menu

Từ ngày 1/1/2025, người điều khiển xe trên 125cc phải có bằng lái như mô tô phân khối lớn

02:20 - 16/07/2024

Kể từ năm 2025, những người điều khiển xe máy trên 125cc như Honda Winner X, Yamaha Exciter 155, Honda Vario 160,... sẽ phải thi bằng lái hạng A như mô tô phân khối lớn thay vì bằng A1 như quy định hiện hành.

Vào sáng ngày 27/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB). Đây là một trong hai luật được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ, bên cạnh Luật Đường bộ.

Chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, Luật TTATGTĐB có nhiều điểm mới về phân hạng giấy phép lái xe. Theo quy định của Luật này, giấy phép lái xe (GPLX) được chia thành 15 phân hạng, bao gồm A, A1, B, B1, C, C1, D, D1, D2, BE, C1E, CE, DE, D1E, D2E. So với quy định cũ, số phân hạng GPLX đã tăng 2.

Trong số này, GPLX hạng A1 sẽ được cấp cho người lái mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh đến 125 cm3 hoặc công suất động cơ điện đến 11 kW. Hạng A được cấp cho người lái mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh trên 125 cm3 hoặc công suất động cơ trên 11 kW và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1. GPLX hạng B1 sẽ được cấp cho người lái mô tô ba bánh và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1.

Như vậy, kể từ năm 2025, những người điều khiển xe máy trên 125cc như Honda Winner X, Yamaha Exciter 155, Honda Vario 160,... sẽ phải thi bằng lái hạng A như mô tô phân khối lớn thay vì bằng A1 như quy định hiện hành.

Với ô tô, GPLX hạng B sẽ dành cho người lái xe đến 8 chỗ (không kể ghế tài xế), ô tô tải và chuyên dùng đến 3,5 tấn. Đây là phân hạng được gộp giữa bằng B1 (cấp cho người không hành nghề lái xe đi ô tô đến 9 chỗ ngồi; xe tải dưới 3,5 tấn) và bằng B2 (cấp cho người hành nghề lái xe điều khiển xe đến 9 chỗ ngồi; ô tô tải dưới 3,5 tấn).

Trong khi đó, GPLX hạng C được tách thành C1 (dành cho lái xe 3,5-7,5 tấn) và C (trên 7,5 tấn). Trước đây, GPLX hạng C dành cho lái xe tải từ 3,5 tấn trở lên.

Tiếp đến là GPLX hạng D được tách thành các hạng D1 (xe từ 8 đến 16 chỗ, không kể chỗ của người lái), D2 (từ 16 đến 29 chỗ) và hạng D (trên 29 chỗ). Theo quy định hiện hành, GPLX hạng D được cấp cho tài xế lái xe chở người từ 10 đến 30 chỗ.

GPLX hạng BE sẽ được cấp cho người lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng B kéo rơ-moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750 kg. Tương tự như vậy, Tương tự, các hạng C1E, CE, D1E, D2E, DE được cấp cho người lái các loại xe ô tô hạng C1, C, D1, D2, D kéo rơ-moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750 kg.

Cũng theo Luật TTATGTĐB mới, GPLX các loại A1, A, B1 không có thời hạn; hạng B và hạng C1 thời hạn 10 năm; hạng C, D1, D2, D và các GPLX rơ-moóc chỉ 5 năm.

Bên cạnh đó, Luật còn quy định về độ tuổi người lái xe, cụ thể như sau:

  • Người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy có dung tích dưới 50 cm3 hoặc động cơ điện không lớn hơn 4 kW;
  • Người đủ 18 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng A1, A, B1, B, C1;
  • Người đủ 21 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng C, BE;
  • Người đủ 24 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng D1, D2, C1E, CE;
  • Người đủ 27 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng D, D1E, D2E, DE.

GPLX của xe máy và ô tô được cấp trước ngày Luật có hiệu lực thi hành được tiếp tục sử dụng bình thường theo thời hạn ghi trên giấy phép. Tuy nhiên, Luật khuyến khích người dân đổi GPLX không thời hạn được cấp trước ngày 1/7/2012.

Khi người có GPLX đã được cấp trước ngày Luật có hiệu lực có nhu cầu đổi, cấp lại sẽ được áp dụng theo nguyên tắc sau:

  • Người có giấy phép hạng A1 (theo Luật giao thông đường bộ 2008) được chuyển sang hạng A, song chỉ được điều khiển xe mô tô đến 175 cm3 hoặc động cơ điện đến 14 kW;
  • Hạng A2 được đổi sang hạng A;
  • Hạng A3 được đổi sang hạng B1.
  • Hạng B1 số tự động được đổi, cấp lại sang hạng B, song chỉ được điều khiển ôtô số tự động;
  • Hạng B1, B2 được đổi sang hạng B và C1;
  • Hạng C được đổi cùng loại;
  • Hạng D được đổi, cấp lại sang hạng D2;
  • Hạng E được đổi, cấp lại sang hạng D;
  • Hạng FB2 được đổi, cấp lại sang C1E...
Đánh giá: