menu

Hệ thống hỗ trợ khởi hành ngang dốc là gì?

11:33 - 25/08/2022

Nhờ hệ thống hỗ trợ khởi hành ngang dốc, khi người lái nhả chân phanh thì hệ thống phanh vẫn hoạt động, giúp xe không bị trôi.

Khoa học công nghệ ngày càng phát triển, giúp cho việc lái xe càng trở nên đơn giản hơn. Sự ra đời của những hệ thống hỗ trợ hiện đại góp phần gia tăng khả năng bảo đảm an toàn tính mạng, đồng thời mang đến cảm giác tự tin và thoải mái hơn cho các tài xế trong quá trình vận hành. Trong đó, không thể không nhắc đến hệ thống hỗ trợ khởi hành ngang dốc.

Tất nhiên, không phải ai cũng biết hệ thống khởi hành ngang dốc là gì và tác dụng của hệ thống này. Bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về hệ thống an toàn hiện đang được áp dụng cho nhiều mẫu xe này.

Hệ thống khởi hành ngang dốc là gì?

Hệ thống hỗ trợ khởi hành ngang dốc thường được các hãng xe gọi bằng cái tên Hill-start Assist Control (HAC). Cũng có hãng gọi hệ thống này bằng những cái tên khác như Hill-hold Control (HHC) hay Hill-start Assist (HSA).

Tiền thân là hệ thống hỗ trợ lái xe đường dốc Hill Holder do tập đoàn Wagner Electric và Bendix Brake phát minh. Phát minh này lần đầu tiên ra mắt công chúng vào năm 1936, có tác dụng ngăn xe bị trôi dốc khi dừng lại giữa đường đèo, dốc. Theo thời gian, hệ thống Hill Holder dần được cải tiến thành hệ thống hỗ trợ khởi hành ngang dốc ngày nay.

Sự khác biệt giữa xe có hệ thống hỗ trợ khởi hành ngang dốc và không có

Sự khác biệt giữa xe có tính năng hỗ trợ khởi hành ngang dốc và không có

Khi đang đỗ trên đèo hoặc dốc và cần khởi hành, người lái sẽ phải nhả phanh rồi đạp ga. Lúc đó, xe sẽ trôi về phía sau khiến người lái vội vàng đạp ga mạnh hơn nữa. Điều này có thể khiến xe lăn bánh từ từ hoặc tệ hơn là người lái mất kiểm soát và gây tai nạn. Tuy nhiên, nhờ hệ thống khởi hành ngang dốc, khi người lái nhả chân phanh thì hệ thống phanh vẫn hoạt động, giúp xe không bị trôi. Khi người lái đạp ga, phanh sẽ chớm nhả để xe di chuyển.

Video giải thích về hệ thống hỗ trợ khởi hành ngang dốc

Tùy từng hãng xe mà hệ thống này sẽ được thiết kế theo những cách khác nhau. Tuy nhiên, có một số kỹ thuật thường được dùng để phát triển hệ thống hỗ trợ khởi hành ngang dốc như dựa vào độ nghiêng, dựa vào chuyển động lùi, dựa vào bàn đạp côn, dựa vào chân ga, dựa vào phanh và dựa vào mô-men xoắn động cơ.

Hệ thống hỗ trợ khởi hành ngang dốc có thể có tên gọi và nguyên lý hoạt động khác nhau, tùy theo từng hãng xe

Hệ thống hỗ trợ khởi hành ngang dốc có thể có tên gọi và nguyên lý hoạt động khác nhau, tùy theo từng hãng xe

Dựa vào bàn đạp côn

Kỹ thuật này thường được dùng cho xe số sàn. Khi khởi động xe số sàn, người lái cần phải đạp côn để ngắt ly hợp, tách động cơ khỏi hộp số. Lúc này, lực hãm của động cơ sẽ không còn giữ xe đứng yên nữa. Khi người lái không đạp phanh, thường trong trường hợp tăng tốc, xe sẽ bị trôi tự do, nhất là nếu ở đường đèo, dốc. Đây là lúc hệ thống này được kích hoạt.

Dựa vào độ nghiêng

Nếu xe dừng trên dốc khi động cơ vẫn đang hoạt động, người lái sẽ cần đến hệ thống hỗ trợ khởi hành ngang dốc. Cảm biến sẽ đo độ nghiêng thân xe theo hướng dốc lên (đầu cao hơn đuôi) rồi gửi tín hiệu đến "AI", báo hiệu nguy cơ xe có thể bị trôi. Tuy nhiên, kỹ thuật dựa vào độ nghiêng có một nhược điểm là đôi khi xe bị nghiêng nhưng không cần đến hệ thống hỗ trợ khởi hành ngang dốc, ví dụ bị trượt bánh vào ổ gà.

Dựa vào mô-men xoắn động cơ

Kỹ thuật này chỉ đơn giản là phát hiện việc động cơ có tạo ra đủ mô-men xoắn để xe tiến về phía trước hay không. Nếu đủ mô-men xoắn nghĩa là xe không có nguy cơ trôi về đằng sau và hệ thống hỗ trợ khởi hành ngang dốc sẽ được ngắt đi.

Dựa vào phanh 

Kỹ thuật này sẽ phát hiện việc phanh có được sử dụng và lực phanh có đủ để giữ xe đứng yên hay không. Nếu không, hệ thống hỗ trợ khởi hành ngang dốc sẽ được kích hoạt.

Dựa vào chuyển động lùi

Mặc dù không thực sự cần thiết nhưng một số hệ thống sẽ đi kèm thiết bị phát hiện xem xe có đang trôi về phía sau hay không.

Các bộ phận của hệ thống khởi hành ngang dốc

Hệ thống HAC có tác dụng ngăn xe bị trôi dốc khi dừng lại giữa đường đèo, dốc

Hệ thống HAC có tác dụng ngăn xe bị trôi dốc khi dừng lại giữa đường đèo, dốc

Hệ thống hỗ trợ khởi hành ngang dốc bao gồm nhiều loại cảm biến khác nhau, bộ điều khiển điện tử ECU và bộ điều khiển hệ thống phanh. Cụ thể như sau:

Bộ điều khiển điện tử (ECU): Đây là hệ thống máy tính tích hợp trong xe, có nhiệm vụ nhận tín hiệu từ các cảm biến. ECU sẽ quyết định khi nào cần phanh dựa trên tín hiệu đầu vào. ECU có thể tính toán lực cản di chuyển và độ dốc của đèo/ dốc mà xe đang chạy, dựa trên tín hiệu do cảm biến áp suất giảm chấn cũng như cảm biến góc nghiêng truyền đến. Lực cản di chuyển được dùng để tính toán xem xe cần bao nhiêu mô-men xoắn động cơ để có thể leo dốc.

Bộ điều khiển hệ thống phanh: Đây là thiết bị chuyển đổi tín hiệu điện thành chuyển động cơ học. Bộ điều khiển sẽ nhận tín hiệu kích hoạt hệ thống phanh từ ECU. Sau đó, bộ điều khiển này sẽ kích hoạt van phanh, bơm dầu phanh tới phanh để giữ xe đứng yên, ngăn trôi dốc.

Cảm biến góc nghiêng: Cảm biến này sẽ xác định góc nghiêng của thân xe tương ứng với độ dốc của đường đèo, dốc mà xe đang đi.

Cảm biến áp suất giảm chấn: Đây là một bộ phận của hệ thống treo và có tác dụng nhận biết trọng lượng của xe, bao gồm cả trọng lượng của hành khách lẫn hành lý. Những cảm biến này sẽ sản sinh một tín hiệu điện tương xứng với trọng lượng của xe.

Cảm biến chuyển động của bánh xe: Những cảm biến này thường được đặt trên trục và có thể xác định tốc độ cũng như hướng xoay của bánh xe.

Cảm biến mô-men xoắn: Mô-men xoắn là lực xoay của động cơ, giúp xe tăng tốc từ vị trí đứng yên. Cảm biến mô-men xoắn có thể phát hiện xem bao nhiêu mô-men xoắn đang được truyền tới bánh thông qua hệ thống truyền động.

Khi tài xế bắt đầu tăng ga, cảm biến mô-men xoắn sẽ giúp ECU quyết định xem mô-men xoắn của động cơ có đủ để vượt qua lực cản di chuyển đã được ECU tính toán hay không. Nếu đủ, ECU sẽ gửi tín hiệu cho bộ điều khiển phanh, ra lệnh dừng phanh để xe di chuyển.

Xe có hỗ trợ khởi hành ngang dốc tại Việt Nam

Tại Việt Nam, các mẫu xe được trang bị hệ thống hỗ trợ khởi hành ngang dốc phần lớn đều là xe cỡ B trở lên. Có thể kể đến một số mẫu xe tại Việt Nam như Toyota Vios, Mitsubishi Xpander, Honda City, Mazda 3, Honda Civic, Honda HR-V, Honda Accord, Honda CR-V, Mazda6, Mazda CX-8, Mazda CX-5, Nissan X-Trail, Nissan Terra, Hyundai Santa Fe, Hyundai Tucson, Toyota Camry, Toyota Corolla Altis, Toyota Fortuner, Ford Ranger, Ford Everest, Ford Explorer, Hyundai Kona,...

Đánh giá: