menu

Fiat Turbina - Mẫu concept trang bị động cơ phản lực bị lãng quên của thập niên 1950

09:34 - 27/07/2021

Ra đời cách đây gần 70 năm, Fiat Turbina là mẫu xe concept vô cùng độc đáo khi trang bị một động cơ phản lực hoạt động hoàn chỉnh.

Trong khi các nhà sản xuất khác bắt đầu thử nghiệm động cơ tăng áp vào đầu những năm 1950, Fiat đã tiến xa thêm một bước nữa và phát triển một chiếc Berlinetta 2 cửa hấp dẫn sử dụng động cơ tuabin khí đặt giữa.

Mặc dù công nghệ này không mới, nhưng các tuabin đốt đã bắt đầu trở nên tân tiến hơn và phổ biến hơn sau Thế Chiến II, chủ yếu nhờ vào ngành công nghiệp máy bay và chúng cũng có được biệt danh “động cơ phản lực” từ đó. Chúng là một bước đột phá lớn làm thay đổi cách mọi người di chuyển, và mọi kỹ sư thời đó dường như đều bị chúng mê hoặc.

Đây cũng là trường hợp của giám đốc kỹ thuật của Fiat, Dante Giacosa, người đã nghĩ rằng công nghệ này có thể thay đổi mạnh mẽ ngành công nghiệp ô tô. Cùng với Vittorio Bellicardi, người chịu trách nhiệm tính toán kỹ thuật và một đội ngũ kỹ sư tài năng, họ đã bắt đầu một nghiên cứu chuyên sâu về tính khả thi của một chiếc xe như vậy vào năm 1948.

Khi đó, một trong những bộ phận hàng không vũ trụ của Fiat đang chịu trách nhiệm chế tạo động cơ phản lực Ghost theo giấy phép bản quyền từ de Havilland Engine Company của Anh nhưng trái với suy nghĩ của nhiều người, đó không phải là một phần của nghiên cứu. Trên thực tế, toàn bộ dự án này cực kỳ bí mật và chỉ một số ít nhân viên biết về sự tồn tại của nó. Trong giai đoạn đầu, ngay cả những quản lý cao nhất cũng không được biết vì sợ rằng họ sẽ hủy bỏ chương trình.

Sau khi nghiên cứu những cải tiến mới nhất của thời kỳ đó trong hơn 2 năm, Giacosa và Bellicardi đã sẵn sàng bắt đầu chế tạo chiếc xe. Họ kiên quyết phát triển một động cơ nhỏ gọn, hoàn toàn mới và không muốn mất thời gian sửa đổi một động cơ máy bay có sẵn. Do vậy, vào tháng 9 năm 1950, thiết kế động cơ tuabin Tipo 8001 bắt đầu được vẽ ra và khoảng 7 tháng sau, nó đã sẵn sàng được chế tạo.

Nguyên mẫu thử nghiệm được chế tạo vào tháng 11 năm 1951 và sau một năm kiểm tra toàn diện tất cả các bộ phận của nó, nó đã được lắp ráp hoàn chỉnh và khởi động lần đầu tiên. Có tên mã Tipo 8001, tuabin bao gồm một máy nén ly tâm hai cấp, ba thiết bị đốt, một tuabin hướng trục hai cấp dẫn động máy nén, và một tuabin điện một cấp được kết nối với trục bánh sau. Theo Fiat, nó có thể sản sinh mã lực tại tua máy 22.000 vòng/phút, với công suất đầu ra được kiểm soát bởi van đo nhiên liệu biến thiên. Động cơ không sử dụng hộp số hoặc bộ ly hợp vậy nên lái xe sẽ chỉ cần dùng hai pe-đan.

Vào thời điểm này, Rover đã tiết lộ chiếc xe trang bị tuabin khí của mình, nguyên mẫu JET1, và có tin đồn cho rằng General Motors cũng đang phát triển một chiếc ở phía bên kia đại dương. Chuyện này đã giúp cho dự án của Giacosa và Bellicardi được tín nhiệm hơn, vậy nên cuối cùng họ đã tiết lộ kế hoạch của mình với ban lãnh đạo cấp cao của công ty. May mắn cho họ, dự án đã nhận được phản ứng tích cực và nguồn kinh phí cần thiết để hoàn thành chiếc xe concept mà sau đó mang tên là Fiat Turbina.

Trong khi đội ngũ kỹ sư thực hiện những bài kiểm tra cuối cùng đối với động cơ, công việc thiết kế khung gầm và thân vỏ được bắt đầu. Sau khi phân tích một số đề xuất, họ quyết định rằng cách bố trí động cơ đặt giữa phía sau kiểu thể thao sẽ là cơ sở của chiếc xe.

Giacosa đã chế tạo khung gầm bằng thép hình ống với chiều dài cơ sở 2.400 mm. Turbina sử dụng hệ thống treo xương đòn kép hoàn toàn độc lập và phanh tang trống thủy lực vay mượn từ mẫu xe thể thao 8V mới phát triển thời đó. Ngoài ra, các thùng chứa dầu hỏa được lắp cho mỗi bên sườn, trong khi cụm ắc quy 6 volt được lắp ở phần phía trước.

Với động cơ và khung gầm được hoàn thiện, Luigi Rapi đã được giao nhiệm vụ thiết kế thân vỏ. Sử dụng phòng kiểm tra khí động học tại Politecnico di Torino, ông ấy đã phát triển một chiếc Berlinetta 2 chỗ ngồi trơn mượt tuyệt đẹp, nổi bật với một cặp vây ổn định phía sau. Thân xe có hiệu quả về mặt khí động học đến mức nó đạt hệ số cản chỉ 0,14, một con số lập kỷ lục mà phải 30 năm sau mới bị đánh bại.

Được hoàn thiện với hai tông màu trắng và đỏ, chiếc xe độc nhất vô nhị còn có cửa sổ bên cố định, không có đèn pha hay đèn hậu, và chạy bằng bộ la-zăng Borrani 16 inch bọc trong lốp Pirelli. Nội thất của xe có ghế màu đen và mặt táp lô màu trắng với hàng tá đồng hồ đo lường. Một tấm che đơn giản giúp ngăn cách cabin với động cơ, và vì không có cách âm, lái xe đường dài trong Turbina sẽ là một trải nghiệm nhức tai.

Vào tháng 3 năm 1954, chiếc xe được lắp ráp hoàn chỉnh, và lần chạy thử nghiệm đầu tiên đã diễn ra một tháng sau đó trên đường đua nổi tiếng của Fiat có vị trí trên tầng thượng của nhà máy Lingotto. Sau vài bước chỉnh sửa cuối cùng, mẫu concept trang bị động cơ phản lực đã được hé lộ với công chúng tại Triển lãm Ô tô Turin, nơi nó đã được đón nhận nhiệt tình bởi mọi người tham dự sự kiện.

Không lâu sau triển lãm, Fiat đã trưng bày Turbina tại một sự kiện công cộng được tổ chức ở sân bay Turin-Caselle với giám đốc lái thử xe Carlo Salamano ngồi sau vô lăng. Chiếc xe tỏ ra ổn định và nhanh nhẹn, làm hài lòng các nhân vật hàng đầu của công ty, những người đang quan sát từ bên lề. Mặc dù được tiếp tục phát triển trong hai năm nữa, dự án cuối cùng đã bị bỏ dở, chủ yếu vì các vấn đề quá tải nhiệt thường xuyên và mức tiêu thụ nhiên liệu cao.

Không được sản xuất hàng loạt, song Fiat Turbina vẫn là một trong số ít những chiếc ô tô chạy bằng động cơ phản lực hoạt động hoàn chỉnh từng được tạo ra. Ngày nay, mẫu concept sáng tạo và đẹp đẽ này được trưng bài tại Museo Nazionale dell’Automobile ở Turin, và bất kỳ ai cũng có thể đến chiêm ngưỡng nó.

Đánh giá: