc xe điện 3 bánh tí hon đi trước thời đại và gặp thất bại thảm hại

00:56 - 24/09/2021

Clive Sinclair là một nhà phát minh và doanh nhân tài ba của Anh Quốc, nhưng chiếc xe điện C5 lại là một thất bại to lớn đáng quên trong cuộc đời ông ấy.

Vào ngày 16 tháng 9 năm 2021, Clive Sinclair, một nhà phát minh và doanh nhân sáng tạo lỗi lạc, người được phong tước Hiệp Sĩ cao quý, cha đẻ của máy tính bỏ túi, cũng như TV bỏ túi và máy chơi game màu, đã qua đời ở tuổi 81. Các phương tiện truyền thông Anh Quốc thường mô tả Sinclair là một người cực kỳ thông minh, như thể ông có hai bộ não thay vì một.

Sir Clive Sinclair và phát minh C5

Tuy nhiên, phát minh mang tính biểu tượng nhất của Sinclair cũng là thất bại lớn nhất trong đời ông, thất bại duy nhất khiến người ta đặt câu hỏi về trí thông minh và sự hiểu biết kinh doanh của ông ấy. Thất bại đó là Sinclair C5, cỗ máy được Sinclair mô tả là một chiếc xe điện nhưng thực chất là một chiếc xe đạp 3 bánh có hỗ trợ điện. Nó là chiếc xe điện nhỏ nhất vào thời điểm đó, mang theo ước mơ sáng tạo lại phương tiện di chuyển cá nhân trong thành phố lớn.

Sinclair bắt đầu nghĩ đến việc phát triển chiếc xe điện của riêng mình vào cuối những năm 1970. Vốn là một người giàu có và là kho báu quốc gia vì những phát minh của mình, ông ấy muốn đem đến một thứ gì đó có thể đột phá ngành công nghiệp ô tô, một chiếc xe mà ai cũng có thể lái, có giá cả phải chăng để mua và chạy, và còn thật thú vị nữa. Vào thời điểm đó, không ai quan tâm nhiều đến hiện tượng nóng lên toàn cầu, do vậy việc cắt giảm chi phí vận hành là lợi ích lớn nhất - chứ không phải giảm ô nhiễm.

Đến năm 1983, khi công ty Sinclair Vehicles hợp tác với Hoover để thành lập một cơ sở sản xuất với một số dây chuyền sản xuất, trong ngành đã có tin đồn mạnh mẽ rằng ông Sinclair đang phát triển một chiếc xe điện. Từ “xe ô tô” đã được đề cập rất nhiều lần, đến mức mà ngay cả các nhà sản xuất ô tô lâu đời cũng bắt đầu tự hỏi liệu họ có thực sự sắp phải đối mặt với một đối thủ cạnh tranh mãnh liệt hay không. Chính sự mong đợi điên rồ đó đã định trước số phận của chiếc C5 nhỏ bé, khi nó được ra mắt lần đầu tiên vào ngày 10 tháng 1 năm 1985 tại Cung điện Alexandra ở Bắc London.

Sự kiện ra mắt đã diễn ra một cách hào nhoáng, với một số cô gái xinh đẹp lái xe vào hội trường bằng phương tiện trông giống như xe đồ chơi. Đó chính là Sinclair C5, ở dạng sản xuất: một chiếc xe 3 bánh 1 chỗ ngồi, gầm cực kỳ sát mặt đất, không được bảo vệ khỏi các yếu tố tự nhiên, hầu như không có tầm nhìn trên đường, và không mang đến lợi ích thật sự để dùng trên đường giao thông công cộng.

Được trang bị một mô tơ 250 W ở bánh sau bên trái và bộ pin axit-chì 12 volt, C5 có hệ dẫn động bánh răng hai cấp và bàn đạp ở phía trước. Ý tưởng của Sinclair là người lái sẽ không phải sử dụng bàn đạp nhiều, nhưng trên thực tế, C5 khó có thể lên dốc mà không bị nóng nhiệt mô tơ, ngay cả khi đạp.

Tốc độ tối đa được giới thiệu ở mức 24 km/h và phạm vi di chuyển mỗi lần sạc là 32 km, nhưng cả hai con số này đều được chứng minh là đã bị thổi phồng quá mức trong các thử nghiệm tiếp theo. Trong thực tế, C5 chỉ đạt được tốc độ tối đa 20,1 km/h, trong khi phạm vi di chuyển là 16 km - và gần một nửa như thế trong thời tiết lạnh.

Hiệu suất vận hành không phải là vấn đề duy nhất của chiếc xe 3 bánh này, cho dù nó đúng là một vấn đề nghiêm trọng. Phần thân bằng chất liệu polypropylene không hề có khả năng bảo vệ người lái, trong tình huống giao thông hoặc khỏi các yếu tố tự nhiên, đồng thời gây khó chịu khi ngồi lâu. Thậm chí khi vào cua nhanh, nó có thể lật đổ sang một bên.

Trong giao thông đường phố (vì C5 không được sử dụng để đi trên vỉa hè và thời đó vẫn chưa tồn tại đường dành riêng cho xe đạp), thân hình thấp bé của nó khiến những người lái xe khác không nhìn thấy được. Nếu người ngồi trên C5 không bị đâm bởi một chiếc xe buýt, xe tải hoặc xe con, thì ít nhất người đó cũng sẽ phải hít khí thải đển ngập phổi.

Không cần phải nói, thực tế là việc ra mắt diễn ra vào một ngày tháng Giêng, trên đỉnh đồi với băng và tuyết trên đường, đã không giúp ích được gì. Các phương tiện truyền thông đã vùi dập chiếc xe 3 bánh chạy điện, và kèm với đó là cả Sinclair. Tại thời điểm đó, vì tự tin rằng C5 là tương lai và ước tính sản xuất 100.000 chiếc trong năm đầu tiên và 500.000 chiếc sau đó, Sinclair đã có 14.000 chiếc được chế tạo hoàn chỉnh, đóng hộp, và sẵn sàng xuất xưởng.

Đến tháng 8 cùng năm, công ty Sinclair Vehicle đã chính thức thông báo thất bại. Ngay cả mức giá thấp chỉ 399 bảng Anh của chiếc xe 3 bánh cũng không giúp thu về lãi suất. Trong số 14.000 chiếc đó, chỉ có khoảng 5.000 chiếc được bán trong quá trình sản xuất, và nhiều chiếc đã được trả lại nhà máy vì nhiều lỗi khác nhau.

Trước khi khép lại chương thảm bại này của cuộc đời mình, Sinclair đã cố gắng bán mẫu xe điện tí hon ở bên ngoài nước Anh Quốc, nghĩ rằng sự tiếp nhận tiêu cực của giới truyền thông là một phần nguyên nhân dẫn đến việc người mua thiếu quan tâm. Các cơ quan an toàn từ tất cả các quốc gia mà ông ấy cố gắng mở rộng đều đã có chung một phản hồi: đưa một phương tiện như vậy lên đường là quá mức nguy hiểm.

Nhận định đó không hề sai. Sinclair C5 đã đi trước thời đại về cách tiếp cận phương tiện di chuyển cá nhân trong thành phố, nhưng nó cũng rất tệ hại vì không tính đến vấn đề an toàn. Nó giống như một công việc được làm vội vã, cho dù thực tế là Sinclair đã mất 10 triệu bảng Anh cho nó. Trong vô vàn khuyết điểm, nó chỉ có một vài ưu điểm như lái khá thú vị, và dễ dàng vận hành. Nhưng như thế là không đủ.

Video phim tài liệu buổi ra mắt Sinclair C5 năm 1985

Ngày nay, một chiếc Sinclair C5 có thể được bán với giá lên tới 5.000 bảng Anh (tương đương 156 triệu đồng), vì nó đã trở thành một chiếc xe hiếm lạ, được một nhóm người hâm mộ và sưu tập. Các chủ xe bây giờ thường độ chúng để chạy nhanh hơn và lâu hơn, hoặc họ khôi phục chúng về tình trạng ban đầu, và trưng bày chúng tại các buổi họp mặt. C5 không phải là một biểu tượng của địa vị, nhưng nó giống như một huy hiệu danh dự cho “độ chất” vì sở hữu một chiếc xe từ một thời đại trước khi tất cả những chiếc xe 2 và 3 bánh chạy điện trở nên “chất”.

Đánh giá: