menu

Chia sẻ kinh nghiệm chống say xe cực hay, "rẻ bèo" mà không cần uống thuốc

08:55 - 02/01/2021

Tôi bị say xe khá nặng, cơ thể khó chịu, chóng mặt, buồn nôn khi di chuyển bằng xe ô tô. Có cách nào để tôi khắc phục được tình trạng này không? (Độc giả Trần Tùng Lâm, 24 tuổi).

Để trả lời thắc mắc của độc giả Trần Tùng Lâm về vấn đề say xe, mời bạn tham khảo chia sẻ hữu ích và đầy đủ phía dưới bài viết của Tinxe.vn.

Giải mã hiện tượng say xe 

Thực tế đây không phải là bệnh lý mà là hiện tượng phản ứng của cơ thể khi di chuyển bằng xe ô tô. Say xe là do các tín hiệu hỗn loạn, không nhất quán từ các giác quan truyền đến não, khiến não không thể cân bằng và thích ứng, gây ra cảm giác chóng mặt, buồn nôn.

Người bị say xe ô tô thường gặp triệu chứng như khó thở, chóng mặt, tim đập nhanh, buồn nôn, nôn, đau đầu,... Rất nhiều người bị say xe, bất kể là nam hay nữ và ở mọi độ tuổi, có thể là do thể trạng sức khỏe, cơ địa, có thể do tâm lý sợ hãi, lo lắng và thậm chí là ám ảnh khi đi ô tô.

Trong đó, trẻ em và phụ nữ có thai là đối tượng phổ biến nhất. Trẻ nhỏ từ 3 - 12 tuổi dễ bị say tàu xe hơn, phụ nữ say xe nhiều hơn nam giới và hay bị say hơn trong chu kỳ kinh nguyệt, mang thai.

Người có vấn đề về huyết áp, bệnh tiền đình, đói, mệt mỏi dễ bị say xe ô tô hơn.

7 cách chống say xe đơn giản

#1. Trà gừng

Trà gừng có tác dụng chữa say xe rất tốt, bạn sử dụng gừng tươi cũng được. Trước khi khởi hành 30 phút, hãy uống 1 ly trà gừng ( dùng túi trà sẵn hoặc ngâm vài lát gừng tươi với mật ong khoảng 15 phút). Nếu đang sử dụng thuốc chữa bệnh hoặc có vấn đề cần lưu ý đến gừng thì bạn nên tham khảo tư vấn của bác sĩ trước. 

Ngoài ra, bạn có thể ngậm lát gừng tươi trong miệng, ăn kẹo gừng thay vì hãm nước uống. Tuy nhiên, trà gừng chỉ thực sự hiệu quả với người huyết áp thấp, tiền đình. Những người huyết áp cao không nên uống hoặc ăn mà chỉ đưa lên mũi ngửi, đặt vào rốn để giữ ấm bụng.

#2. Trà hoa cúc/ trà xanh ấm

Trà hoa cúc giúp làm dịu dạ dày, giảm tiết axit,... hạn chế tình trạng say xe hiệu quả. Bạn chuẩn bị 1 lượng trà hoa cúc pha sẵn, để trong bình giữ nhiệt và mang theo người, uống dần trong quá trình di chuyển bằng ô tô.

Trà xanh có công dụng làm ấm cơ thể, hỗ trợ tuần hoàn máu, giảm cảm giác buồn nôn, khó chịu. Ngoài ra, trong trà xanh còn có hoạt chất EGCG không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn giúp cân bằng, lấy lại tinh thần nhanh chóng.

Trà xanh ấm giúp chống say xe hiệu quả.

Trà xanh ấm giúp chống say xe hiệu quả.

#3. Nước chanh đường

Say xe nên uống gì? Để chuyến đi thoải mái hơn, không còn cảm giác say xe thì bạn cần tránh uống đồ có ga, nước soda hoặc đồ uống kích thích như cà phê. Thay vào đó là uống nước chanh ấm pha với đường hoặc mật ong.

Đây cũng là cách không say xe ô tô hiệu nghiệm bởi chanh chứa nhiều Vitamin C, giúp cơ thể cân bằng pH, tăng sức đề kháng cho cơ thể, nạp thêm năng lượng để bạn tỉnh táo hơn.

#4. Dán miếng dán chống say xe dưới mang tai

Miếng dán này có tác dụng chống say xe mà không cần phải sử dụng thuốc, hạn chế cảm giác buồn nôn, chóng mặt. Bạn dùng miếng dán này 30 phút trước khi lên xe, đồng thời bạn kết hợp cả đeo khẩu trang trong suốt thời gian trên xe để không bị mùi xăng dầu tác động.

Nếu không muốn uống thuốc, bạn có thể dùng miếng dán chống say xe.

Nếu không muốn uống thuốc, bạn có thể dùng miếng dán chống say xe.

#5. Chống say xe bằng bánh mì

Say xe nên ăn gì? Nhiều người chia sẻ kinh nghiệm chữa say xe bằng bánh mì rất hiệu nghiệm, bạn có thể ngửi hoặc ăn vài lát bánh trong khi đi xe mà không còn cảm giác buồn nôn hay váng đầu. Bên cạnh đó, các loại bánh khô như bánh quy, bánh gạo,... cũng là gợi ý tốt giúp cho chuyến đi của bạn trở nên dễ chịu hơn.

#6. Chuối

Chuối chứa nhiều kali, khoáng chất và vitamin, do đó việc ăn nhẹ một vài quả chuối sẽ giúp cơ thể chống lại cảm giác buồn nôn, mất nước nhanh chóng. 

#7. Dùng vỏ cam/ quýt

Trong vỏ quýt, cam có tinh dầu thơm giúp người say xe cảm thấy dễ chịu tức thì. Bạn bóp nhẹ để các tinh dầu này tiết ra và đưa lên mũi ngửi trước khi lên xe, cẩn thận hơn thì bạn sử dụng trong suốt quãng đường di chuyển cũng tốt, mùi quýt sẽ át mùi xăng dầu, điều hòa.

Say xe nên làm gì?

- Người mệt mỏi, uể oải vì mất ngủ, thiếu ngủ cũng rất dễ bị say xe. Do vậy, bạn nên đảm bảo giấc ngủ của mình vào ngày hôm trước, để cơ thể đạt thể trạng tốt nhất.

- Tránh ngồi ở cuối xe bởi đây là vị trí chịu nhiều dằn xóc, rung lắc. Ưu tiên những ghế đầu hoặc giữa, hạn chế ngồi cạnh người say xe, điều đó có thể khiến bạn cảm thấy nôn nao, tâm lý lo ngại.

- Thư giãn và hít thở sâu, thi thoảng chợp mắt một chút.

- Không đọc sách hoặc sử dụng điện thoại.

- Tránh thực phẩm từ sữa, chứa nhiều muối, protein, có mùi khó chịu.

- Đừng để bụng đói hay nhịn ăn vì điều này càng khiến bạn dễ say xe hơn, thay vào đó hãy ăn một chút trước khi đi hoặc mang theo những thực phẩm như bánh mì, khoai luộc, bánh quy.

Trên đây là bài viết chia sẻ về kinh nghiệm chống say xe hiệu quả, đơn giản gửi tới bạn đọc Trần Tùng Lâm. Hy vọng thông tin vừa rồi đã giúp ích cho bạn trong việc "đối phó" với tình trạng say xe của mình.

Tịnh Tâm

Đánh giá: