8 mẫu xe điện cổ điển mà bạn chưa từng nghe đến bao giờ
22:40 - 25/04/2022
Với xu hướng phát triển và mức độ phủ truyền thông của xe điện trong vài năm qua, thật dễ để tin rằng trước đây chưa từng có ai nghĩ đến xe điện và Elon Musk chính là “vĩ nhân sáng chế xe điện” để cứu vớt thế giới. Sự thật là một số mẫu ô tô đầu tiên đã chạy bằng pin điện, và xe điện từng là phương tiện phổ biến vào khoảng đầu thế kỷ 20, nhưng vì sự cạnh tranh về chi phí rẻ của Ford Model T cũng như công nghệ chưa được tối ưu khi đó đã khiến xe điện không còn là lựa chọn đại đa số người tiêu dùng.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất ô tô đã không ngừng xem xét tính hiệu quả của công nghệ đương đại đối với xe sạc từ mạng lưới điện, thay thế năng lượng hóa thạch truyền thống. Dưới đây là một vài mẫu xe điện thời xưa mà lịch sử không nên lãng quên.
Peugeot VLV 1941
Peugeot VLV đã ra đời vào giai đoạn Thế Chiến II và là một mẫu xe bị cấm bởi Phát Xít Đức. Mẫu xe điện bé nhỏ này đã được sáng chế từ hoàn cảnh thực tế khi quân Đức chiếm đóng nước Pháp, khiến các nhà sản xuất ô tô phải giao nhà máy của mình cho kẻ địch, và bán xăng cho dân chúng được coi là hành vi bất hợp pháp.
Mặc dù vậy, người Pháp đã không chịu thua hoàn cảnh khắc nghiệt đó. Mọi người đã sáng tạo trong việc chuyển đổi ô tô của họ để chạy bằng những nhiên liệu khác như axetylen hoặc khí nén được thu lại từ việc đốt các vật liệu dễ cháy. Trong bí mật, một số công ty đã bắt đầu sản xuất xe điện, nhưng nhà sản xuất xe lớn duy nhất làm như vậy là Peugeot. Các kỹ sư của công ty đã làm việc bí mật để thiết kế chiếc xe, sau đó bán nó một cách công khai.
VLV (tên đầy đủ: “Voiture Légère de Ville”, có nghĩa xe độ thị nhẹ) có khoảng cách giữa hai bánh sau hẹp hơn phía trước, vì vậy nó không cần bộ vi sai, chạy bằng 4 bộ pin 12 volt, và có phạm vi hoạt động khoảng 80 km với tốc độ tối đa 35 km/h. Chế độ Đức Quốc Xã đương nhiên không thích chiếc xe, và nó đã bị cấm chỉ với 377 chiếc được chế tạo.
Tama Electric Car 1947
Nissan có Tama Electric Car số 0009 trong bộ sưu tập di sản của mình, và nó trông dễ thương như một nút bấm khởi động. Tại sao Nissan lại có liên quan ở đây? Đó là vì Tama là tên thương hiệu trực thuộc Công ty Ô tô Điện tử Tokyo, sau này trở thành Prince Motors, công ty hợp nhất với Nissan. Năm 1947, Nhật Bản bị suy sụp sau Thế Chiến II và thiếu hụt dầu mỏ, lương thực, và hàng hóa nói chung. Tuy nhiên, bởi vì có ít thiết bị gia dụng hoặc số lượng lớn người sử dụng điện, nên nguồn điện rất dồi dào. Điều đó dẫn đến vô số các công ty khởi nghiệp xe điện, và chúng đã là phương tiện phổ biến cho đến khi xăng dầu trở nên khả thi một lần nữa.
Tama Electric Car nhỏ bé, mạnh 4,5 mã lực là một mẫu xe 4 chỗ thường được sử dụng làm xe taxi cho đến năm 1951. Nhà sản xuất cũng cung cấp một phiên bản bán tải dành cho những ai cần một chiếc xe lao động. Thật ấn tượng, nó chỉ nặng bằng một chiếc Mazda MX-5 Miata và có phạm vi hoạt động 64 km nhưng có thể xoay sở lên đến 96 km. Nhược điểm của xe là bộ pin axít chì và tốc độ tối đa chỉ 35 km/h (27 km/h nếu bạn muốn phạm vi hoạt động lớn nhất).
Chevrolet Electrovair II 1966
General Motors đã xem xét kỹ lưỡng về ý tưởng xe điện trong những năm 1960, và mẫu Corsair với trọng lượng nhẹ, động cơ phía sau là lựa chọn thích hợp nhất cho việc chuyển đổi. Phiên bản kế tiếp của mẫu Electrovair đầu tiên đã đặt mô tơ điện ở phía sau và được cung cấp năng lượng bởi dãy pin oxit bạc 532 volt lắp đặt ở cả trước và sau. Electrovair II có phạm vi hoạt động khoảng 64 – 128 km và các con số hiệu suất tương tự như chiếc ô tô chạy bằng xăng. Thật không may, dù dãy pin oxit bạc có mật độ năng lượng cao, nhưng nó lại xuống cấp nhanh chóng và tuổi thọ của pin là khoảng 100 lần sạc.
AMC Amitron 1967
Trong thập niên 1960, cả ba ông lớn của ngành xe Mỹ đều thử nghiệm xe điện, nhưng AMC cũng kín đáo làm vậy. Điều thú vị về mẫu concept Amitron là nó đã tiên tiến như thế nào. Nó sử dụng thiết kế pin tiên tiến, phanh tái tạo, khí động học, và vật liệu nhẹ để chạy được khoảng 240 km chỉ với một lần sạc. Đúng vậy, Amitron có tham vọng áp dụng phanh tái tạo 50 năm trước khi tính năng này trở nên phổ biến.
AMC đã làm việc với Gulton Industries để chế tạo mẫu concept của mình và phát triển bộ pin lithium-niken-florua. Tuy nhiên, họ cũng sử dụng bộ pin niken-cadmium truyền thống hơn vì pin lithium không tạo ra nhiều năng lượng tức thời. Amitron đã dẫn đến một loạt các mẫu xe điện concept vào những năm 1970 cũng như Jeep DJ-5E Electruck - một phương tiện chạy điện giao hàng khoảng cách gần mà Bưu điện Mỹ sử dụng ở các thành phố bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
BMW 1602e 1972
Bước đột phá đầu tiên của BMW vào lĩnh vực xe điện đã được giới thiệu trước công chúng tại Thế vận hội Olympic Munich 1972. Thật không may, thế vận hội năm ấy giờ đây chủ yếu được nhớ đến vì một cuộc tấn công khủng bố. Nhiều người sẽ nhớ đến những mẫu concept BMW 1602e chạy điện màu cam được sử dụng để hỗ trợ các sự kiện chạy ma-ra-tông và đi bộ đường dài nếu không phải vì thảm kịch đó. Một cuộc thi chạy ma-ra-tông ở Olympic chỉ dài khoảng 40 km, và nhờ sử dụng hàng tá pin axit chì 12 volt, 1602e có phạm vi di chuyển khoảng 70 km với tốc độ ổn định 50 km/h - gần gấp 3 lần tốc độ của một vận động viên ma-ra-tông chuyên nghiệp.
Theo tiêu chuẩn hiện đại, BMW 1602e không phải là một chiếc ấn tượng. Nó cơ bản chỉ là một bằng chứng cho thấy tính khả thi của xe điện, với bộ pin nặng 350 kg và cần chín giây để đạt vận tốc 96 km/h. Tuy nhiên, nó sẽ có thể tiếp tục tăng tốc lên 185 km/h.
GM EV1 1996
General Motors có thể đã dẫn đầu làn sóng phát triển xe điện vào cuối những năm 1990, nhưng thay vào đó lại tuyên bố rằng đây sẽ là một thị trường ngách không sinh lời và nghiền nát tất cả ngoại trừ 40 chiếc xe mà họ đã sản xuất và cho thuê. Thế hệ EV1 đầu tiên sử dụng bộ pin chì và có phạm vi hoạt động 96 - 160 dặm, và 660 chiếc đã được sản xuất. Thế hệ thứ hai được sản xuất từ năm 1999 đến năm 2003 với rất nhiều cải tiến, bao gồm một bộ pin niken-kim hyđrua. GM đã chế tạo 457 chiếc thế hệ thứ hai để cho thuê, và chúng có phạm vi hoạt động từ 160 - 225 km.
Việc thu hồi và nghiền nát những chiếc xe đó vẫn còn gây tranh cãi tới ngày nay, và chỉ một vài chiếc trong số 40 chiếc được gửi đến các trường đại học và viện bảo tàng là còn tồn tại. Trên thực tế, số lượng xe còn tồn tại ít đến mức EV1 là một trong những phương tiện thập niên 1990 hiếm nhất. Khách hàng khi đó đã yêu thích EV1, nó có phạm vi hoạt động thực dụng cho nhiều trường hợp, và GM đã đầu tư rất nhiều tiền vào quá trình phát triển của nó. Cuối cùng, GM đã có thể dẫn đầu cuộc cách mạng xe điện, nhưng dù có cố ý hay không, GM đã bỏ bóng và nhường đường cho Tesla.
Nissan Altra 1997
Trừ khi bạn sống ở một quốc gia cụ thể, bạn có thể chưa từng nghe về Nissan R'nessa hoặc phiên bản chạy điện có tên Altra. Phiên bản Altra của mẫu Nissan kiểu dáng wagon cỡ lớn là mẫu xe điện đầu tiên sử dụng bộ pin lithium-ion và được bán ở hai thị trường Nhật Bản và Mỹ. Tuy nhiên, Nissan chỉ chế tạo có 200 chiếc Altra, và ở Mỹ, chúng được sử dụng chủ yếu bởi các công ty tiện ích, mặc dù một số ít được dùng làm xe cho thuê. Một số còn được sử dụng làm phương tiện cưỡng chế đỗ xe bởi Sở Cảnh sát Santa Monica.
Nissan Altra đã có phạm vi hoạt động 128 km và sử dụng hệ thống sạc pin cảm ứng - hay như chúng ta thường gọi bây giờ là sạc không dây. Tuy nhiên, phần không dây ở đây chỉ là phần nằm giữa bàn sạc và cuộn dây cảm ứng của thiết bị/xe. Đối với Altra, một thiết bị phải được lắp vào một cổng sạc ở lưới tản nhiệt phía trước.
Ford Ranger EV 1998
Henry Ford là bạn của nhà phát minh Thomas Edison, và vào năm 1914, ông nói với The New York Times rằng, "Trong vòng một năm, tôi hy vọng, chúng tôi sẽ bắt đầu sản xuất ô tô điện. Vấn đề cho đến nay là chế tạo một bộ pin lưu trữ trọng lượng nhẹ, có thể hoạt động cự li dài mà không cần sạc lại." Ông ấy đã bổ công sức nghiên cứu dự án này nhưng không thể giảm được trọng lượng như mong muốn.
Hãng Ford đã quay trở lại với ý tưởng xe điện vào những năm 1950 và đến những năm 1960. Nhưng phải đến năm 1999, Ford mới mua lại công ty Think Global của Na Uy và cả bản quyền mẫu xe đô thị tí hon có thân vỏ bằng nhựa mà công ty này đã phát triển từ năm 1991. Ford đã đầu tư thêm 100 triệu USD vào việc phát triển bộ pin và đưa Think City vào sản xuất hàng loạt.
Ford đã rất nghiêm túc trong việc phát triển xe điện vào những năm 1990, và điều đó đã dẫn đến việc Ford Ranger EV được chế tạo từ năm 1998 đến năm 2002. Nó rất đắt tiền, nhưng một chương trình cho thuê đã khiến Ranger EV trở thành một phương tiện của đội xe chính phủ. Trong năm đầu tiên, chiếc xe bán tải điện này đã sử dụng bộ pin axit-chì nhưng nhanh chóng chuyển sang bộ pin làm từ niken, dung lượng 26 kWh với phạm vi hoạt động khoảng 128 km.