menu

Kiểm nghiệm thực tế việc ăn hoa quả làm tăng nồng độ cồn trong hơi thở

15:54 - 04/01/2020

Thử nghiệm dưới đây của chúng tôi sẽ giải đáp thắc mắc của nhiều người về việc ăn hoa quả liệu có làm tăng nồng độ cồn trong hơi thở hay không.

Nghị định 100/2019/NĐ-CP thay thế cho Nghị định số 46/2016 đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 nhằm nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông của người dân thông qua việc tăng mức phạt đối với các hành vi vi phạm luật và đặc biệt xử lý mạnh tay với các trường hợp sử dụng rượu bia trước khi lái xe.

Hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP là một trong những đề tài đang gây xôn xao nhất trên các diễn đàn và mạng xã hội. Trong đó, thông tin về việc ăn một số loại hoa quả như vải, nho, dứa hay táo trước khi lái xe cũng có thể gây tăng nồng độ cồn trong hơi thở được chú ý hơn cả. Để kiểm chứng thông tin này, chúng tôi đã thực hiện một thử nghiệm là ăn hết một đĩa hoa quả ngọt bao gồm xoài cát, cam canh, nho mỹ và táo Envy rồi thổi vào máy đo nồng độ cồn trong hơi thở.

Thử nghiệm ăn hoa quả để kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở (Video: Duy Tùng)

Tình trạng sức khoẻ của người thử nghiệm hoàn toàn bình thường, giới tính nam, cao 1,75 m và nặng 73 kg. Thời điểm thử nghiệm ăn hoa quả là 10 giờ 15 phút ngày 3/1/2019. Người thử nghiệm đã ăn sáng lúc 8 giờ và uống nước lọc tráng miệng trước khi bắt đầu. Máy đo nồng độ cồn được sử dụng trong thử nghiệm mang nhãn hiệu AT6000, hiện được bán với giá khoảng 700.000 đồng trên thị trường.

Kết quả ghi nhận được là máy đo nồng độ cồn không phát hiện có cồn trong hơi thở ngay sau khi chúng tôi ăn xong hoa quả ngọt. Sau khi đợi 15 phút và 30 phút, chúng tôi tiếp tục thử nghiệm thổi vào máy đo nồng độ cồn thì kết quả nồng độ cồn trong hơi thở vẫn là 0 mg/ml. 

Theo lời các bác sĩ thì mặc dù đường trong hoa quả có thể lên men và sản sinh ra cồn. Tuy nhiên, lượng cồn này rất ít và dễ bay hơi trong quá trình cơ thể con người hô hấp nên sẽ không có quá nhiều ảnh hưởng.

Thử nghiêm độ nồng độ cồn trong hơi thở sau khi ăn hoa quả cho kết quả là 0mg/ml, đủ điều kiện để điều khiển các phương tiện giao thông.

Thử nghiệm nồng độ cồn trong hơi thở sau khi ăn hoa quả cho kết quả là 0mg/ml, đủ điều kiện để điều khiển các phương tiện giao thông.

Trong khi đó, chỉ một chén rượu nhỏ đã đẩy nồng độ cồn trong hơi thở của người thử nghiệm vượt ngưỡng gấp đôi tiêu chuẩn cho phép. Vì vậy, nếu tài xế uống rượu bia trước khi lái xe thì sẽ bị tăng nồng độ cồn trong hơi thở dẫn đến vi phạm luật giao thông.

Theo Nghị định 100/2019, người điều khiển ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất, vượt 0,4 mg/lít khí thở, sẽ bị phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng, đồng thời tước giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng. Ngoài ra, Nghị định mới không chỉ giới hạn xử lý người vi phạm là tài xế lái ô tô mà còn áp dụng cho người điều khiển mô tô và xe đạp. Cụ thể, người điều khiển mô tô là từ 6 - 8 triệu đồng và tước bằng lái xe từ 22 – 24 tháng; người sử dụng phương tiện là xe đạp, xe thô sơ sẽ bị phạt từ 400 – 600 nghìn đồng.

Chúc các bạn lái xe an toàn!

Hoàng Hiển

Đánh giá: