menu

Facelift là gì? Nên mua phiên bản facelift hay chờ xe thế hệ mới?

11:01 - 12/06/2020

"Facelift là gì?", "Vì sao xe cần facelift" và "Nên mua phiên bản facelift hay chờ xe mới" là những câu hỏi sẽ được giải đáp trong bài viết này.

Với những người yêu thích và thường xuyên theo dõi tin tức về ô tô, những cụm từ như "xe facelift" hay "phiên bản facelift" có lẽ đã không còn xa lạ vì hay được nhắc đến trên các mặt báo, diễn đàn và mạng xã hội. Tuy nhiên, có không ít người vẫn cảm thấy mù mờ, không hiểu rõ facelift là gì. Trong bài viết dưới đây, Tinxe.vn sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc này.

Facelift là gì có lẽ là câu hỏi mà không ít người mới tìm hiểu về ô tô đã đặt ra

"Facelift là gì" có lẽ là câu hỏi mà không ít người mới tìm hiểu về ô tô đã đặt ra

Facelift là gì?

Hàng năm, các hãng ô tô thường bổ sung một vài nâng cấp nhỏ cho các mẫu xe để sản phẩm của mình liên tục thay đổi và tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Những nâng cấp này có thể bao gồm màu sơn, trang bị hoặc gói phụ kiện mới dành cho xe. Trong khi đó, thiết kế nội thất, ngoại thất và động cơ của xe thì gần như không thay đổi. Tuy nhiên, nâng cấp hàng năm này không phải là "facelift".

Về cơ bản, thuật ngữ "facelift" dùng để chỉ những nâng cấp lớn mà các hãng ô tô áp dụng cho một mẫu xe đang bán trên thị trường. Nhờ đó, xe facelift thường sở hữu thiết kế khác biệt ở đầu xe và đuôi xe so với phiên bản cũ. Nhìn chung, các hãng sẽ tập trung nhiều thay đổi nhất vào thiết kế ngoại thất và trang bị của xe, từ đó kéo theo giá tăng lên.

Thậm chí, có những mẫu xe được thay đổi cả khung gầm và động cơ ở phiên bản facelift, điển hình như Hyundai Santa Fe hay Kia Sorento. Ở phiên bản 2021, Hyundai Santa Fe chẳng những được áp dụng phong cách thiết kế khác biệt, theo hơi hướng Palisade, mà còn sở hữu cơ sở gầm bệ hoàn toàn mới, dùng chung với Sonata. Chẳng những giúp xe nhẹ hơn, cải thiện khả năng đáp ứng vô lăng, hiệu suất vận hành và an toàn, cơ sở gầm bệ này còn cho phép hãng Hyundai lần đầu tiên đưa động cơ hybrid cũng như plug-in hybrid vào Santa Fe.

Hyundai Santa Fe phiên bản facelift

Hyundai Santa Fe phiên bản facelift

Hyundai Santa Fe cũ, được thay thế bằng phiên bản facelift kể trên

Hyundai Santa Fe cũ, được thay thế bằng phiên bản facelift kể trên

>>> Xem thêm: Cập nhật bảng giá SantaFe 2020 mới nhất tháng 6/2020

Bên cạnh đó, một số hãng xe còn quyết định đổi tên cho xe ở phiên bản facelift. Ví dụ điển hình như là mẫu xe Volkswagen Passat CC được đổi tên thành Volkswagen CC từ năm 2011, Volvo 960 thành S90, Mercedes-Benz ML thành GLE, Mercedes-Benz C-Class Sports Coupé thành CLC, Mercedes-Benz SLK thành SLC, Mercedes-Benz GLK thành GLC, Mercedes-Benz GL thành GLS hay Aston Martin Virage thành DB9.

Vì sao xe cần facelift?

Thời gian có thể nói là kẻ thù lớn nhất của mọi loại hàng hóa trên thị trường và ô tô cũng không phải là ngoại lệ. Những chiếc điện thoại ngày nay đều được nâng cấp hàng năm nên thật kỳ lạ nếu một sản phẩm giá trị lớn như xe hơi lại phải chờ 5-7 năm mới thay đổi thiết kế. Đó là lý do vì sao các mẫu xe cần đến phiên bản facelift.

Mục đích lớn nhất của phiên bản facelift chính là mang đến sự mới mẻ cho một mẫu xe mà không đòi hỏi nhà sản xuất phải tốn quá nhiều chi phí như việc thiết kế lại. Nguyên nhân xe cần phiên bản facelift có thể là do thiết kế ban đầu không thực sự ăn khách như kỳ vọng. Ví dụ điển hình cho trường hợp này là Toyota Hilux. Thế hệ thứ 8 của mẫu xe bán tải Hilux ra mắt vào năm 2015 đã không đạt được doanh số như kỳ vọng của hãng Toyota. Do đó, vào cuối năm 2017, hãng Toyota đã phải sớm tung ra phiên bản facelift của Hilux ở thị trường Thái Lan.

Toyota Hilux 2015

Toyota Hilux 2015

Toyota Hilux phiên bản facelift trình làng vào cuối năm 2017

Toyota Hilux phiên bản facelift trình làng vào cuối năm 2017

>>> Xem thêm: Đánh giá nhanh Toyota Hilux 2.8G AT 4x4: Nâng cấp thiết kế, tiện nghi, giữ nguyên động cơ

Đôi khi, phiên bản facelift cũng giúp xe thay đổi thiết kế sao cho tương đồng với các sản phẩm đời mới của cùng thương hiệu. Do đó, các phiên bản facelift thường khơi lại sự hứng thú của người tiêu dùng với một mẫu xe đã có mặt trên thị trường vài năm, từ đó thúc đẩy doanh số.

Khi nào phiên bản facelift được tung ra?

Trừ khi doanh số không được như mong đợi, các hãng ô tô sẽ cố gắng không tung ra phiên bản facelift cho đến khi xe đi hết nửa vòng đời. Nguyên nhân là do các hãng ô tô muốn đảm bảo giá trị của thiết kế ban đầu và lo sợ quá nhiều thay đổi sẽ khiến khách hàng cảm thấy bối rối.

Hiện nay, một số hãng xe đã rút ngắn thời gian tung ra phiên bản facelift của một mẫu xe mới. Tuy nhiên, theo thông lệ, khi một mẫu xe trình làng thì phải ít nhất 2 năm sau đó, phiên bản facelift của nó mới được tung ra.

Phát triển phiên bản facelift có tốn không?

Bất kỳ sự thay đổi nào trên dây chuyền sản xuất đều có thể khiến các hãng xe tốn hàng triệu USD. Vì thế, xe facelift thường tăng giá nhẹ so với phiên bản cũ. Bù lại, người mua lại được hưởng những trang bị mới và động cơ tiết kiệm nhiên liệu hơn.

Nên mua phiên bản facelift hay chờ xe mới?

Nếu không quan trọng việc sở hữu xe có thiết kế mới nhất, bạn nên chọn phiên bản facelift vì sẽ tiết kiệm được một món tiền kha khá. Các nhà sản xuất luôn cố gắng bán được càng nhiều xe mang thiết kế cũ càng tốt nên sẽ mạnh tay hơn trong khoản trang bị và điều này hoàn toàn có lợi cho người tiêu dùng.

Chưa hết, xe facelift còn có một ưu điểm nữa là khắc phục được những nhược điểm và hạn chế ở phiên bản cũ. Nhờ đó, người mua có thể yên tâm hơn khi mua xe facelift.

Hi vọng với bài viết trên, các bạn đã hiểu xe facelift là gì và mục đích ra đời của phiên bản facelift. Qua đó, các bạn có thể đưa ra quyết định dễ dàng hơn khi chọn lựa giữa việc mua phiên bản facelift hay chờ xe mới.

Lan Quyên

Đánh giá: