menu

Mercedes-Benz Vision AVTR được bổ sung công nghệ cho phép người dùng "điều khiển bằng trí não"

10:34 - 07/09/2021

Mẫu xe concept của Mercedes-Benz đã trở nên tân tiến hơn nữa khi giờ đây nó còn tích hợp công nghệ BCI.

Được giới thiệu lần đầu trong năm 2020, Mercedes-Benz Vision AVTR nhanh chóng được tôn vinh là một trong những mẫu concept có thể hoạt động đẹp nhất từng được chế tạo. Giờ đây, chiếc xe “viễn tưởng” này còn ấn tượng hơn nữa khi nó cho phép người lái điều khiển bằng trí não.

Tại Triển lãm Ô tô Munich 2021 chính thức mở cửa từ ngày 7/9 – 12/9 này, Mercedes-Benz Vision AVTR một lần nữa thu hút sự chú ý khi nó tiến thêm một bước gần hơn đến mục tiêu kết nối như một với con người. Nguyên nhân là Mercedes-Benz đang sử dụng giao diện não-máy tính (BCI) để cho phép hành khách điều khiển xe bằng trí não của họ.

Công nghệ BCI còn lâu mới trở thành tiêu chuẩn trong ngành công nghiệp ô tô nhưng thương hiệu Đức cho thấy nó không còn là một thứ chỉ thấy trong phim khoa học viễn tưởng nữa. Nó đã được sử dụng trong nghiên cứu y tế, cho phép những người bị hạn chế hoặc không có khả năng di chuyển có được cuộc sống độc lập hơn. Một ngày nào đó, nó cũng sẽ được sử dụng trên ô tô, mang đến cho hành khách cơ hội dễ dàng kết nối với ô tô, và tất cả những gì còn lại khi đó là tận hưởng trải nghiệm ngồi trong xe.

Mercedes-Benz tưởng tượng rằng công nghệ BCI sẽ cho phép hành khách có thể cá nhân hóa trải nghiệm đó mà không cần nhấc ngón tay lên màn hình cảm ứng, hoặc trong trường hợp của AVTR, triệu tập các biểu tượng trên lòng bàn tay của họ. Bằng cách này, họ sẽ có thể điều chỉnh ánh sáng và điều khiển nhiệt độ điều hòa, thay đổi danh sách phát nhạc/video, hoặc chọn điều khiển điều hướng. Mọi thứ sẽ được thực hiện nhờ một thiết bị BCI gắn vào đầu, và thiết bị này sẽ đọc hoạt động của não sau khi hiệu chuẩn 1 phút.

Những khách tham quan gian hàng Mercedes-Benz tại triển lãm sẽ có cơ hội trải nghiệm tận mắt mẫu xe tương lai này. Tất nhiên, không phải ai cũng sẽ được ngồi vào bên trong và thử dùng hệ thống điều khiển nói trên, nhưng có lẽ nhìn tận nơi cũng là đủ hấp dẫn. Bên cạnh đó, Mercedes-Benz có bố trí một chiếc ghế mô phỏng như trong AVTR, với bảng điều khiển lô kỹ thuật số hoàn toàn tại gian hàng của mình.

Khi bạn ngồi vào ghế đó và gắn thiết bị BCI vào phía sau đầu, các chấm sáng sẽ được chiếu lên bảng điều khiển. Các chấm sáng đóng vai trò kích thích thị giác, và thiết bị BCI sẽ ghi lại và phân tích sóng não, xác định xem người dùng đang tập trung vào điểm sáng nào. Sau đó, nó sẽ kích hoạt chức năng được nhắm mục tiêu trong trong thiết bị mô phỏng: chọn chỗ đỗ xe, chuyển ngày thành đêm, và các lựa chọn kỳ lại như tạo gió và trồng cây.

Mercedes-Benz đang thiết lập một cột mốc quan trọng khác trong việc hợp nhất con người và máy móc bằng cách nghiên cứu và phát triển các ứng dụng giao diện não-máy tính trong ô tô. Ví dụ, công nghệ BCI có tiềm năng nâng cao hơn nữa sự thoải mái khi lái xe trong tương lai”, Britta Seeger, thành viên Hội đồng quản trị của Daimler AG và Mercedes-Benz AG, cho biết trong một tuyên bố.

Đánh giá: