Hiểu đúng về "xe chính chủ", khi nào bị CSGT xử phạt lỗi "xe không chính chủ?"
15:00 - 08/03/2023
Chủ đề xe chính chủ từng gây xôn xao trong cộng đồng mạng. Có nhiều người vẫn hiểu sai về xe chính chủ, gây ra tâm lý hoang mang, lo lắng mỗi khi gặp CSGT. Để giải đáp thắc mắc của độc giả Nguyễn Thanh Thủy, chúng tôi xin mời bạn tham khảo câu trả lời cụ thể dưới đây.
Đi xe "không chính chủ" có bị phạt không?
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định, chỉ những trường hợp mua, được cho/tặng, được phân bổ/điều chuyển, được thừa kế tài sản là các loại xe ô tô, xe gắn máy... mà không làm thủ tục sang tên mới bị xử phạt.
Như vậy, nếu bạn mượn xe hợp pháp từ bạn bè, người thân thì không bị phạt về lỗi xe không chính chủ. Còn nếu bạn mua lại xe của người khác thì cần làm thủ tục sang tên trong vòng 30 ngày.
Mức phạt đi xe không chính chủ?
Đi xe không chính chủ không bị xử phạt. Thực tế, chỉ có lỗi không sang tên, đổi chủ trong vòng 30 ngày mới bị xử phạt. Theo quy định tại Khoản 4 Điều 6 Thông tư 58/2020/TT-BCA, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe thì tổ chức, cá nhân mua, được cho/tặng, được thừa kế xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục cấp đăng ký, biển số. Nếu không thực hiện sang tên trong thời hạn 30 ngày, người sử dụng xe sẽ bị phạt theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
- Xe máy sẽ bị phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng đối với cá nhân; phạt từ 800.000 - 1.200.000 đồng đối với tổ chức.
- Xe ô tô bị phạt tiền 2.000.000 - 4.000.000 đồng với cá nhân; phạt tiền từ 4.000.000 - 8.000.000 đồng với tổ chức.
Ngoài ra, theo Nghị định số 123/2021 sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, lỗi không làm thủ tục đổi lại giấy đăng ký xe theo quy định khi thay đổi địa chỉ của chủ xe cũng sẽ bị phạt tương tự như trên.
Khi nào bị CSGT phạt lỗi đi xe không chính chủ?
Theo Khoản 10 Điều 80 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, chỉ xử phạt lỗi không sang tên xe sau khi chuyển quyền sở hữu trong 2 trường hợp sau:
- Cơ quan có thẩm quyền thực hiện công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông;
- Qua công tác đăng ký xe.
Như vậy, nếu trong quá trình giải quyết tai nạn giao thông mà phát hiện chủ xe đã chuyển quyền sở hữu nhưng chưa sang tên, hoặc sang tên sau thời hạn 30 ngày thì CSGT mới được phép phạt chủ xe lỗi không chính chủ.
Trường hợp khi tham gia giao thông mà bị CSGT gọi vào kiểm tra hành chính, người điều khiển chỉ cần xuất trình đầy đủ giấy tờ gồm:
- Giấy đăng ký xe;
- Bằng lái xe;
- Bảo hiểm bắt buộc xe máy hoặc xe ô tô;
- Giấy đăng kiểm xe (chỉ áp dụng đối với ô tô).
Dù thấy tên trên giấy đăng ký xe không phải là của bạn, CSGT cũng không được phép xử phạt vi phạm lỗi không chính chủ. Nếu cố tình xử phạt, CSGT sẽ bị coi là thực hiện trái quy định, lúc này bạn có thể gọi điện trực tiếp đến số điện thoại đường dây nóng Bộ Công an hoặc khiếu nại đến đơn vị mà đồng chí CSGT đang làm việc để đòi lại quyền lợi của mình.
Bài viết mới nhất
-
Doanh số sedan hạng D tháng 10/2024: Không xe nào bán được hơn 100 chiếc, Mazda6 bám sát nút Toyota Camry
17 giờ trước
-
Dàn siêu xe trăm tỷ đồng tụ tập tại Tp.HCM, Lamborghini Aventador SVJ màu độc đã lâu mới tái xuất
22 giờ trước
-
Honda Việt Nam giới thiệu Vision 2025 với màu sơn nâu đen mới lạ
Hôm qua lúc 16:29