menu

Lái siêu xe Ferrari 488 đưa con đi học, ông bố bị giáo viên và phụ huynh của lớp tẩy chay

Hàn Quang 17:41 - 16/10/2018

Các giáo viên và phụ huynh cho rằng việc sử dụng chiếc xe thể thao đắt tiền như Ferrari 488 để đưa con đi học sẽ gây ra sự so sánh thiếu lành mạnh trong lớp, không có lợi cho việc phát triển tình bạn giữa các học sinh.

Một người đàn ông sống tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, đã bị các phụ huynh của lớp con trai tẩy chay vì tội khoe của. Câu chuyện bắt đầu từ việc người đàn ông họ Li này lái chiếc siêu xe Ferrari 488 để đưa con trai đến trường tiểu học trong vùng.

Được biết, anh Li hiện đang là giám đốc của một công ty phát triển nhà đất với thu nhập một năm rơi khoảng hơn 4 triệu Nhân dân tệ (tương đương 13,5 tỷ đồng). Sau khi thấy anh Li đưa con trai đi học bằng chiếc siêu xe Ferrari 488, các phụ huynh của lớp đã phàn nàn về việc này với giáo viên trong nhóm chat chung trên mạng xã hội WeChat.

Ông bố bị các phụ huynh của lớp con trai tẩy chay vì lái siêu xe Ferrari 488 đưa con đi học

Ông bố bị các phụ huynh tẩy chay vì lái siêu xe Ferrari 488 đưa con đi học. Ảnh minh họa

Trao đổi với anh Li, vị giáo viên này cho rằng việc sử dụng chiếc xe thể thao đắt tiền như Ferrari 488 để đưa con đi học sẽ gây ra sự so sánh không lành mạnh trong lớp. Điều này không có lợi cho việc phát triển tình bạn giữa các học sinh.

Nhiều phụ huynh đã tỏ ra đồng tình với ý kiến của giáo viên và gợi ý anh Li nên đưa con đi học bằng chiếc xe khác. "Việc làm này không phù hợp. Anh không nên thể hiện dù có giàu đến cỡ nào", một vị phụ huynh nói. "Nếu chỉ là đưa con đi học, anh không thể dùng một chiếc ô tô bình thường được à?", phụ huynh khác đặt câu hỏi. "Dù sao thì anh cũng đâu có thiếu tiền".

Bất chấp lời ra tiếng vào, anh Li vẫn không chịu nhường bước. Anh cho rằng mình đã làm việc vất vả mới kiếm được số tiền này và sẽ cho con trai một cuộc sống tốt nhất.

"Nếu tổn thương khi nhìn thấy người khác đi một chiếc xe thể thao, con cái của các anh chị đang quá nhạy cảm rồi", anh Li viết trong nhóm chat chung dành cho các vị phụ huynh của lớp. "Ngoài ra, tại sao tôi nên mua một chiếc xe khác chỉ để phục vụ nhu cầu của các anh chị?".

Sau khi từ chối đổi xe để đưa con đi học, anh Li phát hiện việc mình bị loại ra khỏi nhóm chat chung. Câu cuối cùng mà anh viết trong nhóm chat là "Các người bị làm sao vậy?" đã không thể tiếp tục gửi đi.

Sự việc này đã nhanh chóng khơi ra một cuộc tranh cãi trên mạng xã hội về việc khoe của. Có gần 30.000 bình luận và hơn 12.000 lượt chia sẻ về sự việc trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc.

Một số người không đồng tình với hành động loại bỏ anh Li ra khỏi nhóm chat chung của giáo viên chỉ vì bất đồng quan điểm. Những người khác cho rằng giáo viên và phụ huynh khác đáng nhẽ nên coi đây là cơ hội để dạy cho bọn trẻ về các giá trị trong cuộc sống.

"Giáo viên và các vị phụ huynh cảm thấy cáu giận vì điều này đã không thể dạy cho bọn trẻ về những giá trị đúng đắn trong cuộc sống và tiền bạc", một cư dân mạng nêu ý kiến. "Liệu họ có thể khiến những sản phẩm xa xỉ biến mất khỏi thế giới?".

"Khoảng cách giàu nghèo là có thật. Tốt nhất là nên dạy bọn trẻ đối mặt với điều này hơn là trừng phạt người khác vì lái xe thể thao để khoe của", cư dân mạng khác nói.

Trong vòng hơn 4 thập kỷ qua, khoảng cách giàu nghèo tại Trung Quốc đã tăng dần lên. Hệ số Gini dùng để đo sự bất bình đẳng về thu nhập của một quốc gia tại Trung Quốc đã tăng lên 0,465 vào năm ngoái. Liên hợp quốc cho rằng hệ số Gini cao hơn 0,4 là dấu hiệu của sự bất bình đẳng thu nhập nghiêm trọng. Hệ số Gini hiện tại của Mỹ là 0,479.

Khoảng cách về thu nhập sau thuế giữa các vùng thành thị và nông thôn của Trung Quốc đã tăng gấp hơn 10 lần, từ 210 Nhân dân tệ vào năm 1978 lên 22.964 Nhân dân tệ (77,57 triệu đồng) vào năm ngoái.

Sự phân chia giàu nghèo còn xuất hiện giữa các tỉnh thành của Trung Quốc. Theo Cục dữ liệu quốc gia Trung Quốc, thu nhập sau thuế trung bình tại 2 thành phố Bắc Kinh và Thượng Hải là khoảng 60.000 Nhân dân tệ (202,3 triệu đồng) vào năm ngoái. Trong khi đó, con số tương ứng tại những tỉnh miền Tây của Trung Quốc như Cam Túc hay Quý Châu là hơn 16.000 Nhân dân tệ (khoảng 53,9 triệu đồng).

Hàn Quang
Đánh giá: