menu

Không tham gia bảo hiểm bắt buộc, ô tô xe máy bị tai nạn giao thông vẫn được đền bù

14:47 - 16/05/2021

Khoản 1 Điều 27 Nghị định 03/2021 đã quy định việc chi hỗ trợ nhân đạo; chi đề phòng, hạn chế tổn thất, tai nạn giao thông đường bộ… của Quỹ bảo hiểm xe cơ giới.

Nhiều chủ xe thắc mắc rằng mình không tham gia bảo hiểm bắt buộc thì khi bị tai nạn giao thông có được đền bù không? Trường hợp như thế nào thì được đền bù và được bao nhiêu?

Để giải đáp các câu hỏi trên, Tinxe xin mời bạn đọc tham khảo bài viết chi tiết phía dưới.

Không tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc, khi tai nạn có được đền bù không?

Theo Thông tư 43/2014/TT-BTC trước đây quy định, chi hỗ trợ nhân đạo chi phí mai táng là 20 triệu đồng/người/vụ và mức chi không vượt quá 12% tổng số tiền đóng vào Quỹ bảo hiểm xe cơ giới hàng năm. Tuy nhiên, theo Nghị định 3/2021 (có hiệu lực từ ngày 01/03/2021), ô tô, xe máy không tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới vẫn được Quỹ bảo hiểm xe cơ giới hỗ trợ, đền bù trong một số trường hợp.

Cụ thể, theo Khoản 1 Điều 27 Nghị định 3/2021, Quỹ bảo hiểm xe cơ giới được sử dụng để chi hỗ trợ nhân đạo "Trong các trường hợp không xác định được xe gây tai nạn, xe không tham gia bảo hiểm và các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo quy định tại Điều 13 Nghị định này (trừ hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe cơ giới, người lái xe hoặc của người bị thiệt hại): 30% mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định/1 người/1 vụ đối với trường hợp tử vong; 10% mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định/1 người/1 vụ đối với các trường hợp tổn thương bộ phận được điều trị cấp cứu.

Sau khi doanh nghiệp bảo hiểm đã thực hiện tạm ứng bồi thường theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 14 Nghị định này, Ban điều hành Quỹ bảo hiểm xe cơ giới có trách nhiệm hoàn trả số tiền mà doanh nghiệp Bảo hiểm đã tạm ứng bồi thường trong trường hợp tai nạn được xác định thuộc loại trừ trách nhiệm bảo hiểm hoặc khoản tiền tạm ứng bồi thường vượt mức bồi thường bảo hiểm theo quy định trong trường hợp tai nạn thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại."

Các trường hợp được đền bù

Như vậy, nếu không tham gia bảo hiểm ô tô, xe máy vẫn được đền bù nếu trong các trường hợp:

  • Không xác định được xe gây tai nạn;
  • Xe không tham gia bảo hiểm;
  • Các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo quy định tại Điều 13 Nghị định này như lái xe chưa đủ độ tuổi hoặc quá tuổi điều khiển xe; lái xe không có bằng lái,… (trừ hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe cơ giới, người lái xe hoặc của người bị thiệt hại).

Mức hưởng đền bù như thế nào?

Theo quy định nêu rõ tại Khoản 1 Điều 27 Nghị định 3/2021 thì mức chi đền bù như sau:

  • 30% mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định/1 người/1 vụ đối với trường hợp tử vong;
  • 10% mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định/1 người/1 vụ đối với các trường hợp tổn thương bộ phận được điều trị cấp cứu.

Mức chi không thấp hơn 25% tổng số tiền đóng vào Quỹ bảo hiểm xe cơ giới hàng năm và số dư Quỹ các năm trước (theo Thông tư 04/2021/TT-BTC).

Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể tỷ lệ của từng nội dung chi quy định tại khoản 1 Điều này, ưu tiên thực hiện các nội dung chi hỗ trợ nhân đạo, chi công tác đề phòng, hạn chế tổn thất, tai nạn giao thông đường bộ và chi tuyên truyền, giáo dục đảm bảo phù hợp với mục tiêu thành lập Quỹ bảo hiểm xe cơ giới.

Hồ sơ chi hỗ trợ nhân đạo (điểm b Khoản 1 Điều 9 của Nghị định 03/2021)

Người bị thiệt hại có trách nhiệm thu thập 1 bộ hồ sơ đề nghị chi hỗ trợ nhân đạo và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ. Hồ sơ chi hỗ trợ nhân đạo gồm các tài liệu sau:

1) Trường hợp không xác định được xe gây tai nạn:

- Bản gốc đơn đề nghị chi hỗ trợ nhân đạo theo mẫu quy định tại Phụ lục II kèm theo Thông tư này.

- Bản sao Trích lục khai tử hoặc Giấy báo tử hoặc văn bản xác nhận của cơ quan Công an hoặc kết quả giám định của cơ quan giám định pháp y đối với trường hợp nạn nhân chết trên phương tiện giao thông, chết do tai nạn (trường hợp tử vong).

- Hồ sơ bệnh án đối với trường hợp tổn thương bộ phận.

- Bản sao công chứng thông báo giải quyết tai nạn giao thông, trong đó nêu rõ vụ tai nạn giao thông không xác định được xe gây tai nạn.

2) Trường hợp xe không tham gia bảo hiểm:

- Bản gốc đơn đề nghị chi hỗ trợ nhân đạo theo mẫu quy định tại Phụ lục II kèm theo Thông tư này.

- Bản sao Trích lục khai tử hoặc Giấy báo tử hoặc văn bản xác nhận của cơ quan Công an hoặc kết quả giám định của cơ quan giám định pháp y đối với trường hợp nạn nhân chết trên phương tiện giao thông, chết do tai nạn (trường hợp tử vong).

- Hồ sơ bệnh án đối với trường hợp tổn thương bộ phận.

- Bản sao công chứng thông báo giải quyết tai nạn giao thông.

3) Trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm:

- Bản gốc đơn đề nghị chi hỗ trợ nhân đạo theo mẫu quy định tại Phụ lục II kèm theo Thông tư này.

- Bản sao Trích lục khai tử hoặc Giấy báo tử hoặc văn bản xác nhận của cơ quan Công an hoặc kết quả giám định của cơ quan giám định pháp y đối với trường hợp nạn nhân chết trên phương tiện giao thông, chết do tai nạn (trường hợp tử vong).

- Hồ sơ bệnh án đối với trường hợp tổn thương bộ phận.

- Bản gốc văn bản từ chối bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm.

- Bản sao công chứng thông báo giải quyết tai nạn giao thông.

Trên đây là những thông tin chi tiết được tổng hợp từ Tinxe giúp bạn đọc trả lời những câu hỏi liên quan đến vấn đề ô tô, xe máy bị tai nạn mà không tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc.

Lan Châu

Đánh giá: